Mở đầu chương trình mời quý vị theo dõi phần Tin Tức với Phụng Hoàng & Trường An.
1/ HOA KỲ CHIA BUỒN VỀ SỰ RA ĐI CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ
Trong thông cáo đưa ra vào tối ngày 27/11, bộ ngoại giao Mỹ
chia xẻ nỗi buồn cùng người dân Việt Nam và tín đồ Phật giáo trên thế giới về
sự ra đi của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, một vị lãnh đạo ưu tú của giáo hội Phật
giáo VN Thống nhất.
Thông cáo nhấn mạnh là Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trong suốt
nhiều thập niên qua là một quán quân đấu tranh không mệt mỏi cho quyền tự do
tôn giáo và những quyền con người căn bản khác, khiến bạo quyền Việt Nam tuyên
án tù đối với Ngài hơn một thập niên. Ngài còn là một học giả uyên thâm, một cây
viết đầy sức sáng tạo và là một triết gia.
Chính vì thế, thông báo của Hoa Kỳ cho biết là âm vọng của
Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ sẽ được ghi nhớ mãi mỗi khi nghĩ đến các đóng góp của
Ngài cho dân tộc Việt Nam. Người dân Hoa Kỳ luôn theo cùng giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất tại nước Việt và trên thế giới.
Cần biết là Trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch
vào lúc 4 giờ chiều ngày 24/11. Ngài từng bị bạo quyền Hà Nội bắt đi cải tạo 3
năm vào năm 1978. Vào tháng 9 năm 1988, Ngài bị tuyên án tử hình với cáo buộc
“hoạt động nhằm lật đổ chế độ CSVN”. Tuy nhiên dưới sức ép của cộng đồng thế
giới, Ngài được trả tự do vào tháng 9 năm 1998 nhưng bị bạo quyền cưỡng ép quản
thúc 2 năm.
Đến tháng 8 năm 2022, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được đề cử
làm Chánh thư ký viện Tăng thống, theo di chúc của Tăng thống Thích Quảng Độ,
người viên tịch trước đó vào tháng 2/2020.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo.
Ngài còn làm thơ và viết truyện ngắn. Tổ chức Giám sát Nhân quyền vào năm 1998
trao cho ông giải Hellman-Hammet.
Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất không được bạo quyền Việt Nam thừa nhận. Giới lãnh đạo cùa giáo hội luôn bị bạo quyền đàn áp, sách nhiễu kể từ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào tháng 4 năm 1975.
2/ UKRAINE GÂY TỔN THẤT NẶNG NỀ
CHO QUÂN XÂM LƯỢC NGA
Vào hôm 27/11 vừa qua, Tổng thư ký NATO
Jens Stoltenberg khẳng định là Ukraine tiếp tục gây tổn thất nặng nề cho quân xâm lược Nga, cả
về số lượng binh sĩ cũng như số vũ khí bị loại khỏi vòng chiến đấu,
trong những tuần gần đây.
Theo tình báo Anh, số binh sĩ Nga tử
trận trung bình hàng ngày trong tháng 11 là ở mức cao nhất kể từ đầu chiến
tranh.
Người cầm đầu khối NATO cho biết là
mặc dù đường chiến tuyến không thay đổi đáng kể, với quân đội Ukraine không có bất
cứ bước đột phá nào, nhưng chiến sự diễn ra rất dữ dội, các lực lượng Ukraine tiếp
tục chiến đấu rất dũng cảm.
Trong khi đó, tình báo Anh khẳng định số liệu tổn thất về
nhân mạng của Nga mà Ukraine đưa ra là “đáng tin cậy”. Theo bộ tổng tham mưu
Ukraine, trung bình hằng ngày trong tháng 11 này, Nga mất hơn 930 binh sĩ trên
chiến trường, cao hơn hẳn so với mức hơn 770 binh sĩ tử trận mỗi ngày vào tháng
3, tức vào lúc đỉnh điểm của chiến dịch Nga đánh chiếm Bakhmut.
Tình báo Anh cho biết thêm là tổn thất quan trọng nhất của
Nga là trong chiến dịch tấn công thành phố Avdivka ở vùng Donbass.
Tuy nhiên vào hôm qua 28/11, phía Ukraine cũng chấn động
trước tin cho biết phu nhân của trùm tình báo quân đội Ukraine đã bị đầu độc.
Theo nhiều nguồn tin, bà Marianna Budanova là vợ của ông Kyrylo Budanov, người
cầm đầu cơ quan tình báo quân đội GUR.
