Monday, December 17, 2012

Thảo luận với Tiến Sĩ Âu Dương Thệ

Thứ Sáu ngày 14.12.2012     
Thưa quý thính giả, sáng sớm ngày 30 tháng 11 nhiều tầu cá Trung quốc đã tấn công và cắt đứt cáp tàu Bình Minh 02 của Công ti Dầu khí VN đang thăm dò dầu khí ở gần đảo Cồn Cỏ trên thềm lục địa VN. Nhưng mãi tới ngày 3 tháng 12 ông Phạm Việt Dũng, Phó trưởng ban Tìm kiếm Thăm dò - phụ trách Văn phòng Biển Đông của Công ti Dầu khí VN mới công bố tin này và cùng ngày bộ Ngoại giao VN mới gặp đại diện sứ quán Trung quốc ở Hà nội để phản đối. Và mãi hôm sau nữa, tức là ngày 4 tháng 12, phát ngôn viên bộ Ngoai giao VN mới thông báo với dư luận VN và quốc tế về sự việc này và xác nhận, các tầu đánh cá Trung quốc đã cố tình cản trở và gây đứt cáp, bất chấp các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát tín hiệu cảnh báo.
Tại sao Hà Nội lại phản ứng quá chậm chạp như vậy? Phải chăng đã có những liên hệ đặc biệt âm thầm nào đó ở bên trong, giữa Hà Nội và Bắc Kinh? Và có phải là trong nội bộ tập đòan lãnh đạo CSVN đều thống nhất lập trường đối với sự xâm lấn của Trung Cộng?
Để trả lời các câu hỏi này, mới quý thính giả theo dõi buổi thảo luận của chúng tôi với TS ÂU DƯƠNG THỆ, chủ tịch Hiệp Hội Dân Chủ và Phát Triển VN, và là một chuyên gia nghiên cứu về VN. TS Thệ tham dự buổi thảo luận này tại thành phố Dortmund, Đức Quốc, nơi ông cư trú và làm việc trong hơn 40 năm qua.
Hải Sơn: Lý do gì đã khiến nhóm lãnh đạo chế độ CSVN đã im lặng suốt trong 5 ngày sau biến cố 30 tháng 11?
Âu Dương Thệ: Sở dĩ CSVN cố tình bưng bít nhân dân VN và dư luận quốc tế trước hành động xâm phạm ngang ngược mới của Bắc kinh vì người cầm đầu chế độ là NPT đang chuẩn bị tiếp trọng thể phái đoàn cao cấp Trung quốc do Ủy viên Bộ chính trị Lý Kiến Quốc vào ngày 2.12 để giới thiệu về kết quả Đại hội 18 của ĐCSTrung quốc vừa kết thúc. Trong dịp này ông Trọng lại được nghe ca "16 chữ vàng và 4 tốt" của đại diện Bắc kinh và chính ông Trọng cũng vẫn khen quan hệ giữa hai Đảng và hai nước phát triển rất tốt đẹp!
HS: Như thế có phải là những người cầm đầu CSVN đã làm trò cười cho Bắc kinh khiến họ càng leo thang sách lược "được đằng chân lân đằng đầu"?
ADT: Như chúng ta biết từ tháng 1. 2011 ông Trọng lên làm Tổng bí thư, một người rất thần phục Bắc kinh, cho nên nhà cầm quyền Bắc kinh đã ba lần liên tiếp cho các tầu hải giám rồi cả thuyền đánh cá Trung quốc xâm phạm hải phận VN, ngăn cản ngư dân VN và các hoạt động thăm dò dầu khí của VN. Cũng trong thời gian này Bắc kinh còn tìm cách hợp thức hóa quyền lực của họ tại Hoàng sa và Trường sa, bằng cách lập quận Tam sa, xây sân bay quân sự và cho binh lính đồn trú. Gần đây nhất họ còn leo thang rất trắng trợn là cho in hình lưỡi bò trên các hộ chiếu Trung quốc, nghĩa là muốn bắt cả thế giới công nhận là toàn bộ khu vực biển Đông là thuộc Trung quốc. Vài ngày trước họ còn thông báo là sẽ khám xét các tầu của VN và quốc tế lưu thông trên biển Đông. Nói tóm lại, qua các hành động này Bắc kinh đã cố tình không đếm xỉa gì tới những phản đối của VN, nhiều nước ĐNA, Hoa kì và quốc tế.
HS: Những lí do nào đã khiến Bắc kinh có thể thực hiện sách lược bành trướng công khai như vậy với VN?
ADT: Mới đây, ngày 29.11 Tập Cận Bình, người cầm đầu mới của ĐCS Trung quốc, đã tuyên bố không úp mở nói về „Giấc mơ Trung quốc". Tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc kinh với sự hiện diện của toàn thể Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị ĐCS Trung quốc, Tập Cận Bình đã giải thích:
"Hiện nay, mọi người đều đang thảo luận giấc mơ Trung Quốc, tôi cho rằng, thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ vĩ đại nhất của dân tộc Trung Hoa kể từ cận đại đến nay." (đài Bắc kinh 30.11)
