Wednesday, November 1, 2023

Biển Đông: Căng thẳng Trung Quốc-Philippines gia tăng

Bình Luận

Thái độ nhũn chi chi của CSVN đối với những xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải của CSTQ tại Biển đông, khi so sánh với sự cứng rắn của chính phủ Philippines, chứng minh rằng: đảng CSVN là một cánh tay nối dài của CSTQ, cai trị nhân dân mà thôi. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Hiếu Chân với tựa đề: “Biển Đông: Căng thẳng Trung Quốc-Philippines gia tăng sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.

Hiếu Chân

Xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông không mới, nhưng đột ngột nóng lên vào cuối tuần khi tàu tuần duyên Trung Quốc đâm vào một tàu tiếp tế của Philippines chuyên chở nhu yếu phẩm cho một đơn vị quân đội Philippines đồn trú trong một con tàu cũ trên bãi cạn Second Thomas Shoal mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ Mây. Vụ va chạm nghiêm trọng tới mức Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines phải triệu tập phiên họp khẩn cấp các giới chức lãnh đạo Bộ Quốc Phòng cùng các sĩ quan quân đội và nhân viên an ninh cao cấp nhằm thảo luận biện pháp đối phó với các hành động thù nghịch mới nhất của Trung Quốc.

Trong vụ va chạm mới đây, các video quay bằng máy bay không người lái (drone) mà Philippines công bố cho thấy có tám tàu của lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc bao vây ba tàu của Philippines. Sau đó, tàu cảnh sát biển Philippines bị một tàu Trung Quốc đâm vào phía bên trái tại một địa điểm cách Bãi Cỏ Mây khoảng 6.4 hải lý về phía Đông Bắc. May mắn là cả hai phía không có người nào thiệt mạng hoặc bị thương.

Sau vụ này, Bộ Ngoại Giao Philippines triệu tập đại sứ Trung Quốc là ông Hoàng Khê Liên đến trao công hàm phản đối hành động gây hấn. Đây là công hàm phản đối thứ 55 trong năm nay. Trong cuộc họp báo ngày hôm đó, bà Teresita Daza, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Philippines, nói rằng: “Tất cả những vụ này sẽ củng cố luận điểm rằng không phải Philippines mới là kẻ xâm lược mà là bên kia, đó là Trung Quốc.”

 

Về phía Trung Quốc, ngay hôm đó, cảnh sát biển nước này nhanh chóng ra tuyên bố đổ lỗi cho Philippines  “xâm nhập trái phép” lãnh thổ Trung Quốc dẫn tới sự việc nêu trên. Bắc Kinh từ lâu vẫn nói Bãi Cỏ Mây thuộc lãnh thổ “lịch sử” của họ, cáo buộc Philippines chiếm đóng trái phép và luôn đòi Manila phải di chuyển xác tàu Sierra Madre đi nơi khác. Trung Quốc biện hộ cho hành động của mình là ngăn cản Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng tới bãi cạn để xây dựng công sự kiên cố. 

Lời qua tiếng lại giữa hai bên thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đang lo ngại Biển Đông – cùng với Đài Loan – có thể trở thành một điểm nóng mới trong một thế giới đang rất lộn xộn vì chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông.

Không khó nhận ra cái bóng của Hoa Kỳ sau lưng Philippines và làm cho nước này trở nên cứng rắn hơn trong đối sách với Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên làm tổng thống Tháng Năm năm ngoái. Trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte, vốn có chủ trương thân thiện với Bắc Kinh, ông Marcos “xoay trục” càng lúc càng cứng rắn với Trung Quốc, dựa vào hai nền tảng quan trọng là hiệp ước đồng minh với Hoa Kỳ và phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế Thường Trực (PCA) năm 2016 có lợi cho Philippines và bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc qua “đường lưỡi bò chín đoạn” mà nay thành 10 đoạn. 

Thái độ cứng rắn của Philippines cùng sự quyết đoán và hung hăng của Trung Quốc khiến tình hình Biển Đông luôn căng thẳng. Mấy tháng gần đây, Trung Quốc gia tăng đối đầu ở khu vực Bãi Cỏ Mây như một phản ứng chống lại việc Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. đồng ý cho phép Hoa Kỳ sử dụng chín căn cứ quân sự của Philippines theo Thỏa Thuận Hợp Tác Quốc Phòng Tăng Cường (EDCA). Ba trong số các căn cứ quân sự này nằm trên đảo lớn Luzon gần Đài Loan và một căn cứ ở Palawan gần quần đảo Trường Sa sẵn sàng ứng phó với Trung Quốc ở cả Đài Loan và Biển Đông. 

Cùng với Philippines, Việt Nam là một nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Việt Nam không chỉ bị Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974, một phần quần đảo Trường Sa năm 1988, mà còn thường xuyên bị Trung Quốc xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế. Chuyện ngư dân Việt Nam bị tàu dân quân, tàu tuần duyên Trung Quốc đâm chìm, quấy nhiễu, cướp bóc tài sản đánh đập đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” mà không được nhà cầm quyền quan tâm ngoài những lời tuyên bố “quan ngại” nhắc đi nhắc lại như một chiếc đĩa hát đã mòn vẹt. Đi xa hơn, Trung Quốc còn ngăn cản các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và buộc các công ty dầu khí nước ngoài phải rút khỏi các dự án, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nền kinh tế đất nước. 

Đúng vào lúc Philippines và Trung Quốc va chạm ở Bãi Cỏ Mây như nêu trên thì hàng chục tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hoạt động trong vùng biển Việt Nam, khu vực đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn im lặng. Một bản tin trên báo Người Việt ngày 22 Tháng Mười dẫn nguồn từ ông Ray Powell cho biết: “Ngày 18 Tháng Mười, một đoàn tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ở phía Đông đảo Phú Quý, giữa khoảng 50 đến 100 hải lý,” tức là hoàn toàn nằm trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Trong hoàn cảnh Việt Nam không có một thế lực cường quốc chống lưng và không được dư luận quốc tế ủng hộ như Philippines, khó mà hy vọng Hà Nội có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh. Trái lại, “ngoại giao cây tre” của Việt Nam ngày càng ngả về phía Trung Quốc, nhân nhượng tối đa các yêu sách của Bắc Kinh để duy trì chế độ độc tài toàn trị thì người Việt Nam chỉ có thể đau lòng nhìn những tấc biển tấc đất của tổ tiên rơi dần vào tay kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. 

Nhưng trường hợp Philippines có thể làm dấy lên một tia hy vọng. Giải pháp lâu dài cho hòa bình ở Biển Đông chỉ có thể là Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện ở khu vực, hợp tác với các nước nhỏ đang bị Trung Quốc chèn ép. Một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia mới có thể ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế.

No comments:

Post a Comment