Friday, January 11, 2013

Một năm đầy sợ hãi của nhà cầm quyền CSVN

Thứ Bảy ngày 05.01.2013    

Tất cả các chế độ độc tài, trong thiên nên kỷ mới, đều sống trong niềm sợ hãi khôn nguôi. Lý do vì ngọn sóng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đang lần lượt nhận chìm các bạo quyền bạo chúa trên năm châu bốn biển. Tập đoàn CSVN cũng không ngoại lệ. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Song Chi với tựa đề: "Một năm đầy sợ hãi của nhà cầm quyền CSVN" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Năm 2012, có thể nói là năm đầy sợ hãi của những người cộng sản hay nhà cầm quyền Việt Nam. Họ sợ mất thế độc quyền lãnh đạo, sợ đảng cộng sản và chế độ bị sụp đổ, sợ mất mát tất cả những gì đang sở hữu...

Ðảng cộng sản cầm quyền càng lâu thì những căn bệnh trầm kha và quá trình thoái hóa, biến chất của đảng ngày càng lộ rõ. Nhìn lại tâm trạng của nhà cầm quyền Việt Nam trong năm qua, người ta có thể thấy rõ 2 điều: Sợ hãi và bất lực.
Năm 2012, thật sự là một năm khó khăn về mọi mặt cho VN, trong đó, nổi bật là sự khủng hoảng về kinh tế, sự lấn lướt, bức bách của Trung cộng đưa tới thảm họa mất chủ quyền trên biển Ðông đối với Việt Nam ngày càng rõ ràng, cuối cùng là sự bất mãn ngày càng lớn của dân chúng.
Ðứng trước tình hình trên, nhà cầm quyền hầu như bất lực không biết làm cách nào để giải quyết cùng lúc quá nhiều vấn đề. Càng bế tắc, bất lực thì càng sợ hãi - có những nỗi sợ có thật và cả nỗi sợ do chính họ tự thổi phồng, tự hù dọa chính mình.
Ðiều lạ lùng là trước mối họa bành trướng có thật từ Trung cộng, nhà cầm quyền không sợ mất nước, mất biển như đại đa số người dân Việt Nam vốn nặng lòng yêu nước. Họ sợ gì? Sợ chiến tranh xảy ra.
Cũng vẫn cái đảng cộng sản trước kia không biết ngán chiến tranh cho dù có phải hy sinh hàng triệu sinh mạng người dân, biến Việt Nam thành bãi chiến trường trong bao nhiêu năm, sau đó lại kéo quân sang Cambodia, đương đầu với Trung cộng trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, nay lại sợ chiến tranh hơn hết.
Không phải ai xuyên tạc, chính miệng họ nói ra.
Từ ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, một mặt tuyên bố phải "Giữ vững chủ quyền, một tấc đất cũng phải bảo vệ" , nhưng mặt khác, luôn luôn lập đi lặp lại: "Phải giữ cho được môi trường hòa bình ổn định để xây dựng đất nước".
Ðiều đó lý giải vì sao Trung cộng tha hồ lấn lướt Việt Nam trên biển Ðông, nhà cầm quyền vẫn một mực nhẫn nhục. Sợ đến nỗi khi tàu Trung cộng cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam cũng không dám nói là "cắt cáp" mà nói là "vô tình làm đứt cáp" chẳng hạn, và khi người dân đi biểu tình chống Trung cộng thì đàn áp, bắt bớ...
Mới đây, khi đi giảng về biển Ðông cho lãnh đạo các trường đại học, Ðại Tá Trần Ðăng Thanh, Học Viện Quốc Phòng, nhấn mạnh: "Không được mất chủ quyền và quyền chủ quyền nhưng phải ưu tiên tối thượng là giữ được môi trường hòa bình". Bởi vì "Ðể xảy ra chiến tranh, xin thưa với các đồng chí vất vả lắm".
Còn đây, Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng: "Củng cố hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và xây dựng tổ quốc" .
Hòa bình là điều ai cũng muốn nhưng có nên giữ hòa bình bằng mọi giá trước một Trung cộng tham lam không hề có ý dừng lại?
Một nỗi sợ to lớn khác nữa của nhà cầm quyền là sợ đảng cộng sản bị nhân dân khai tử, chế độ bị sụp đổ: Ðể cứu vãn uy tín của đảng, cứu vãn chế độ, nhà cầm quyền đã phát động cả một cuộc vận động chỉnh đốn đảng, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4.
Cuối cùng, kết quả là "Bộ Chính Trị đã xin nhận hình thức kỷ luật tập thể, ban chấp hành trung ương trong hội nghị lần thứ 6 đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn đảng, toàn dân". Nhưng thực sự thì không có cá nhân nào bị kỷ luật và cũng không có ai bị mất chức!
Bi hài hơn, chính ông tổng bí thư còn cho rằng: "Chỉnh đốn đảng không nhằm kỷ luật một ai, mà chỉ nhằm chỉ ra những khuyết tật để sửa chữa" và "Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ".
Có nghĩa là vì sợ mất đoàn kết, mất ổn định nên nhà cầm quyền thà tiếp tục duy trì tình trạng mục rỗng từ bên trong, còn hơn quyết tâm làm trong sạch đến cùng, dễ có nguy cơ đưa đến sự sụp đổ của đảng như tấm gương cải tổ của Liên Xô trước kia.
Sợ đa nguyên đa đảng: Nên trong các cuộc họp Quốc Hội về dự thảo sửa bản Hiến pháp trong tháng 10 vừa qua, vẫn nhất định giữ điều 4: Duy trì vai trò lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản.
Sợ "diễn biến hòa bình" từ các nước dân chủ tác động đến Việt Nam, từ trong nhận thức của người dân và từ trong nội bộ đảng viên. Cái nguy cơ tan vỡ từ bên trong này mới là lớn nhất. Nhà cầm quyền đã tổ chức các hội thảo khoa học "Phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ đảng viên", lặp đi lặp lại mối nguy này như mê sảng.
Sợ nhân dân: Coi nhân dân như thù địch, trong năm qua thế giới đã chứng kiến nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục sử dụng bàn tay sắt với nhân dân như thế nào. Bóp nghẹt mọi quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, thông tin...
Nếu như sự sợ hãi trước viễn cảnh sụp đổ của đảng, của chế độ mà đưa đến những quyết định can đảm, sáng suốt là chấp nhận hy sinh đảng và chế độ vì quyền lợi to lớn hơn gấp nhiều lần của đất nước và dân tộc, nhưng có vẻ như nhà cầm quyền Việt Nam lại đang chọn lựa con đường ngược lại: Tiếp tục tăng cường bạo lực để bóp nghẹt mọi sự phản kháng, nhằm hy vọng giữ được sự tồn tại của đảng.
Liệu đó có phải là sự lựa chọn khôn ngoan?
Song Chi

No comments:

Post a Comment