Thursday, December 27, 2012

Cồn Dầu và mùa Giáng Sinh không bình an

Thứ Ba ngày 25.12.2012     
"Góc khuất cuộc đời" là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài.
Cồn Dầu là một cồn nổi bên sông Cẩm Lệ, thuộc đoạn trên của sông Hàn, Đà Nẵng. Nơi đây vốn là đồng chiêm trũng, tứ bề ruộng nước và sông, cỏ mọc hoang vu, mãi đến những năm đầu thế kỷ 20, những vị cha xứ đến đây cùng con chiên khai hoang, lập giáo xứ, Cồn Dầu mới có người ở, phát triển cho đến bây giờ. Nhưng sự phát triển tưởng chừng bền bĩ và trường tồn của Giáo xứ Cồn Dầu bỗng chốc trở nên điêu linh bởi bóng ma giải tỏa đền bù, công an, chó săn và dùi cui của nhà cầm quyền. Suốt từ những ngày giữa năm 2010 đến nay, dường như giáo dân Cồn Dầu ngày nào cũng đối diện với nỗi bất an, nguy hiểm rình rập và bạo lực của kẻ cầm quyền.
Kể từ khi biến cố tang lễ cụ bà Hồ Nhu, nhũ danh Maria Đặng Thị Tân, diễn ra trước cổng nghĩa trang Cồn Dầu, Đà Nẵng hồi tháng 5/2010 và cả gần năm trăm công an, cảnh sát 113 mặc sức đàn áp, đánh người, cướp quan tài, liền sau đó, giáo dân Xứ Đạo Cồn Dầu gần như bị đàn áp liên tục, bị cưỡng chế đất đai. Theo những giáo dân Cồn Dầu kể thì giới cầm quyền Đà Nẵng có phương án cưỡng chế đất đai nhà cửa của giáo dân ở đây theo kiểu "vết dầu loang", nghĩa là, trước tiên, đập phá những ngôi nhà không có người ở, như trường hợp chủ nhà bỏ trốn sang Thái Lan để lánh nạn đàn áp sau lễ tang và sau đó đập sang những nhà có ít ngươi, làm tê liệt tâm lý của những nhà bên cạnh, khiến họ mất khả năng kháng cự, buông tay, mặc nhà nước làm gì thì làm.
Một giáo dân Cồn Dầu, yêu cầu giấu tên, cho biết là giới cầm quyền Đà Nẵng dự tính cho đến trước Tết Nguyên Đán, bằng mọi giá, phải đuổi giáo dân ở Xứ Đạo Cồn Dầu ra khỏi khu vực họ đã mấy đời khai khẩn, bám trụ, xua toàn bộ họ tới khu mới, ai không đi sẽ bị cưỡng chế nặng tay, nặng tay như thế nào nữa? Một khi đã có người bị đánh chết, có người bị ho ra máu, thậm chí, có người phải trốn khỏi quê nhà vi sợ bị đàn áp, giết tróc và dùng thủ đoạn "dùng người Cồn Dầu để đánh người Cồn Dầu", mua chuộc bằng tiền bạc, đất đai để thuốc những người Cồn Dầu đang làm việc cho họ về rỉ tai, thậm chí hù dọa những người dân Cồn Dầu bằng mọi giá phải di dời.
Nhưng vì giới cầm quyền cưỡng chế đất đai, nhà cửa họ một cách trái luật pháp, chủ yếu để đạt mục tiêu của họ là tịch thu, cải tạo thành đất dân sinh cao cấp để bán cho các trọc phú, đại gia chứ không đếm xỉa gì tới chuyện người dân có được tiền bồi thường thỏa đáng hay không, có nhận được quyền lợi chính đáng hay không nên giáo dân quyết phản đối, quyết trụ lại quê cha đất tổ mà tìm tiếng nói công lý. Và, khi giáo dân không đồng ý với cách cư xử của nhà nước, thì thay vì nhà nước coi lại chính sách, họ lại dùng thủ đoạn và bạo lực đàn áp để đối phó với nhân dân.
