Friday, November 24, 2023

Tin Tức: Thứ Sáu 24.11.2023

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Xuân Nhi & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ GIỚI BẤT ĐỘNG SẢN VN ĐỐI MẶT VỚI ÁP LỰC TRẢ NỢ CAO

Giới phát triển địa ốc được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực trả nợ gia tăng cho các khoản vay lớn trong khi lượng dự trữ tiền mặt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Các đánh giá vừa nêu trên được đưa ra trong báo cáo công bố vào ngày 22/11 do hai công ty VIS Rating và Moody cùng thực hiện.

Theo đó thì những nhà phát triển bất động sản được niêm yết, một số là những công ty có số vốn lớn nhất trên thị trường chứng khoán Sài Gòn, đang đối mặt khoản trả trái phiếu hằng năm gần 5 tỷ Mỹ kim trong năm nay và sang năm tới. Con số này tương đương hơn 1% tổng sản phẩm nội địa Việt Nam.

Báo cáo mới nhất cho thấy lãnh vực bất động sản của Việt Nam trong những tháng gần đây không thể trả nợ đáo hạn trong khi tín dụng bị thắt chặt và nguồn cung các căn nhà cao cấp vượt xa nhu cầu. Thực trạng này được cho tương tự như đang xảy ra ở Trung Cộng.

Vào tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Phát triển Á châu đưa ra cảnh báo khủng hoảng trong lãnh vực địa ốc có thể lan sang lãnh vực ngân hàng tại Việt Nam.

2/ BẮC HÀN HỦY BỎ THỎA THUẬN QUÂN SỰ VỚI NAM HÀN

Bạo quyền Bắc Hàn vào hôm qua 23/11 cho biết là sẽ triển khai lực lượng vũ trang mạnh hơn với vũ khí mới ở biên giới hai nước, một ngày sau khi Nam Hàn đình chỉ một phần hiệp định quân sự năm 2018 giữa hai miền để phản đối việc Bắc Hàn phóng vệ tinh do thám.

Bộ quốc phòng Bắc Hàn tuyên bố là sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự mà nước này đã tạm dừng theo thỏa thuận với Nam Hàn, được thiết kế nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới  giữa hai nước.

Tuyên bố nêu rõ là kể từ bây giờ, quân đội Bắc Hàn sẽ không bao giờ bị ràng buộc bởi thỏa thuận quân sự Bắc - Nam vào ngày 19/9 năm 2019. Bắc Hàn sẽ rút lại các bước được thực hiện để ngăn chặn căng thẳng quân sự và xung đột trên mọi lãnh vực bao gồm trên bộ, trên biển và trên không. Đồng thời Bắc Hàn sẽ triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn với vũ khí mới trong khu vực dọc theo đường phân giới quân sự.

Cần biết vụ phóng vệ tinh hôm 21/11 là nỗ lực thứ ba của Bắc Hàn trong năm nay sau hai lần thất bại và tiếp theo là chuyến viếng thăm hiếm hoi của lãnh tụ Kim Jong Un tới Nga, trong đó Tổng thống Vladimir Putin hứa sẽ giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

Giới chức Nam Hàn cho biết vụ phóng mới nhất rất có thể được Nga hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác ngày càng tăng, với Bắc Hàn cung cấp cho Nga hàng triệu trái đạn pháo.

Nam Hàn hôm thứ Tư 22/11 đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự để đáp trả vụ phóng phi đạn của Bắc Hàn và cho biết họ sẽ ngay lập tức tăng cường giám sát dọc biên giới được canh giữ an ninh nghiêm ngặt.

Tuy nhiên Bắc Hàn cáo buộc Nam Hàn hủy bỏ thỏa thuận, đồng thời đe dọa là Nam Hàn sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra đụng độ không thể khắc phục giữa hai miền. Tuyên bố của Bắc Hàn được đưa ra vài giờ sau khi nước này phóng một phi đạn tầm xa ra ngoài khơi bờ biển phía đông vào cuối ngày thứ Tư.

Quân đội Nam Hàn cho biết vụ phóng này dường như đã thất bại. Thông tấn xã Nam Hàn Yonhap loan tin là Nam Hàn đã nối lại việc xử dụng máy bay trinh sát có người lái và không người lái ở khu vực biên giới.

3/ ĐẢNG CỰC HỮU HÒA LAN GIÀNH CHIẾN THẮNG TRONG CUỘC BẦU CỬ

Kết quả cuộc bầu cử quốc hội Hòa Lan vào hôm 23/11 cho thấy đảng cực hữu của ông Geert Wilders đã giành chiến thắng, gây bất ngờ cho khối Liên hiệp Âu châu vì ông Wilders có tư tưởng bài Hồi giáo và chống khối này.

Tuy nhiên vì không chiếm được đa số phiếu để tự thành lập chính phủ, đảng cực hữu sẽ phải đàm phán với các đảng khác để lập liên minh cầm quyền. Với việc chiếm được 37 ghế trong tổng số 150 ghế quốc hội, ông Wilders đã bỏ xa hai đảng Nhân dân Tự do và Dân chủ.

Chỉ chiếm được 24 ghế, đảng của cựu thủ tướng Mark Rutte thậm chí còn thua liên minh của đảng Lao Động và đảng Xanh. Đảng Tự do của ông Geert Wilders đã gây bất ngờ vì trong suốt chiến dịch tranh cử, người dân Hòa Lan dường như không còn mặn mà với các chính khách của họ.

Đảng Khế ước Xã hội của ông Pieter Omtzigt, mới được thành lập vào tháng 8 với kỳ vọng xây dựng một thể chế mới, đã giành được đến 20 ghế, và như vậy có lợi thế rất lớn trong các cuộc thương lượng thành lập liên minh cầm quyền.

Thường được so sánh với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Wilders cũng có lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư, chủ trương kiểm soát chặt chẽ biên giới và trục xuất những người nhập cư trái phép. Với tư tưởng bài Hồi giáo, ông khẳng định là Hòa Lan không phải là một quốc gia Hồi giáo, sẽ không có trường học Hồi giáo, kinh Koran hay các nhà thờ Hồi giáo ở xứ này.

No comments:

Post a Comment