Thursday, December 27, 2012

Phỏng vấn Ông Trần Quốc Bảo về Tình hình Ai Cập, Syria và bài học cho Việt Nam

Thứ Ba 25.12.2012    
Thưa quý thính giả, như chúng tôi vừa loan trong phần tin tức, mặc dù gần 2 năm sau khi chế độ độc tài Hosni Mubarak bị lập đổ, tình hình chính trị tại Ai Cập vẫn còn rất rối ren, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Tương tự, cuộc kháng chiến chống lại chế độ độc tài Basah Al-Assad của dân chúng Syria cũng đã kéo dài gần 2 năm, gây tổn hại nhiều về tài nguyên và sinh mạng người dân, nhưng kết quả vẫn chưa ngã ngũ. Sự kiện này khiến một số người thắc mắc – Hai quốc gia này có thật sự cần "Mùa Xuân Ả Rập" không? Nói rõ hơn, phải chăng cứ để Hosni Mubarak cai trị tại Ai Cập và cứ chấp nhận chế độ độc tài Al-Assad tiếp tục ngự trị trên Syria thì có thể dân chúng hai quôc gia này dỡ khổ hơn không? Để tìm câu trả lời cho vấn nạn này, mời quý thính giả theo dõi buổi thảo luận của chúng tôi với Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch HĐĐHTƯ LLDTCNTQ. Ông Bảo tham dự cuộc thảo luận này từ Nam California, Hoa Kỳ.
PVV: Kính chào Ông Trần Quốc Bảo. Phải chăng thà cứ để Hosni Mubarak tiếp tục cầm quyền thì dân chúng Ai Cập đỡ khổ hơn so với tình trạng xáo trộn, rối ren như hiện tại phải không thưa Ông?
TQB: Tôi không nghĩ như vậy! Những ai lập luận như vậy đã biểu tỏ có cái nhìn không chuẩn xác về công cuộc dân chủ hóa. Công cuộc dân chủ hóa là một "tiến trình" chứ không phải là một "trạng thái". Tiến trình nghĩa là một diễn tiến đòi hỏi thời gian. Còn trạng thái là một tình trạng, một sự kiện, chẳng hạn như sự việc một chế độ độc sụp đổ, nó diễn ra trong khỏanh khắc, hôm nay chế độ độc tài còn tồn tại, qua một đêm, ngày mai chế độ này không còn nữa! Tiến trình dân chủ hóa có thể ngắn, chỉ đôi ba tháng, nhưng cũng có thể dài, nhiều khi cả chục năm. Đây là thời gian cần thiết để có thể xây dựng và củng cố các căn bản, từ ý thức người dân đến các cơ chế xã hội dân sự để dân chủ có thể phát triển và bám rễ vững chắc trong xã hội.
Tại Ai Cập, với hơn 30 năm sống trong chế độ độc tài, lại bị ảnh hưởng nặng nề của một số truyền thống cực đoan, nên tiến trình dân chủ hóa chắc chắn phải đòi hỏi thời gian dài và con đường dân chủ hóa phải có lắm chông gai. Nhưng đây là cái giá mà dân tộc Ai Cập phải trả nếu muốn có một tương lai tươi sáng.
PVV: Thưa Ông, thế còn tại Syria thì sao? Theo các con số do Liên Hiệp Quốc công bố thì có đến cả trăm nghìn cơ sở, nhà cửa bị tiêu hủy, và đã có ít nhất 40 nghìn người thiệt mạng sau gần 2 năm kể từ ngày dân chúng nổi lên chống lại TT Basah Al-Assad. Cái giá mà Ông nói, phải chăng nó quá đắt đối với dân chúng Syria không thưa Ông?
TQB: Vâng, phải nói rằng sự hủy họai cả tài sản lẫn sinh mạng của dân chúng Syria khá lớn. Lý do công cuộc đấu tranh ở quốc gia này kéo dài và ngày càng khốc liệt là vì chế độ độc tài Assad rất ngoan cố, lại liên kết với một thành phần dân chúng cùng một hệ phái tín ngưỡng và sắc tộc. Thêm nữa, vì nó liên quan đến quyền lợi của một số thế lực quốc tế nên lực lượng đối kháng gặp khó khăn để vận động sự ủng hộ hiệu quả từ bên ngòai.
