Tuesday, December 11, 2012

Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền

Tìm hiểu Ý Nghĩa Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Tình Hình Nhân Quyền tại VN

Thứ Hai 10.12.2012     
Nhiều án văn bất hủ trong lịch sử đã hướng dẫn tư tưởng của nhân loại: Cuộc cách mạng Pháp 1789 với "Bản tuyên ngôn nhân quyền và quyền công dân năm 1793", cuộc cách mạnh Hoa Kỳ với "bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776" và sau đó bản "Hiến Pháp của Hoa Kỳ" được thông qua năm 1787. Tuy nhiên không có văn kiện nào ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng chính trị nhân loại hiện đại bằng "Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền" được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1948. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của GS Nguyễn Thanh Trang với tựa đề: "Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền, Tìm hiểu Ý Nghĩa Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Tình Hình Nhân Quyền tại VN" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nhân dịp ngày Quốc Tế Nhân Quyền, 10-12-2012, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và luôn tiện duyệt xét tình hình Nhân Quyền tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Sau hai cuộc đại chiến thế giới kinh hoàng với nhiều quốc gia bị tàn phá khốc liệt và hàng triệu binh sĩ cùng dân chúng vô tội bị thiệt mạng hoặc tàn phế, nhân loại đã ý thức rằng chính các chế độ độc tài, chà đạp nhân quyền đã là nguyên nhân chính gây nên chiến tranh tang tóc cho loài người. Vì thế, sau khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc năm 1945, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã nhanh chóng thành lập một Ủy Ban đặc nhiệm gồm nhiều chuyên gia lỗi lạc trong các ngành như luật học, lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội, từ 18 quốc gia Âu Mỹ, Úc, Á cùng Phi Châu bỏ công nghiên cứu, bàn cải trong hơn hai năm trời để hoàn tất bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Bản Tuyên Ngôn nầy đã được Đại Hội Đồng LHQ họp tại Paris thông qua ngày 10-12-1948, đến nay dã được 64 năm. Đây là một văn kiện đề cao các quyền làm người phổ quát, không phân biệt chủng tộc, màu da, tôn giáo hay giới tính nam nữ mà tất cả các quốc gia hội viên LHQ đều chấp nhận là lý tưởng chung của loài người và quốc gia nào cũng có nghĩa vụ phải đề cao và tôn trọng. Nó đánh dấu một bước tiến quan trọng và lớn lao nhất của cộng đồng nhân loại văn minh trong thế kỷ 20.
Nhưng tiếc thay, về phương diện luật pháp, Tuyên Ngôn chỉ là một văn kiện đưa ra các lý tưởng cao đẹp nhưng không có hiệu lực pháp lý và giá trị cưỡng hành, vì vậy, vào năm 1966, LHQ đã phải ban hành hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền; đó là (1) Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị; và (2) Công Ước Quốc Tế về Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa.
Các Công Ước nầy là những hiệp ước quốc tế, phải được quốc hội của các quốc gia hội viên phê chuẩn. Hai Công Ước nầy kết hợp với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền để trở thành bộ Luật Quốc Tế Nhân Quyền của LHQ. Vì thế, bộ luật nầy có giá trị cưỡng hành và cao hơn luật pháp, hiến pháp của các quốc gia đã phê chuẩn. Cho đến nay đã có gần 150 quốc gia hội viên phê chuẩn và Cộng Sản Việt Nam cũng đã ký kết hai Công Ước nầy từ năm 1982, nghĩa là nhà cầm quyền Hà Nội phải tôn trọng nhân quyền và không thể cho rằng vì dị biệt văn hóa hay an ninh quốc gia, nhân quyền Việt Nam khác biệt với nhân quyền của các nước tây phương.
Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời, sau khi kiểm điểm tình hình nhân quyền trên thế giới trong suốt thời gian 50 qua, LHQ đã ghi nhận rằng tại nhiều quốc gia, nhân quyền vẫn còn bị vi phạm hết sức nặng nề. Tại nhiều nơi và ngay cả những nước đã phê chuẩn hai Công Ước Quốc Tế về Nhân Quyền như Việt Nam vẫn chưa thi hành đứng đắn nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Vì vậy, vào ngày 9-12-1998, LHQ đã thông qua bản Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền với 20 điều khoản, mà các mục tiêu quan trọng nhất gồm có: (1) Đòi hỏi các chính phủ phải đưa môn học Nhân Quyền vào chương trình giảng dạy tại các trường từ Trung đến Đại học. Đặc biệt, các chương trình huấn luyện luật sư, cảnh sát và quân nhân cũng phải có môn Nhân Quyền để mọi giới chức hiểu rõ luật Nhân Quyền và trong khi thi hành công vụ, họ phải triệt để tôn trọng quyền làm người của dân chúng; (2) Khuyến cáo các chính phủ phải san định luật pháp quốc gia sao cho phù hợp với tất cả các điều khoản đã ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền; và (3) Xác định rõ là các quốc gia hội viên LHQ có trách nhiệm và quyền hạn tố cáo và chỉ trích bất cứ chính quyền nào vi phạm nhân quyền.
Cũng nhân dịp nầy, chúng ta thử kiểm điểm tình hình Nhân Quyền tại Việt Nam trong thời gian gần đây có được khả quan hay không.
Cũng như mấy năm qua, trong thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ công an đàn áp dân oan khiếu kiện, đặc biệt là công an võ trang đã đàn áp nông dân khi họ phản đối chính quyền địa phương tại nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Nhà nước đã cưỡng chế đất đai để thực hiện các dự án kinh doanh của bọn tư bản đỏ và con cháu của các quan chức nhà nước mà điễn hình là dự án Eco Park của con gái thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại nhiều nơi CSVN đã xử dụng những bọn côn đồ, băng đảng hợp lực cùng công an đánh đập và hành hung dân chúng một cách phi pháp và man rợ. Nhưng có lẽ nỗi bật nhất là những vi phạm nhân quyền liên quan đến những người yêu nước đã có những bài viết hoặc tham gia biểu tình phản đối hành động xâm lăng biển đảo Việt Nam hết sức ngang ngược của bá quyền Trung Cộng.
Cộng Sản Việt Nam đã đưa một số nhà yêu nước ra xét xử và công bố những bản án hết sức bất công, nặng nề, như cô Phạm Thanh Nghiên 4 năm tù giam, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải 12 năm tù giam, blogger Sự Thật và Công Lý Tạ Phong Tần 10 năm tù giam,  nhạc sĩ Việt Khang 4 năm tù giam, và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình 6 năm tù giam, v.v...
Gần đây nhất, vào trưa ngày 14-10 vừa qua, khoảng 10 công an đã hành xử như côn đồ xông vào nhà trọ và bắt cóc Nguyễn Phương Uyên, một nữ sinh viên 20 tuổi của Trường Đại Học Công Nghiệp Thực Phẩm Sài Gòn. Sau nhiều ngày chối bỏ hành động bắt cóc và không nói lý do cho thân nhân của cô nầy rõ, nhưng vì áp lực và phản đối của dư luận khắp nơi, công an Việt Nam cuối cùng đã chính thức xác nhận đã bắt giữ Phương Uyên vì tội danh "tuyên truyền chống nhà nước, vi phạm điều 88 bộ luật hình sự". Theo lời bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên, cô bị bắt vì đã làm nhiều bài thơ chống Trung cộng xâm lăng biển và đảo Việt Nam chỉ vì lòng yêu nước nhiệt thành.
Nói tóm lại, tình trạng nhân quyền tại Việt Nam hiện nay rất tồi tệ. Các tổ chức nhân quyền như Ủy Hội Nhân Quyền LHQ, Ân Xá Quốc Tế, Hội Bảo Vệ Ký Giả, Hội Ký Giả Không Biên Giới, Cơ Quan Theo Dõi Nhân Quyền, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và Quốc Hội của nhiều quốc gia, như Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, v.v... đã nhiều lần chỉ trích, lên án Cộng Sản Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm vì họ đã tranh đấu trong tinh thần bất bạo động và theo đúng luật Quốc Tế Nhân Quyền.
Nguyễn Thanh Trang

No comments:

Post a Comment