Monday, December 17, 2012

Tin tức thứ Bảy, ngày 15.12.2012

Công an bị khởi tố về tội giết người khi phá sòng chọi gà

Thượng sĩ công an Nguyễn Duy Tùng, 23 tuổi, thuộc huyện Yên Thế đã bị khởi tố về vụ dùng súng K54 bắn vào vai ông Bùi Văn Lợi, 45 tuổi trong lúc vây bắt một sòng chọi gà vào chiều ngày thứ hai mùng 10 tháng 12. Ông Lợi được đưa vào bệnh viện tại Bố Hạ nhưng đã chết vào buổi tối cùng ngày. Luật sư Vi Văn Diện, giám đốc công ty luật Thiên Minh cho rằng việc ông Bùi Văn Lợi bị công an bắn trọng thương trong lúc bắt giữ hoàn toàn sai pháp luật.
Có nguồn tin cho biết ông Lợi đã bị bắn trong lúc bị còng tay và tìm cách tẩu thoát, nhưng công an không đưa nạn nhân đi cấp cứu khẩn cấp. Biên bản khám nghiệm tử thi do gia đình ông Bùi Văn Lợi trưng dẫn cho thấy trước khi khám nghiệm, 2 cổ tay của nạn nhân còn bị khóa còng số 8. Được biết công an đã bắt giữ 30 người tham gia sòng chọi gà cùng tiền và nhiều tang vật.

Kẻ khùng giết hại trẻ em tại trường tiểu học Hoa Kỳ và Trung Quốc

Sáng thứ sáu, 14 tháng 12, tại thành phố Newtown, tiểu bang Connecticut Hoa Kỳ, một thanh niên 20 tuổi tên Adam Lanza đã dùng súng bắn chết mẹ tại nhà rồi xách súng đến trường nơi bà dậy học để giết thêm ít nhất 28 người tại trường tiểu học Sandy Hook, trong đó có 20 trẻ em từ 5 đến 10 tuổi. Tên sát thủ đã dùng súng tự sát ngay sau đó. Được biết bà hiệu trưởng nằm trong số 6 nhân viên bị bắn chết trong trường và phần nhiều nạn nhân ở trong lớp mẫu giáo. Khu vực thảm sát bị cô lập và xác nạn nhân chưa được đưa ra ngoài trong khi cuộc điều tra còn tiến hành. Thành phố nhỏ Newtown cách New York 96 cây số về hướng đông bắc được coi là một trong những vùng thượng lưu tại Hoa Kỳ. Ngay hôm trước tại Trung Quốc, ông Min Yingjun, 36 tuổi, đã cầm dao xông vào một trường tiểu học tại miền trung Trung Quốc vào sáng thứ sáu, gây thương tích đến 22 trẻ em và một người lớn. Được biết hung thủ đã tấn công học sinh tại cổng trường tiểu học của làng Chenpeng, tỉnh Hà Nam trong lúc học sinh đang đến trường. Hai trong số 22 học sinh bị thương đang trong tình trạng nguy kịch và đã được đưa tới bệnh viện lớn hơn để chữa trị. Một phóng viên tại đây cho biết hung thủ là một bệnh nhân tâm thần đang bị cảnh sát bắt giữ. Có người cho rằng các vụ tấn công vào trường học tại Trung Quốc bắt nguồn từ những người khốn cùng, mất việc làm trong lúc vật giá leo thang.

Trung Quốc nộp bằng chứng tại Liên Hiệp Quốc đòi chủ quyền biển đảo Senkaku/Điếu Ngư

Hôm thứ sáu 14 tháng 12, Trung Quốc đã nộp hồ sơ tại Liên Hiệp Quốc giải thích chi tiết cấu trúc địa chất vùng lãnh thổ của Trung Quốc kéo dài ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vùng biển tranh chấp với Nhật Bản. Tân Hoa Xã cho biết hồ sơ này cho thấy cấu trúc của đảo Senkaku/Điếu Ngư là phần kéo dài từ đất liền của Trung Quốc ra tận đảo Okinawa. Tuy nhiên, đảo Senkaku/Điếu Ngư cách Trung Quốc 370 cây số, và cách Okinawa trong vòng 200 cây số nên được coi là vùng đặc quyền kinh tế do Nhật Bản kiểm soát. Đài Loan cũng đòi chủ quyền vùng biển đảo tranh chấp, nằm trên đường biển quan trọng của tàu chở hàng và được coi có nhiều khoáng chất và thuỷ sản. Được biết, một ủy ban địa chất tại Liên Hiệp Quốc sẽ duyệt xét hồ sơ, nhưng ủy ban này không có quyền giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Gần đây, tàu Trung Quốc lai vãng thường xuyên trong vùng biển đảo tranh chấp và mới hôm qua, chiến đấu cơ Nhật Bản đã phải xuất hiện khi máy bay thám sát Trung Quốc bay vào vùng tranh chấp. Cả Bắc Kinh và Tokyo cáo buộc nhau xâm phạm vùng không phận của nước mình.

Cam Bốt lờ sứ giả nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Ông Surya Subedi, sứ giả của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho biết chính quyền Hun Sen đã không tiếp ông ta trong chuyến công du kỳ này, nhưng sẽ tìm cách hỏi cho ra lý do. Được biết vào hôm thứ năm 13 tháng 12, thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố trên đài phát thanh quốc gia rằng sẽ không gặp ông Subedi được xem là người đóng vai ông chủ tại Cam Bốt. Ông Hun Sen nói "Tôi không có giờ để gặp và lắng nghe lời khuyên của ông ta. Tại sao tôi phải chịu trách nhiệm trước người ngoại quốc?" Được biết sứ giả Subedi đã nhận làm cho Liên Hiệp Quốc về nhân quyền từ năm 2009 sau khi người tiền nhiệm của ông từ chức vì thường xuyên phải đấu võ mồm với chính quyền tại Phnom Penh. Cam Bốt bị chỉ trích rất nhiều trong những năm gần đây vì đàn áp những người bất đồng chính kiến và dân oan biểu tình trong các trường hợp chiếm đất đai. Sứ giả Subedi quan tâm rất nhiều về vụ nhà nước bỏ tù chủ nhân đài phát thanh Mam Sonando và phiên tòa kháng cáo hôm thứ sáu không cho phép được tại ngoại. Tổng thống Barack Obama từng nói với thủ tướng Hun Sen vào tháng trước rằng các vi phạm nhân quyền tại Cam Bốt là một trở ngại lớn đối với mối quan hệ song phương giữa hai nước.

No comments:

Post a Comment