“Vì tôi lo lắng về hiền tình đất nước và lo lắng cho thế hệ con cháu”. Đó là lời phát biểu của kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh khảng khái tuyên bố trong phiên tòa cộng sản khi bị bắt. Trong tiết mục Chân Dung TNLT hôm nay, chúng tôi xin gởi đến quý thính giả vài nét về Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh. Bài của Thúc Lân do Bảo Trân trình bày.
KỸ SƯ NGUYỄN NGỌC ÁNH
Thúc Lân
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1980, quê gốc Hà Nội nhưng sinh sống và lập
nghiệp tại Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp trung học, Ánh thi đậu
vào trường Đại học Thủy Sản- Nha Trang (nay là trường Đại học Nha Trang). Ra
trường, ông làm việc trong cơ quan nhà nước khoảng hơn một năm nhưng “không
chịu nổi những cảnh trái tai gai mắt” nên nghỉ việc. Năm 2011, Nguyễn Ngọc Ánh
mở “Cửa hàng Thủy sản VILO”, vừa phát triển nghề nghiệp, vừa tư vấn miễn phí
cho bà con nông dân làm nghề “nuôi – trồng thủy sản”.
Theo lời tường thuật của luật sư Đặng Đình Mạnh, vài ngày trước phiên tòa
xét xử phúc thẩm, gặp luật sư trong trại tạm giam, Nguyễn Ngọc Ánh đã tếu táo
kể rằng: “Gia đình em có “duyên” với tù cộng sản, đến em là đời thứ ba
rồi. Từ ông nội, cha, rồi đến em. Khởi đầu “duyên” ấy là từ đời ông nội Nguyễn
Phú Lãi, một nhà tư sản dân tộc đã hào hiệp mở kho thóc cứu đói cho dân chúng
vào năm 1945. Đồng thời, cũng rất hồ hởi đóng góp tài sản trong “Tuần lễ vàng”
theo lời kêu gọi chính phủ khi ấy. Đến năm 1953, giai đoạn thực hiện cải cách
ruộng đất thì ông bị đưa ra đấu tố, hành hạ đến chết để khảo của. Khi gần chết,
ông được “đặc ân” gặp vợ vì những kẻ khảo của hy vọng ông sẽ trối trăng với vợ
nơi cất giấu của.”
Cha của Nguyễn Ngọc Ánh là ông Nguyễn Dục Tú, người từng bị ép buộc phải cầm
súng đứng trong hàng ngũ Bắc Việt khi quân đội chế độ này mở cuộc chiến tranh
xâm lược Miền Nam Việt Nam. Một quá khứ mà cuối đời chính ông Nguyễn Dục Tú đã
mô tả rằng “sai lầm quá lớn không thể sửa chữa được”. Nhưng sau này, vào thời
tem phiếu, bản thân ông cũng từng bị đi tù, bị tra tấn đến ho ra máu chỉ vì
trót mua một chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc.
Có một chi tiết cảm động xin được chia sẻ với quý độc giả, rằng chàng thanh
niên Nguyễn Ngọc Ánh trở thành một người chống cộng, đấu tranh đòi dân chủ
chính là nhờ sự khích lệ từ cha mình. Ông Tú thường nói với con trai: “Đời
cha đã mắc sai lầm quá lớn. Bây giờ chỉ trông chờ vào đời con cháu, sửa chữa
những sai lầm ấy cho cha”. Thời gian đầu, Nguyễn Ngọc Ánh chọn cách
đấu tranh trong âm thầm. Nhưng nhờ sự khích lệ và đồng hành của cha, Ánh quyết
định dấn thân công khai, nhằm tìm kiếm những người cùng chí hướng và mong muốn
việc làm của mình tác động đến nhận thức của dân chúng. Tất nhiên, Nguyễn Ngọc
Ánh biết rõ đấu tranh công khai đồng nghĩa với việc phải đón nhận những rủi ro,
hậu quả, thậm chí tù đày và đã chuẩn bị tinh thần cho những điều ấy.
Nguyễn Ngọc Ánh bị công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018 với cáo
buộc “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống
NN CHXHCN VN” theo điều 117 – BLHS năm 2015. Khoảng nửa năm sau khi Nguyễn
Ngọc Ánh bị bắt, ông Nguyễn Dục Tú qua đời mà không được gặp mặt con trai. Ngày
6/6/2019, tòa án tỉnh Bến Tre đã tuyên 06 năm tù giam, 05 năm quản chế với
người trí thức yêu nước này. Chế độ độc tài cộng sản cáo buộc Nguyễn Ngọc Ánh
là đã tạo các nhóm kín nhằm chia sẻ, thảo luận, kêu gọi biểu tình vào các ngày
4 tháng 9 năm 2018 và 30 tháng 4 năm 2019.
Ngay trước khi phiên tòa diễn ra một ngày, tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc
tế (Human Rights Watch) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Việt Nam phải
trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với
ông.
Ngày 7-11-2019, Tòa án nhân dân cấp cao có trụ sở tại Sài Gòn đã mở phiên
phúc thẩm và phán quyết giữ nguyên bản án 6 năm tù giam, 05 năm quản chế đối
với Nguyễn Ngọc Ánh. Trong thời gian ở trại tạm giam tỉnh Bến Tre, Nguyễn Ngọc
Ánh từng bị bạn tù hành hung đến mức què chân. Việc xúi giục, sử dụng tù thường
phạm đánh đập, hành hung tù nhân chính trị là một thủ đoạn đê hèn và là truyền
thống của ngành cai tù cộng sản. Cũng trong thời gian bị tạm giam, Nguyễn Ngọc
Ánh từng bị một tên công an lôi ra ngoài sân giữa trời nắng và đạp thẳng vào
mặt chỉ vì ông lên án những vi phạm về quy định thăm nuôi của nhà tù.
Giống như các phiên tòa xét xử và kết án những người yêu nước khác, quyền
được nói, quyền được tự bào chữa của Nguyễn Ngọc Ánh bị xâm phạm nghiêm trọng.
Các luật sư bị cản trở việc hành nghề như bị thu giữ máy tính, - phương tiện
chứa đựng hồ sơ vụ án và bài bào chữa, thậm chí bị bịt miệng ngay tại tòa.
Khi được hỏi, lý do ông thực hiện các hành vi như cáo trạng nêu, Nguyễn Ngọc
Ánh khảng khái trả lời “vì tôi lo lắng về hiện tình đất nước và lo lắng cho
thế hệ con cháu”.
Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Ánh có một cậu con trai sinh năm 2014. Khi cha bị
bắt, cậu bé mới lên 4 tuổi. Bà Nguyễn Thị Châu kể rằng dù chồng đã bị bắt,
nhưng nhà riêng của bà vẫn thường xuyên bị công an rình rập, canh gác. Thậm chí
công an còn gửi giấy mời, hoặc đe dọa chỉ vì bà tường thuật những chuyến thăm
chồng hay nêu quan điểm về một vấn nạn nào đó của xã hội trên trang fb cá nhân.
Bà Châu tuyên bố trước truyền thông rằng bà luôn “tự hào vì những việc chồng
mình làm và sẽ ủng hộ, đồng hành với ông không chỉ trong thời gian ở tù mà cả
sau này”.
TNLT Nguyễn Ngọc Ánh hiện đang bị giam giữ tại nhà tù Xuân Lộc, tỉnh Đồng
Nai. Tháng 8/2024, kỹ sư Ánh sẽ mãn hạn tù.
(Tháng
5/2022)
No comments:
Post a Comment