Tuesday, December 11, 2012

Góc Khuất Cuộc Đời 11.12.2012

Thứ Ba ngày 11.12.2012     
“Góc khuất cuộc đời” chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài. Mời quí thính giả theo dõi (phần cuối) Chuyện Những Người Bám Biển, phóng sự do Việt Trung thực hiện qua giọng đọc của Hướng Dương để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Chuyện những người bám biển (kỳ cuối)

Có thể nói rằng Lý Sơn là một hòn đảo rất thơ mộng với nhiều danh lam, thắng cảnh như chùa Hang, chùa Đục, hải đăng thời cổ, những đồn trú xa xưa, những bãi biển đá chồng xếp lớp như một đàn ngựa phi nước kiệu về phía mặt trời, năm ngọn núi lửa bày trận đồ ngũ hành đẹp hùng vĩ chẳng kém núi Phú Sĩ của Nhật.
Hơn nữa, đây còn là mảnh đất thiêng, nơi có những ngôi mộ gió của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn. Họ đã gửi thịt xương và biển cả để bảo vệ lãnh hải quốc gia, và người sau tưởng nhớ đến công ơn họ, vun những đụn cát, chôn những hình nhân bằng đất sét, dung chỉ đỏ làm ruột, dùng đá san hô làm tim, phổi, dùng que tre làm xương, kết nên hình hài trên bãi biển đầy gió để chiêu linh, kính ngưỡng, mỗi nấm mộ như một lời an ủi, một lời cám ơn của người đang sốn gửi đến người đã thác vì biển đảo thân yêu!
Người Lý Sơn cũng rất nghệ sĩ, họ sống hồn nhiên, nhẹ nhàng và thật thà, cả một hòn đảo hơn hai mươi tám ngàn cư dân, suốt mấy mươi năm nay chẳng biết chuyện mất cắp hay xì ke, ma túy là gì, đi xe đến đâu cần đi bộ thì cứ mặc nhiên để xe đó mà đi tiếp, không cần phải gởi xe, tuyệt đối không có bãi giữ xe ở Lý Sơn. Con người ở sống nặng tình nghĩa nhưng lại chịu nhiều cay đắng, rủi ro. Dường như bây giờ, ngoài việc bám biển, những ngư dân cũng chẳng còn đất để sống.
Vì những cư dân đầu tiên đến đây theo chiếu lệnh di dân thời nhà Nguyễn đều là những người làm nông. Khi đến đảo, việc đầu tiên là khai hoang, sau đó trồng cây chống gió và canh tác. Chính những cây phong ba, những cây sợp có đường kính cả chục mét, ba bốn trăm tuổi ở đền thờ Thiên Y A Na và nhiều nơi trên đảo là minh chứng cho thời con người giang tay chống đỡ gió trời, và cũng chính nghề trồng tỏi cùng với giống tỏi nổi tiếng thơm ngon của Lý Sơn là minh chứng cho nghề làm nông của các cư dần đầu tiên đến đảo. Vì nhu cầu diện tích canh tác, phần lớn đất trên đảo đã được các cư dân đầu tiên chiếm giữ, tạo thành không gian riêng của dòng tộc, truyền lại cho con cháu bây giờ. Những ngôi mộ cổ nằm rải rác trên cácc cánh đồng tỏi khắp đảo Lý Sơn chính là chỉ dấu của điều này. Và cũng chính trong nhóm người đến Lý Sơn thời xa xưa, có cả những người lính hải đội Hoàng Sa. Con cháu của họ bây giờ vẫn bám biển theo dấu nước cha ông. Nghiệt nỗi, trên đất liền, họ sống trong diện tích rất hạn chế, chưa đầy hai trăm mét vuông.
Giả sử, nếu không đủ sức để làm nghề biển, những ngư dân cũng chẳng có đất để canh tác khi rời mạn thuyền. Chính vì thế mà nợ càng chồng chất nợ đối với ngư dân không may mắn bị tàu Trung Quốc bắt nhiều lần. Vì với những ngư dân bám biển, họ đều có chung tâm lý rằng mình không có đất để canh tác, dưỡng già, nên cách tốt nhất là làm cật lực, giành dụm vốn để khi về già, không còn ra khơi nổi vẫn còn cái để ăn, để giúp con cháu học hành mà thoát bớt nghiệp sóng gió. Khổ nỗi, ý hướng tốt đẹp của họ bị phá vỡ mỗi khi tàu về không. Vì để chuẩn bị ra khơi, nhà thuyền cần ít nhất từ hai đến ba trăm triệu đồng để mùa từ tám đến mười ngàn lít dầu, tám trăm đến một ngàn cây nước đá, mua lương thực, thuốc men, thịt heo để chống ngấy trong trường hợp ca tháng ròng ngày nào cũng ăn cá biển và cá biển. Đương nhiên, khoản tiền này phần nhiều là vay mượn hoặc mua nợ.
Một khi được mẻ cá lớn, được thần biển phù hộ, trúng đậm, việc đầu tiên là họ chắp tay vái về đất liền để tạ ơn bề trên đã giúp họ qua được "nợ đầu đen". Khái niệm "nợ đầu đen" ngư dân dùng để ám chỉ số tiền vốn bỏ ra, con số mà họ đang vướng nợ trong bờ, khi vào bờ, số tiền này trôi vào tay chủ nợ, họ không giữ làm của được. Và họ lại thầm khấn vái ơn trên phù hộ cho họ kiếm thêm để trả "nợ đầu đỏ". "Nợ đầu đỏ" ám chỉ trách nhiệm làm người, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con ăn học, chuyện phải trái hàng xóm láng giềng, trong đó có cả tiền đóng thuế nhà nước để duy trì an ninh, bảo vệ vùng biển đảo tổ quốc.
Nhưng, có rất nhiều người vừa ra khơi, chưa kịp trả nợ đầu đen đã bị bắt nhốt, đánh đập, mang nội thương, về nhà vay tiền chữa bệnh, rồi lại vay tiền ra khơi tiếp tục để gở vốn, nợ chồng chất nợ... Đau khổ chồng chất đau khổ nếu tiếp tục bị bắt tàu, bị cướp vốn liếng. Chỉ có trùng dương mênh mông hiểu được nỗi thống khổ của họ.
Có thể nói rằng, đời của ngư dân Lý Sơn nói riêng và cư dân Lý Sơn nói chung hiện nay đã khá lên nhiều. Nhưng đó là bề nổi nhìn thấy được. Còn thực tế, họ vẫn luôn đối diện với sóng gió, với nhân họa Trung Quốc to con xấu tính và dã man rình rập từ biển khơi cho đến đất liền. Người dân xứ đảo hiền hòa Lý Sơn vẫn chưa bao giờ được sống bình yên!
Việt Trung

No comments:

Post a Comment