Nhưng theo tôi, dù phải trả giá cao, nhưng đây là cái giá xứng đáng để dân chúng, ít nhất là đa số dân chúng Syria cần trả để lọai bỏ chế độ độc tài đã thống trị đất nước này hơn 40 năm, dưới hình thức cha truyền con nối. Cần nhớ là trước đây dân chúng Syria cũng đã từng nổi lên và đã hy sinh hơn 10 nghìn người! Lần này thì kết quả xem như đã gần đạt được. Hơn 1 tuần trước, trong một hội nghị, mệnh danh là Hội Nghị Những Người Bạn của Syria tổ chức tại tại Marrakesh, Morocco, đại biểu của hơn 100 quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ và nhiều nước lớn ở Âu châu, đã công nhận chính phủ lưu vong lâm thời của lực lượng nổi dậy. Trước đó không lâu, các lực lượng vũ trang chính yếu chống Assad cũng đã đồng ý thành lập một cơ cấu phối hợp chung để điều hợp nỗ lực đấu tranh cho hiệu quả hơn. Cũng đã có dấu hiệu là nhà cầm quyền Liên Bang Nga đã không còn ủng hộ Assad mạnh mẽ như trước đây. Nói tóm lại, sự sụp đổ của chế độ độc tài Al-Assad không còn xa!
PVV: Thưa Ông, so chiếu các kinh nghiệm trên vào tình hình VN, theo Ông chúng ta học được gì từ Syria, nói chung là từ cao trào "Mùa Xuân Ả Rập"?
TQB: Mặc dù có nhiều sự khác biệt, về văn hóa, về địa lý, giữa VN và các quốc gia trong vùng Bắc Phi và Trung Đông, nhưng tôi vẫn nghĩ chúng ta, nói chung là dân tộc Việt Nam, học được nhiều bài học qua những diễn biến xẩy ra ở các địa phương này, mà cụ thể là từ hai quốc gia Ai Cập và Syria, như chúng ta vừa thảo luận qua.
Trước hết, là từ Syria. Khởi đầu công cuộc đấu tranh của dân chúng tại đây hòan tòan có tính cách bất bạo động, chỉ xuống đường biểu tình, đình công, bất hợp tác với nhà cầm quyền. Trong những tháng đầu, thành phần lãnh đạo phong trào đối kháng đã lên án cả những hình thức như ném đá, đốt phá xe công an, mật vụ. Thế nhưng khi họ bị đàn áp mạnh tay, có người chết, thì từ bất bạo động, công cuộc phản kháng đã dần dà biến thành vũ trang, sử dụng vũ khí trước là để chống đỡ và sau đó là để phản công lại lực lượng đàn áp của nhà cầm quyền độc tài. Bài học này, tôi nghĩ là nhà cầm quyền CSVN cần phải suy ngẫm cho thật kỹ!
Bài học thứ hai từ Syria là mới đầu hầu hết các quốc gia đều thờ ơ trước công cuộc phản kháng chế độ Assad của dân chúng Syria. Nhưng sau khi thế giới thấy quyết tâm của người dân chống lại chế độ độc tài, chấp nhận đổ máu để đấu tranh, thì dần dà các quốc gia, từ những nước kế cận Syria như Jordan, Turkey, mới quay qua ủng hộ. Và cả hơn một năm rưỡi sau, các quốc gia tây Phương, kể cả Hoa Kỳ, mới thực sự công nhận và ủng hộ lực lượng dân chủ tại Syria. Tóm tắt, bài học này là - chúng ta phải hành động cứu nước chúng ta trước. Chính sự hy sinh của chúng ta mới lôi kéo người ngòai ủng hộ, lôi kéo thế giới giúp đỡ chúng ta!
PVV: Thế còn từ Ai Cập, chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì tại đây thưa Ông?
TQB: Nếu xã hội Ai Cập cần một thời gian dài để tháo gỡ, xóa bỏ các tàn tích của giai đọan hơn 30 năm do thể chế độc tài Hosni Mubarak để lại thì có lẽ Việt Nam phải cần một thời gian dài hơn nhiều. Là vì chế độ độc tài cộng sản đã ngự trị tại Miền Bắc hơn 60 năm và trên tòan đất nước gần 40 năm! Vì vậy nhân dân Việt Nam cần nhận thức rõ thực tế này để mà chấp nhận và chuẩn bị đối đầu. Giai đọan chuyển tiếp từ độc tài qua dân chủ sẽ cam go và đày thử thách đối với dân tộc chúng ta. Một trong những khó khăn mà tôi cho là quan trọng hàng đầu là sự hủy họai nền văn hóa dân tộc do chủ nghĩa ngọai lai và phi nhân mà chế độ cộng sản đã tác hại đến con người Việt Nam. Để phục hồi lại đạo đức, văn hóa dân tộc, nỗ lực này đòi hỏi phải kéo dài nhiều thế hệ.
Cho nên tôi nghĩ bên cạnh nỗ lực chính trị để dân chủ hóa đất nước, các lực lượng đấu tranh chân chính còn phải quan tâm đến sách lược xây dựng đất nước thời hậu cộng sản, đồng thời phải đặt tầm quan trọng của công cuộc phục hưng văn hóa dân tộc lên một ưu tiên cao, thật cao!

No comments:

Post a Comment