Đáng sợ hơn cả là tính dã man và xảo trá được dùng trong những cuộc đàn áp, bằng nhiều cách khác nhau, từ đánh đập, bắt bớ cho đến hằng đêm đến kiểm tra, hỏi han, hăm he, đe dọa... Sự việc cứ kéo dài hằng đêm, hằng tuần, hằng tháng khiến cho bà con giáo dân mất ăn mất ngủ, lo lắng và mệt mỏi, bạc nhược, không còn mong mỏi gì hơn là được yên thân.
Thủ đoạn của nhà cầm quyền không chỉ dừng ở việc đối xử tàn bạo với Giáo dân Cồn Dầu mà còn tiến đến việc bưng bít thông tin ra bên ngoài. Thủ đoạn bưng bít thông tin được thực hiện trên hai hướng, hướng thứ nhất là bít đường ra lối vào, vì đường vào Cồn Dầu vốn là độc đạo, băng qua cánh đồng chiêm trũng, rộng chừng hai ngàn mét, bất cứ ai qua đây để vào Cồn Dầu đều có thể bị quan sát, phát hiện và theo dõi, khó mà làm gì được, thậm chí, nói chuyện cũng có người nghe lén, vờ đi qua đường dừng chân hút điếu thuốc hoặc cúi xuống sửa xe, nhặt rác.
Nhưng đó là cách thô sơ, vì trong thời đại công nghệ mạng, mọi chuyện đều có thể ra ngoài theo con đường internet và điện thoại. Chính vì thể, tất cả điện thoại của người dân Cồn Dầu đều bị nghe lén, họ rất sợ phải nói tên qua điện thoại dù bất cứ hình thức nào, chị Thanh Hà, một con chiên giáo xứ Cồn Dầu bị đánh trọng thương ngày 17 tháng 12 năm 2012 vì đã trả lời phỏng vấn của một blogger, đã nói ra sự thật về tình trạng bà con giáo dân phải nếm chịu.
Cay nghiệt nhất là ai đã đánh chị Thanh Hà, đó là những người mạo danh giáo dân Cồn Dầu trong khu Cồn Dầu mới, đã dắt theo những giáo dân đang cộng tác với công an đến nhà chị Thanh Hà gây hấn, đánh đập và hăm dọa: "Mày mà còn tiết lộ chuyện của Cồn Dầu ra ngoài, tao sẽ đập không còn cái răng!".
Cũng chính vì thế mà trong những ngày chúng tôi đến thăm Cồn Dầu, đi đâu cũng thấy công an, đủ các loại chìm, nổi. Khi chúng tôi giơ máy chụp hình, có ngay một giáo dân đến nháy mắt ra hiệu ngừng ngay kẻo nguy hiểm, anh ta cho biết là từ bà quét dọn nhà thờ theo hợp đồng cho đến ông thợ quét vôi, thợ sơn nhà, thợ sửa xe và người bán hàng rong trong khu vực Cồn Dầu đều không đáng tin cậy, vì họ đã không ít lần mật báo những vấn đề trong Cồn Dầu mà chỉ có họ mới biết, mới chứng kiến lúc xãy ra, liền sau đó, công an xuất hiện, đàn áp bà con dữ dội. Người dân ở đây trở nên nhút nhát, sợ sệt đến tội nghiệp.
Mùa Chúa Giáng Sinh đang về, người người, nhà nhà cầu chúc nhau an lành, trao nhau những thông điệp của yêu thương và lòng thánh thiện, cầu mong Chúa sẽ ban cho chỗ dựa bình an và thiện lành ngay trên đôi vai bạn bè, đồng loại. Nhưng, với nỗi khổ đeo đẳng suốt ba năm nay, với những vết thương trên thịt da và nỗi bất an, tổn thươngg tâm hồn, liệu Giáo dân Cồn Dầu có còn được đón nhận một mùa Giáng Sinh an lành?!

No comments:

Post a Comment