„Thực hiện sự phục hưng vĩ đại" của Trung quốc theo Tập Cận Bình là làm sống lại thời đế quốc Đại Hán trước đây! Dĩ nhiên trong „giấc mơ" này chắc chắn có biển Đông, cả Việt Nam, Đông Nam Á và Đông Á.
Riêng đối với VN, có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có 3 lí do chính khiến Bắc kinh dám thực hiện chính sách lấn tới, theo kiểu được đằng chân lân đằng đầu. Đó là: NPT đã quá nhu nhược. Sau khi nắm chức Tổng bí thư, tháng 10.2011 ông đã thân hành sang Bắc kinh chấp nhận yêu sách của Bắc kinh là không quốc tế hóa tranh chấp biển Đông mà chỉ đàm phán song phương. Ông Trọng còn cho Thứ trưởng QP Nguyễn Chí Vịnh long trọng hứa không để cho nhân dân ta tổ chức biểu tình chống Bắc kinh xâm lấn.
Lí do thứ hai, Bắc kinh hiểu rất rõ sự phân hóa và kình chống lẫn nhau ở ngay cấp đầu não của CSVN, đặc biệt giữa Nguyễn Phú Trọng-Trương Tấn Sang một bên và bên kia là Nguyễn Tấn Dũng. Cao điểm nhất của cuộc chống đối và thanh trừng lẫn nhau là Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10 vừa qua. Bắc kinh thấy rõ cơ hội rất tốt này nên đã khai thác triệt để. Cụ thể nhất là cuối tháng 9, chỉ ít ngày trước Hội nghị Trung ương 6, Tập Cận Bình đã thân tình tiếp Nguyễn Tấn Dũng tại Nam ninh (Trung quốc). Mục tiêu của Bắc kinh là khoét sâu sự tranh chấp của nhóm cầm đầu CSVN để áp đặt những đòi hỏi ngang ngược.
Lí do thứ ba là sự lệ thuộc kinh tế và thương mại rất lớn của VN với Trung quốc. Hiện nay kinh tế VN đang gặp khó khăn rất lớn. Nợ công lên tới hàng triệu tỉ đồng, đầu tư ngoại quốc giảm mạnh, số dự trữ ngoại tệ rất thấp; trong khi ấy nhập siêu từ Trung quốc càng gia tăng, năm nay có thể lên tới 12-13 tỉ USD.
Tóm lại, Bắc kinh đã nắm được cả cái đầu và cái bụng của VN, nên họ đang gia tăng áp lực bắt chẹt VN trong nhiều lãnh vực, như các yêu sách ngày càng ngang ngược ở biển Đông.
HS:Sự phẫn nộ của thanh niên, trí thức và cả nhiều đảng viên đối vói nhóm lãnh đạo độc tài và đầu hàng Bắc kinh trong cuộc biểu tình ngày 9.12 đã nói lên điều gì?
ADT: Ngày Chủ nhật 9.12 các cuộc biều tình nổ ra cả hai thành phố Sài gòn và Hội nội để phản đối các hành động xâm lấn của Bắc kinh. Mặc dầu bị đe dọa và ngăn cản rất tàn bạo của công an, nhưng nhiều trăm người đã trương biểu ngữ đòi nhà cầm quyền Bắc kinh phải chấm dứt ngay việc lấn chiếm biển Đông. Ít nhất đã có 22 người đã bị bắt. Điều đặc biệt là không chỉ giới thanh niên mà cả nhiều trí thức tên tuổi và đáng kể nữa, có cả nhiều đảng viên CS cũng đã sát cánh tham gia biểu tình. Nhiều vị đã công khai kết án thái độ cúi đầu hèn yếu trước Bắc kinh, nhưng lại thẳng tay đàn áp nhân dân đi biểu tình của nhóm cầm đầu chế độ toàn trị.
Chúng tôi trích ra một số tố cáo và kết án của một số nhân vật tiêu biểu vừa tham gia biểu tình. Nhà văn Phạm Đình Trọng, đồng thời cũng là cựu đảng viên và Đại tá Quân đội Nhân dân đã kết án: "Các anh có còn là người Việt Nam không? Giặc Tàu cướp hết biển, hết đảo của ta rồi mà các anh còn ngăn chặn dân không cho dân đi biểu tình chống Tàu xâm lược là sao?" (Blog Huỳnh Ngọc Chênh 10.12)
Cụ Lê Hiền Đức dù đã 82 tuổi vô cùng phẫn uất bị ngăn chặn không cho đi biểu tình đã tố cáo: «Tôi thấy người dân vô cùng căm phẫn trước hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng một số bọn cầm quyền nó đã bán đất, bán biển cho Trung Quốc, cho nên nó đàn áp biểu tình». (BVN 10.12)
Trước việc nhóm cầm đầu chế độ toàn trị trước sau vẫn cấm cản và đàn áp người biểu tình yêu nước, nên bà Kiến trúc sư Trần Thanh vân đã cảnh báo: "Tôi muốn nói với mọi người : Sau sự kiện hôm qua, đặc biệt với những vị đã gắn bó hơn nửa đời người với Đảng và Nhà nước là đừng ảo tưởng nữa. Hãy dũng cảm làm những việc đúng mình muốn và nói những lời đúng lòng mình." (BVN 11.12)

No comments:

Post a Comment