Monday, December 10, 2012

Từ Senkaku nhìn về Hoàng, Trường Sa

Thứ Tư ngày 05.12.2012     
Trong cuộc tranh chấp biển đông, Dân tộc Việt không còn gì hy vọng nơi một thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hèn nhát nhưng tham lam vô tận, một tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng hèn nhát, lú lẫn và một chủ tịch nước Trương Tấn Sang hèn nhát nhưng ma lanh giảo quyệt. Với tư cách như thế, làm sao họ có thể học hỏi được bài học từ các chính khách dân chủ Nhật Bản hoặc Phi Luật Tân để đối phó Trung cộng? Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Lê Nguyên với tựa đề: "Từ Senkaku nhìn về Hoàng, Trường Sa" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Để hỗ trợ cho âm mưu bá chủ thiên hạ, Trung cộng thường sử dụng thuật ngữ lợi ích cốt lõi nhằm thu tóm, hợp thức hóa những vùng lãnh thổ, lãnh hải đã và đang nằm trong ý đồ xâm chiếm của chúng. Biển Đông của Việt Nam lọt vào danh sách lợi ích cốt lõi, nên Trung cộng đã thực hiện nhiều hành động ngang ngược, ngạo mạn ngang nhiên tự vẽ bản đồ giành chủ quyền biển đảo vùng trời Việt Nam. Trung cộng đã đuổi bắn giết cướp, bắt giữ tàu thuyền đòi tiền chuộc trên chính ngư trường truyền thống của Việt Nam nhưng không gặp sự kháng cự đáng kể nào của nhà nước CSVN.
Để thực hiện cái gọi là lợi ích cốt lõi ở Senkaku, Trung cộng thể hiện một loạt hành động côn đồ như đạo diễn cho dân Tàu biểu dương sức mạnh tinh thần dân tộc đại Hán qua các cuộc biểu tình bạo động tấn công đoàn xe của đại sứ Nhật, đốt xe xé cờ Nhật, đập phá các cơ sở thương mãi Nhật ở nhiều tỉnh thành trên khắp lãnh thổ Trung Hoa. Bên cạnh đó là việc hủy bỏ một số hợp đồng thương mãi song phương và tập trung số lượng lớn tàu cá, thành lập lực lượng dân quân biển ồ ạt tiến đến bao vây Senkaku tạo áp lực lẫn hù dọa nhà nước Nhật Bản. Trung cộng đã thực hiện kịch bản gần giống như việc đưa hàng ngàn tàu cá tràn ngập biển Đông, chèn ép Việt Nam nhưng vẫn không gặp phản ứng gì từ Việt nam...
Đáp trả lại hành động ngày càng leo thang gây hấn của một cường quốc mới nổi, nhưng hành xử như trẻ con của Trung cộng, chính phủ Nhật Bản phản ứng tự vệ chừng mực, kiệm lời nhưng rất cương quyết đúng với cung cách ngoại giao mềm dẻo, không để Senkaku ảnh hưởng đến liên hệ ngoại giao của hai nước Trung-Nhật, nhưng đặc biệt, Nhật Bản không hề nhu nhược. Do đó, sau nhiều tháng Trung cộng kích động dân chúng hò hét, chửi bới gây căng thẳng ngoại giao tưởng chừng như chiến tranh sắp xảy ra và chính phủ Nhật Bản với cách ứng xử ngoại giao khôn ngoan, thể hiện ý chí sắt đá, quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo khiến cho nhiều lãnh đạo cao cấp Trung cộng phải đơn phương dịu giọng không còn một mực khẳng định Senkaku là lợi ích cốt lõi trong liên hệ ngoại giao của hai nước.
Thế nhưng, Senkaku khác với tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa ở biển Đông giữa Việt Nam với Trung Cộng, sự kiện Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 không phải là tranh chấp, chính xác là Trung cộng sử dụng vũ lực xâm lăng chiếm đóng biển đảo Việt Nam, cả thế giới đều biết.
Từ đó cho chúng ta có cơ sở để so sánh phản ứng của chính quyền Trung cộng với các cuộc biểu tình bạo động chống Nhật gây rối loạn trật tự công cộng của dân Tàu và phản ứng của nhà cầm quyền Việt cộng với các cuộc biểu tình của người dân Việt chống Tàu xâm lược, xem ra thật đáng xấu hỗ. Bởi biểu tình chống xâm lược Tàu của người Việt Nam không gây ra bạo động như dân Tàu biểu tình chống Nhật, rất ôn hòa trật tự, đoàn người biểu tình thể hiện nhiều nét nhân bản, văn minh qua hình ảnh các tà áo dài truyền thống phất phơ trước gió, mang nhiều sắc thái đẹp, đánh động niềm tự hào dân tộc làm nổi bật dáng đứng Việt Nam, kết hợp với phong cách của các nghệ sĩ nhân dân tự phát đệm đàn bắt nhịp cho những bài hát đấu tranh khơi dậy tinh thần yêu nước khó tìm thấy bất cứ đâu trên thế giới, nhưng lại bị quăng, vật, khiêng, vác, đạp mặt, điều tra thẩm vấn theo dõi khủng bố tinh thần, thậm chí bị tống tù vì tội trốn thuế, tội hai bao cao su đã sử dụng, tội gây rối trật tự công cộng, tội chống người thi hành công vụ...
Thật ra, sức mạnh quân sự của Trung cộng trong thời điểm hiện tại, thừa sức đè bẹp từng nước riêng rẽ như Phi, Mã, Nhật... nhưng Trung cộng không dám manh động vì đằng sau các nước này không chỉ có đủ bằng chứng tư liệu, tài liệu lịch sử pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi, mà họ có cả hậu thuẫn chính đáng của dư luận quốc tế, luật pháp quốc tế, nhất là sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, Liên Âu thừa sức đánh bại lực lượng quân sự hùng hậu của Trung cộng nên chúng đành phải nhập vai "hiền" tự kiềm chế giải quyết tranh chấp biển đảo bằng giải pháp hòa bình!
Chúng ta thấy không phải chỉ với Nhật, ngay cả trong tranh chấp với các nước có chia sẻ chủ quyền chung ở biển Đông, Trung cộng khi gặp phản ứng cứng rắn của các nước này, điển hình là chính phủ Phi chúng cũng không dám đuổi bắn giết, bắt giữ đòi tiền chuộc vì chúng biết đằng sau nước Phi có sự hỗ trợ của hiệp ước an ninh Mỹ-Phi nên chúng chỉ dám ồn ào đánh trận bằng mồm để giữ sĩ diện nước lớn, rồi âm thầm xuống thang cũng như lặng lẽ rút êm ra khỏi khu vực chúng đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Từ cách ứng xử của hai cường quốc Mỹ-Tàu đã cho chúng ta biết: Muốn giữ vững độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, muốn không bị tái diễn cảnh ngàn năm bắc thuộc, muốn không bị xóa tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam cần xây dựng, tạo lập nhiều điều kiện, nhưng điều kiện tiên quyết... phải, nhất định phải tránh xa nhà nước man rợ bá quyền Đại Hán càng xa càng tốt.
Le Nguyen

No comments:

Post a Comment