Wednesday, January 23, 2013

Việt Nam Có Bao Nhiêu Công Dân Đúng Nghĩa?

Thứ Ba ngày 22.01.2013     
Sự thật trớ trêu, khi chế độ tòan trị CSVN chỉ có 175 ủy viên ban chấp hành trung ương đảng là những cá nhân duy nhất có quyền công dân đúng nghĩa, theo tinh thần bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Liên Hiệp Quốc công bố vào năm 1948 (tức quyền bầu cử và ứng cử). Bằng những mánh khoé trơ trẽn, CSVN đã tước đi quyền công dân của tòan dân và toàn bộ 3.5 triệu đảng viên của họ. Tất cả đều trở thành những người nô lệ vô điều kiện cho 175 siêu công dân này! Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Việt Nam Có Bao Nhiêu Công Dân Đúng Nghĩa?", sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chế độ chính trị dân chủ của nhân loại đã đi những bước dài, kể từ khi ý niệm dân chủ được khai sinh tại các thành phố Hy Lạp (trước Công Nguyên). Sau đó được áp dụng tại các thành phố tương tự trên bán đảo Ý Đại Lợi, dưới thời thành phố La Mã lãnh đạo. Tuy các thành phố tự trị (city states) của Hy Lạp và La Mã là những thể chế dân chủ, nhưng các nền dân chủ này không được hoàn hảo. Khuyết điểm trầm trọng nhất đó là quyền công dân, là đặc quyền của một thiểu số, phần còn lại là giai cấp nô lệ. Giai cấp công dân thật sự là một giai cấp thượng lưu nắm giữ nhiều quyền, kể cả quyền sinh sát và bóc lột giai cấp nô lệ. Trong các chế độ dân chủ cổ xưa này, người phụ nữ không có quyền bầu cử hoặc ứng cử.
Ngay cả quan điểm dân chủ hiện đại cũng có nhiều khuyết điểm. Chẳng hạn, quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ chỉ đến với các nước dân chủ tiến bộ vào đầu thế kỷ 20. Tân Tây Lan là nước duy nhất cho phép phụ nữ bầu cử vào cuối thế kỷ 19. Úc Đại Lợi cho phép vào năm 1902. Anh, Đức, Nam Tư năm 1918. Áo, Gia Nã Đại, Hoà Lan năm 1919. Và Liên Bang Hoa Kỳ năm 1920.
Đặc biệt tại Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nam Phi, những người da đen không có quyền bầu cử và ứng cử. Tại Hoa Kỳ, phải chờ đến điều tu chính hiến pháp Thứ 13 có hiệu lực vào tháng 12 năm 1865, lúc đó chế độ nô lệ mới chấm dứt. Tuy nhiên, quyền bầu cử của người da đen tại Liên Bang Hoa Kỳ chỉ thật sự triệt để với Sắc Luật Quyền Bầu Cử năm 1965 (Voting Rights Act 1965).
Tại Cộng Hòa Nam Phi thì tệ hại hơn, với chế độ kỳ thị màu da (Apartheid) được áp dụng từ năm 1948. Đến khi cuộc cách mạng giải phóng da đen thành công chế độ kỳ thị này mới cáo chung, mọi công dân sau đó được quyền bầu cử và ứng cử không phân biệt màu da. Năm 1994, Nelson Mandela và đảng African National Congress đã thắng cử với lá phiếu của người da đen.
Như vậy, ý nghĩa cốt lõi của quyền công dân là quyền bầu cử và ứng cử. Nhiều thế hệ nhân loại và giới phụ nữ, nhất là những người nô lệ da đen đã đổ máu và nước mắt để tranh đấu cho quyền này.
Theo hiến pháp năm 1992, trên nguyên tắc Việt Nam không có chế độ nô lệ, mọi người đều có quyền công dân, phụ nữ Việt Nam cũng có quyền bầu cử.
Nhưng tại sao toàn dân Việt phải tiếp tục tranh đấu cho quyền công dân? Câu trả lời nằm ở 4 mánh khoé phản dân chủ then chốt, mà CSVN cũng như nhiều chế độ độc tài khác trên thế giới đã áp dụng: -
Mánh khoé thứ nhất, tuy hiến pháp minh thị quyền bầu cử và ứng cử của người dân, nhưng tự nó khẳng định một điều tối quan trọng: Đó là điều 4 hiến pháp hiến định hoá quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội tuyệt đối và vĩnh viễn của đảng CSVN. Một cách giản dị, quyền bầu cử và ứng cử đã mất đi ý nghĩa cốt lõi của nó bởi vị trí lãnh đạo đã được quy định, trước khi tác động bầu cử và ứng cử diễn ra.