Cần biết là ông Budanov 37 tuổi đã trở thành nhân vật nổi bật ở Ukraine và khối phương Tây, nhưng bị giới truyền thông Nga rất chán ghét. Trong mấy năm qua, ông bị ám sát nhiều lần, trong đó có một vụ đánh bom xe và một tòa án của Nga đã ra lệnh truy nã ông về tội khủng bố.
3/ ẤN ĐỘ GIẢI CỨU THÀNH CÔNG 41 CÔNG NHÂN BỊ SẬP ĐƯỜNG HẦM
Đội cứu nạn Ấn Độ đã giải cứu toàn bộ 41 công nhân bị kẹt trong đường
hầm bị sập ở dãy Hy Mã Lạp Sơn sau 17 ngày ròng rã đào hầm.
Toàn bộ 41 công nhân xây dựng đã được đưa ra khỏi khu vực
đường hầm bị sập vào tối 28/11. Việc giải cứu diễn ra hơn 6 giờ sau khi đội cấp
cứu đào đến được khu vực họ bị mắc kẹt. Các công nhân được đưa lên cáng cứu
thương và ra khỏi đường ống thép có đường kính 90 cm. Toàn bộ quá trình hoàn
tất trong khoảng một giờ.
Người đầu tiên ra ngoài có dáng người thấp, mặc áo khoác
màu xám và mũ cứng màu vàng. Người này được Thủ hiến Pushkar Dhami của tiểu bang
Uttarakhand và Thứ trưởng Giao thông V.K Singh đón chào cùng tặng vòng hoa.
Nhiều xe cứu thương xếp hàng bên ngoài đường hầm để chở các
công nhân đến bệnh viện cách đó khoảng 30 cây số. Ở bên ngoài, người dân địa
phương đốt pháo hoa và hò reo vui mừng.
Số công nhân này bị mắc kẹt trong đường hầm Silkyara dài 4
cây số rưởi đang được xây dựng trên dãy núi Himalaya. Một đoạn đường hầm bất
ngờ bị sập vào sáng sớm 12/11. Nhưng cho đến hôm giải cứu, họ vẫn còn an toàn,
được cung cấp ánh sáng, dưỡng khí, thức ăn và thuốc men thông qua một đường ống
hẹp.
Đường hầm này là một
phần của dự án cao tốc Char Dham trị giá 1 tỷ rưởi Mỹ kim, một trong những công
trình tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi, nhằm kết nối 4 địa điểm hành hương
của người theo đạo Hindu.
Các quan chức không nói nguyên nhân gây sập hầm nhưng khu vực này thường xảy ra lở đất, động đất và lũ lụt.
4/ TRUNG CỘNG NHẮC NHỞ ÚC VỀ VIỆC CHIẾN HẠM ĐI LẠI Ở
BIỂN ĐÔNG
Trung Cộng vừa lên tiếng nhắc nhở nước Úc về các hoạt động
hải quân ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang có tranh chấp, trong khi một quan
chức cấp cao Trung Cộng cảnh báo một biến cố nhỏ giữa quân đội hai nước có thể
leo thang và phá hoại quan hệ song phương.
Cần biết là Thủ tướng Úc Anthony Albanese vào tuần trước cho biết một chiến hạm
Trung Cộng đã có hành động nguy hiểm khi xử dụng sóng âm phản xạ gần một tàu
hải quân Úc ở vùng biển Nhật Bản khiến một binh sĩ thợ lặn bị thương.
Cũng chính tàu hải quân Úc này, chiếc Toowoomba, vào hôm 25/11 đã bắt đầu tuần
tra chung với Philippines ở Biển Đông lần đầu tiên, trong lúc sự căng thẳng
giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh một bãi cạn đang gia tăng.
Phát biểu tại Sydney vào hôm qua 28/11, ông Lưu Kiến Siêu, trưởng ban liên lạc
đối ngoại Trung Cộng, phủ nhận chuyện Trung Cộng đã khiến người thợ lặn Úc bị
thương. Đồng thời kêu gọi cần có bất kỳ hình thức nào để tham vấn trước, hoặc
thông báo trước, nhằm ngăn chặn hiểu lầm xảy ra giữa quân đội hai nước. Tuy
nhiên ông đặt ra câu hỏi là tại sao hải quân Úc lại có mặt ở vùng biển đó.
Họ Lưu kêu gọi chính phủ và quân đội Úc cần phải hành động
hết sức thận trọng trong lãnh vực này.
Cần biết là nước Úc trước đây tuyên bố tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không của tất cả các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, với hai phần ba số lượng thương mại của Úc đi qua Biển Đông.
No comments:
Post a Comment