Wednesday, January 23, 2013

CHUYỆN NÀY CHỈ CÓ Ở NƯỚC NAM MÌNH (Bài 6)

Thứ Tư ngày 23.01.2013     
Năng lực quản lý yếu kém hay cố tình tạo nên những kẽ hở để dễ bề tham nhũng. Mời quý thính giả theo dõi bài viết (thứ 6) của tác giả Thương Dân trong chuyên mục Chuyện Này Chỉ Có Ở Nước Nam Mình qua giọng đọc của Hoàng Ân để tiếp nối chương trình tối nay
Tháng 9 năm 2007 việc sập cầu Cần Thơ làm 64 người chết và gần 200 người bị thương vẫn còn là nỗi kinh hoàng ám ảnh của ngành xây dựng thì đến giữa tháng 10 năm 2012 , công trình thuỷ điện Đak Rông 3 ở Quảng trị với vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng đã bị vỡ chỉ sau 15 ngày nghiệm thu . Tại hiện trường , những khối bê tông khổng lồ đã vỡ vụn từ thân đập bị cuốn trôi xuống hạ lưu chừng vài trăm mét , bêtông bị vỡ ra , bằng mắt thường có thể nhìn thấy rất nhiều tạp chất gồm đất, đá,củi...
Hết thuỷ điện lại đến những hầm đường bộ hiện đại nhất VN . Cách đây ít ngày , hầm bộ hiện đại nhất Thủ đô mới đưa vào sử dụng được 3 năm đã bắt đầu bị nứt thấm nước nghiêm trọng . Với tổng đầu tư 467 tỷ đồng , hầm Kim Liên được coi là hầm xe cơ giới đầu tiên và hiện đại nhất Thủ đô . Trước đó , hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn , một công trình được đầu tư gần 10 ngàn tỷ , được xem là đường hầm hiện đại nhất VN đã có nhiều vết nứt đang rỉ nước . Trong cơn bão Sơn Tinh hồi cuối tháng 10 năm 2012 , cột tháp truyền hình Nam Định được đầu tư hơn 50 tỷ đã đổ ập xuống đất . Đây là tháp truyền hình cao nhất miền Bắc với 180 mét. Ngày 13 tháng 10 năm 2012, Công an Hà nội khám phá vụ " rút ruột" công trrình xây dựng trường tiểu học Tân Hội A , huyện Đan Phượng . Tỷ lệ "rút ruột" riêng ở hạng mục móng đang thi công được xác định khoảng 50% .
Đây là một công đoạn trong chuỗi các hành vi tham nhũng thuộc lĩnh vực xây dựng cơ bản đã và đang gây bức xúc trong xã hội . Hơn hai tháng xảy ra sự cố 40 căn nhà tuyến dân cư vượt lũ ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) bị đổ sập , đến nay cơ quan chức năng tỉnh này vẫn chưa kết luận rõ nguyên nhân . Tuy nhiên, những hộ dân ở đây đều có chung nhận xét là chất lượng công trình quá kém . Còn việc đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa khánh thành được 5 tháng đã xuất hiện nhiều vết nứt , lún sụt cho công trình hơn 5000 tỷ đồng này .
Từ nhiều năm nay , chất lượng công trình xây dựng có vấn đề không chỉ là mối quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội mà còn là một trong những vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu QH đặt ra . Tình trạng xuống cấp nhanh quá mức của nhiều công trình xây dựng mà điều bất kỳ ai cũng từng chứng kiến , nhưng vì sao lại có tình trạng này thì đến nay , gần như câu trả lời "chung chung" vẫn là do khâu thiết kế , kiểm định , giám sát ... mà chưa khi nào các cơ quan chức năng , cơ quan quản lý nhìn thẳng vào sự thật : Do tiêu cực , tham nhũng .
Bao nhiêu phần trăm công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương cũng như trung ương đang nằm trong tình trạng chất lượng công trình bị "rút ruột" thì chưa ai đưa ra con số cụ thể . Và với những công trình đã nêu trên ,dư luận cũng đặt câu hỏi , không biết có bao nhiêu trong tổng số tiền được đầu tư đã chảy vào "túi các quan" ?
Tình trạng bán thầu , kéo theo hệ lụy về chất lượng công trình đang nở rộ và được hợp thức hoá bởi chính cái quy định của pháp luật . Một thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp lập ra , nó là sân sau của quan chức , chỉ với mục đích "giật" thầu ; sau khi đã trúng thầu thì tìm cách bán lại cho đơn vị khác để "ăn" phần trăm khiến giá trị gói thầu teo đi và hình thức bán thầu đã trở thành một loại hình kinh doanh mà đơn vị bán thầu chỉ dùng "nước bọt" cũng kiếm ra tiền . Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều công trình xuống cấp không phanh một cách đột biến .
Một điều đáng nói là , pháp luật quy định tội bán thầu nhưng cũng chính pháp luật tạo cho tội danh này "nguỵ trang" dưới hình thức thầu chính , thầu phụ , thậm chí thầu phụ của thầu phụ ...Không những vậy , Luật Đấu thầu không bắt buộc nhà thầu chính phải thực hiện phần việc chính như Luật Xây dựng , nghĩa là cho phép nhà thầu chính chuyển hết cho nhà thầu phụ ngay sau khi ký hợp đồng ... dẫn đến chất lượng kém , dễ xảy ra sự cố là điều dễ hiểu . Ăn bớt vật tư , làm ẩu , nhưng những sai phạm này lại chỉ bị cơ quan chức năng nhắc nhở , xử lý nhẹ nhàng và nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm !?.
Có một điều lạ nhưng lại là "chuyện thường ngày" vẫn xảy ra với các công trình xây dựng cơ bản , đó là không hiểu sao , chỉ khi sự việc xảy ra rồi thì các nhà chức trách mới bắt đầu Thanh Kiểm tra , mà dư luận cho rằng : Thanh kiểm tra chỉ là hình thức , là sự phân phối lại những gì đã rút ruột công trình giữa nhà thầu với các cơ quan Thanh kiểm tra mà thôi !
Trong kỳ họp QH vừa qua , trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến , ông Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói là : "Câu hỏi của đại biểu cũng đã có đầy đủ nhưng tôi lại để ở nhà , chúng tôi rất mong muốn mời đại biểu sang với chúng tôi để nghe báo cáo" . Bộ trưởng vừa dứt lời , cả nghị trường ồ lên cười !
Đúng là chuyện này chỉ ở nước Nam mình mới có !
Thương Dân

No comments:

Post a Comment