Mánh khoé thứ nhì, là hiến định hoá "định hướng xã hội chủ nghĩa". Mánh khóe này có tính chiến lược nhằm hỗ trợ cho điều 4 hiến pháp, bởi điều 4 đem lại quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên, quyền lực thực sự không bao giờ tuyệt đối nếu như không có quyền lợi bổ sung. Do đó, định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ biện minh hùng hồn cho một hệ thống doanh nghiệp nhà nước chuyên sử dụng ngân quỹ quốc gia. Các quan chức đảng sẽ thành lập những doanh nghiệp tư nhân chuyên đấu thầu các dịch vụ béo bở của doanh nghiệp nhà nước. Từ đó, ngân quỹ sẽ rơi vào tay các đảng viên có thế lực. Khi các doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, thì công quỹ sẽ được bổ sung một cách vô tội vạ. Cuối cùng, hệ thống pháp lý độc tài sẽ bao che cho các cá nhân liên hệ.
Mánh khoé thứ 3, nằm ở Bộ Luật Bầu Cử Quốc Hội năm 1997, nhất là các điều từ 25 đến 36 quy định: Mặt Trận Tổ Quốc vốn là cơ quan ngoại vi của đảng và sẽ quyết định cá nhân nào được quyền ứng cử vào Quốc hội. Bộ luật này rõ ràng vi hiến! Vì nó đi ngược lại những điều khoản then chốt của hiến pháp, mặc dù hiến pháp không quy định một cơ quan tư pháp độc lập nào để phán xét tính hợp hiến hay vi hiến của các sắc luật. Mánh khoé này đã làm vô hiệu hoá lá phiếu của người dân.
Mánh khoé thứ 4, nằm trong điều 9 của bản Điều lệ đảng. Điều 9 minh thị quy định: Đảng CSVN tổ chức theo nguyên tắc "tập trung dân chủ" do Lê Nin sáng tạo. Nguyên tắc này tập trung mọi quyền lực đảng vào Ban Chấp Hành Trung Ương. Điều 9 (4) quy định: "Tổ chức đảng, và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn đảng phục tùng Đại hội Đại biểu toàn quốc và Ban Chấp Hành Trung Ương". Một khi áp dụng triệt để quan điểm tập trung dân chủ thì các đảng viên chỉ còn là những công cụ thừa hành cho cấp trên, mà cao nhất là Ban Chấp Hành Trung Ương. Trong tâm thức của từng đảng viên sẽ không còn chỗ đứng cho lương tâm cá thể nào! Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị và Đảng sẽ hòa nhập thành một thực thể tuyệt đối như thượng đế, trong khi các đảng viên chỉ là những công cụ mà thôi!
Những mánh khóe như: Điều 4 hiến pháp, định hướng xã hội chủ nghĩa, luật bầu cử quốc hội và điều 9 trong bản Điều lệ đảng, tạo thành bàn tay sắt bóp chặc nhà nước, xã hội dân sự và óc sáng tạo của nhân dân, làm cho đất nước tụt hậu, tang thương.
Tại các chế độ dân chủ nửa vời như Hy Lạp và La Mã cổ xưa, mặc dù những người dân nô lệ và phụ nữ không có quyền bầu cử hay ứng cử, nhưng các công dân thì được quyền! Tại Hoa Kỳ trước năm 1965 và tại Nam Phi trước năm 1994, trừ người da đen ra, đại khối người da trắng vẫn có quyền bầu cử và ứng cử!
Tại nước ta, dưới chế độ tòan trị CSVN lại càng thê thảm hơn! Trên toàn cõi đất nước, chỉ có 175 ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương đảng là những cá nhân duy nhất có khả năng hành xử quyền bầu cử và ứng cử như một công dân, theo tinh thần của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948. Còn đại khối 90 triệu người dân Việt Nam kể cả 3.5 triệu đảng viên thuộc cấp, có thể ví như những nô lệ trong các thành phố La Mã và Hy Lạp cổ xưa, hay những người da đen tại Hoa Kỳ và Nam Phi trước khi họ được giải phóng.
Một thực trạng như thế trong thế kỷ 21, trong kỷ nguyên tin học với trào lưu dân chủ, hiến định, pháp trị và đa nguyên, là một nghịch lý mà thế giới nhân loại văn minh không thể nào chấp nhận! Một dân tộc thông minh không thể nào ngồi yên chấp nhận sự sỉ nhục này! Chúng ta có thể khẳng định ngày tàn của chế độ phi nhân CSVN sẽ đến rất nhanh!
Đà Giang

No comments:

Post a Comment