Sunday, December 9, 2012

Chuyện những người bám biển (kỳ 2)

Thứ Ba ngày 04.12.2012     
"Góc khuất cuộc đời" là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài.
Mời quí thính giả lắng nghe bài phóng sự Chuyện những người bám biển (kỳ 2) do Việt Trung thực hiện, qua giọng đọc Hướng Dương.
Bị bắt, đánh đập vì tàu mang số hiệu Việt Nam
Đó là lời bộc bạch của một ngư dân Lý Sơn mà chúng tôi không tiện nêu tên trong bài viết này. Ông nói rằng, ngoài "sói biển" Mai Phụng Lưu ra, có lẽ ông là người bị bắt tàu đầu tiên, bị đánh đập nhiều nhất và nếm trải tất cả mọi nỗi đau của một ngư dân Việt Nam trên biển Đông.
Theo như lời ông kể, hầu như những ngư dân đánh bắt xa bờ của Lý Sơn, từ trẻ tới già, chưa có ai là không từng bị Trung Quốc bắt tàu, thậm chí, có người còn bị lấy hết mọi tài sản cho đến trắng tay. Nhưng ngần đó vẫn chưa đủ, trước khi thả, họ còn bị đánh một trận thừa sống thiếu chết bởi cái tội mà những phiên dịch tiếng Trung cho ngư dân biết là "bởi mày là người Việt Nam!"
Trong lần bị bắt gần đây nhất, mặc dù đánh bắt ngay trong vùng lãnh hải Việt Nam, ông vẫn bị tàu hải giám Trung Quốc đến kẹp tàu, xịt vòi rồng đến vỡ kính chống gió trên tàu và xông vào ca bin, chĩa súng vào mang tai, bắt phải lái theo hướng của chúng, về thẳng đảo Hải Nam.
Trong trường hợp bắt một lần cả hai, ba hoặc nhiều tàu, trước khi đưa tàu về đảo Hải Nam, những tay súng người Trung Quốc không quên bắt ngư dân Việt Nam chuyển tất cả những gì có trên những chiếc tàu nhỏ, tàu cũ dồn hết vào tàu lớn, kể cả dầu nhiên liệu. Về đến nơi, bọn họ trói ngư dân Việt Nam, đánh cho một trận không còn chỗ để đau, đánh xong, lại bịt mắt, trói tay chân, bắt đi bộ từ tàu lớn sang tàu nhỏ. Ngư dân cứ lọ mọ, dọ dẫm bước đi, người đi sau nghe người đi trước ngã nhào từ tàu Trung Quốc sang tàu đánh cá Việt Nam, nằm rên rỉ vì đau thì chỉ biết cắn răng mà dọ dẫm để khỏi phải ngã.
Trong một lần bị bắt tàu, một ngư dân khác của Lý Sơn đã bị đánh đến gãy xương sườn vì một lý do rất đơn giản: Mọi thứ hàng hóa có được trên tàu ông đã giao hết cho người Trung Quốc, trừ chiếc bộ đàm, hải giám Trung Quốc hỏi nhiều lần ông vẫn nói không có, vậy là chúng đánh ông. Nghiệt nỗi, nếu có chiếc bộ đàm thì tốt biết mấy, đằng này, tàu ông đang làm thuyền trưởng vốn không phải là tàu của ông, vì tàu của ông đã bị Trung Quốc tịch thu trong chuyến đi biển lần trước, ông trắng tay. Những bạn hàng thấy ông giỏi mà không may mắn, bèn cho ông mượn chiếc tàu của ngư dân khác đã thế chấp vì vỡ nợ. Ông dùng chiếc tàu đó đi đánh cá. Chiếc bộ đàm trên tàu đã hỏng từ lâu, nhưng còn cây cần angten, ông thấy không cần thiết phải gở bỏ. Hải giám Trung Quốc cứ nhìn cây cần angten mà nghĩ rằng ông đã giấu, không mang ra nộp nên cứ thế mà đánh ông cho đến lúc ông ngất xỉu, đánh xong, chúng trói gô và ném ông lên thuyền của ông, để lại cho ông chưa đầy 200 lít dầu trong thùng dự trữ, số lượng bằng một phần hai mươi số dầu của ông có trước lúc bị bắt. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trên tàu, lênh đênh giữa biển khơi, ông tìm cách tự mở trói và nổ máy cho tàu chạy, chỉ còn biết dựa vào chiếc la bàn duy nhất còn lại trên tàu để định hướng vào bờ. Cũng may là lần ấy ông về được đến nhà!
Cũng theo lời ngư dân này kể, thì phần lớn kẻ bắt nhốt, tra tấn, hành hạ và cướp trắng hàng hóa, tài sản của ngư dân Trung Quốc là hải giám Trung Quốc, trên thân tàu của chúng có in hình cờ Trung Quốc, chúng nói giọng xí lô xí là, chúng chẳng xa lạ gì với ngư dân Việt Nam. Nhưng các phương tiện thông tin nhà nước cộng sản Việt Nam cứ nói đó là "tàu lạ". Kể ra, cách nói này mới thật sự lạ, vì khi về đến đồn biên phòng, mọi ngư dân gặp nạn Trung Quốc đều khai báo rằng mình gặp tàu Trung Quốc, họ không hề khai báo mơ hồ rằng có "tàu lạ" bắt cóc họ. Thế nhưng chính quyền Việt Nam vẫn loan tin có tàu lạ bắt bớ ngư dân Việt Nam.
Khốn khổ nhất cho ngư dân Việt Nam không phải do bão biển, không phải do không đủ tài lực để ra khơi, mà là do không có biển để đánh bắt. Vì hiện tại, đi đến đâu trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, ngư dân Việt Nam đều bị người Trung Quốc cấm đánh bắt. Cay đắng nhất là những tàu cá Trung Quốc gần đây cũng xông thẳng vào húc tàu của người Việt, thậm chí, chúng còn trắng trợn xông lên tàu, đánh đập ngư dân Việt. Đã có không ít những cuộc đụng độ giữa ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc ngay trên ngư trường Việt Nam. Những lúc như thế, sẽ xuất hiện thêm nhiều tàu hải giám Trung Quốc xông đến tiếp ứng, bảo vệ ngư dân Trung Quốc, đánh đập ngư dân Việt Nam. Và cũng chính những lúc như thế, ngư dân Việt Nam phải cô đơn chống chọi, không thấy cảnh sát biển Việt Nam hoặc hải quân Việt Nam đâu cả!
Hiện nay, chuyện nợ nần của ngư dân Việt Nam thêm chồng chất sau mỗi chuyến ra khơi trở nên rất quen thuộc. Hay nói đúng hơn là một vấn nạn của nghề biển. Vì sao chúng tôi gọi đó là vấn nạn. Xin mời quí thính giả tiếp tục nghe câu chuyện ở kỳ cuối phóng sự này.
Việt Trung

No comments:

Post a Comment