Thursday, December 13, 2012

BẢN TIN THỨ NĂM 13/12/2012

Đảng nặng tay với báo chí trong nước về vụ tàu Trung Cộng cắt cáp tàu Bình Minh 2

Trong khi báo chí nhà nước Trung Cộng tố cáo Việt Nam 'ăn cắp các nguồn tài nguyên' của họ trên Biển Đông. Riêng tờ Hoàn Cầu thời báo số ra ngày 11/12 khẳng định cho dù tàu cá Trung Cộng có cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam như tố cáo, thì nhân dân Trung Cộng vẫn ủng hộ việc làm đó.
Thì tại Việt Nam cũng vào ngày thứ Ba 11/12, trong cuộc họp giữa báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin, Truyền thông. Đồng chủ trì, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã mạnh mẽ phê phán các báo không chấp hành chỉ đạo khi đưa tin liên quan đến Trung Cộng, mà cụ thể là việc đưa tin tàu Trung Cộng cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 2.
Theo ông Kỷ chính Bộ Ngoại giao đã có giải thích cho các báo về diễn biến vụ việc và các báo "cần xem lại việc đưa tin không chính xác như thế"
Trong số hơn 30 cơ quan truyền thông lề Đảng bị nhắc nhở liên quan tới tin đã đưa về chuyện Trung Cộng cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 30/11 có Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, Vietnam, VnExpress, Pháp Luật (thành phố Sài Gòn), Petrotimes và báo Tiền Phong .
Vụ Báo chí và Xuất bản cho biết họ sẽ gửi công văn tới từng báo cũng như tới cơ quan chủ quản của các báo, bị nêu tên trong cuộc họp sẽ bị xử phạt hành chính cũng như kỷ luật Đảng.
Các báo được lệnh phải có giải trình muộn nhất vào ngày 18/12 nhưng cho tới cuối ngày 12/12 họ vẫn chưa nhận được công văn chính thức về sự việc này.

Các nhân sĩ, trí thức ra tuyên bố phản đối công an, nhà cầm quyền Sài Gòn trấn áp thô bạo người yêu nước trong cuộc mít tinh chống Trung Cộng gây hấn

Trong Tuyên Bố đề ngày 10/12/2012 các nhân sĩ, trí thức Sài Gòn khẳng định việc tổ chức mít tinh phản đối hành động gây hấn ngày càng nghiêm trọng của nhà cầm quyền Bắc Kinh, nhằm biểu tỏ ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia về lãnh thổ và lãnh hải là một việc hết sức cần thiết, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ trí thức và thế hệ trẻ thành phố. Đó là hành động yêu nước quang minh, chính đại.
Bản Tuyên Bố viết: "Đáng tiếc là, thay vì hỗ trợ chúng tôi thì nhà cầm quyền lại ra sức ngăn cản để không cho cuộc mít tinh biểu thị lòng yêu nước, chống Trung Cộng xâm lược được tiến hành một cách ôn hòa và trật tự. Nhiều thủ đoạn không quang minh chính đại đã được diễn ra theo một kịch bản trấn áp được thực thi một cách thô bạo".
Bản Tuyên Bố yêu cầu các hành vi thô bạo nói trên cần phải bị trừng trị, cần phải chấm dứt và kêu gọi công luận trên cả nước hãy lên án hành động trấn áp người biểu tình khi họ thực hiện quyền công dân đã được ghi trong Hiến Pháp để biểu tỏ lòng yêu nước, phản đối hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh gây hấn lấn chiếm lãnh thổ và lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Daklak đối ông Lữ Ngọc Cư mất chức.

Ông Lữ Ngọc Cư đã bị chuyển sang làm Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên hồi tháng 10 năm nay, nhưng quyết định miễn nhiệm ông bây giờ mới chính thức thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh.
Khi đó sai phạm của ông Lữ Ngọc Cư bị cho là "nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng".
Ông Cư bị buộc tội đã cho công ty Lộc Phát lập dự án trồng cao su tại rừng phòng hộ đầu nguồn; cho công ty Quản lý đô thị và môi trường Daklak đầu tư một dự án mở rộng đường ở Buôn Ma Thuột nhưng lại sử dụng nguồn vốn dự phòng của dự án Bệnh viện Đa khoa Tây Nguyên.
Ông cũng bị đánh giá là sai phạm khi cho phép thành lập một quỹ từ thiện "quyên góp và nhận tiền tài trợ của các tổ chức trong nước và nước ngoài".
Một sai phạm nữa được chỉ ra của ông Cư là "đứng tên vay ngân hàng với số tiền lớn" và "để vợ mua đi bán lại nhiều nhà đất nhưng không báo cáo đầy đủ".
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói rằng Ban cán sự đảng UBND tỉnh Daklak mà ông Lữ Ngọc Cư là bí thư đã "buông lỏng lãnh đạo" và "vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ".
Ông Lữ Ngọc Cư có cấp bậc Thiếu tướng Công an và lần đầu được bầu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Daklak năm 2006.

Miến Điện: Một tạp chí của đối lập lưu vong được lưu hành trong nước

Hôm nay thứ năm 13/12/2012 tạp chí Irrawaddy do các nhà báo Miến Điện lưu vong thành lập tại Thái Lan sẽ bắt đầu được lưu hành tại Miến Điện. Đây là lần đầu tiên từ khi ra đời cách nay hai thập niên, tờ Irrawaddy xuất hiện công khai tại Miến Điện.
Theo hãng tin Pháp AFP, trước mắt, độc giả ở Rangoon cũng như tại một số thành phố lớn khác sẽ có thể tìm thấy trên các sạp báo các ấn bản biếu không của tạp chí Irrawaddy. Trả lời hãng tin AFP vào hôm thứ Ba 11/12, ông Kyaw Zwa Moe, chủ bút phiên bản Anh ngữ của tạp chí, cho biết là ông muốn 'thăm dò' tình hình, vì chưa biết chính quyền sẽ phản ứng ra sao. Trong thời gian qua tạp chí này đã bị giới tướng lãnh nghiêm cấm. Chủ bút tờ báo khẳng định là ấn bản sắp ra mắt vẫn không khoan nhượng trong nội dung bài viết, vẫn mang tính 'phê phán' cố hữu. Hãng tin AFP nhắc lại lời Tổng thống Thein Sein đã từng nói là ông không sợ giới truyền thông báo chí. Lời nói này được chứng minh qua hành động bãi bỏ kiểm duyệt và cho báo giới đối lập về nước. Các trường hợp điển hình của chính sách này là đài truyền hình DVB - Tiếng nói Dân chủ Miến Điện - cơ sở tại Oslo, và tờ báo mạng Irrawaddy cùng với hãng thông tấn Mizzima. Tuy nhiên, báo giới nhìn chung vẫn rất thận trọng, như đánh giá của chủ bút Irrawaddy, chưa thể nói chắc tình hình cởi trói kéo dài, không biết được diễn tiến tương lai ra sao.

Bắc Hàn phóng Hỏa tiễn tầm xa

Theo tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, sáng qua thứ Tư 12/12 Bắc Hàn đã phóng Hỏa tiễn tầm xa. Tên lửa ba tầng này được phóng lên không vào lúc 09h49 giờ địa phương. Tin cho hay việc phóng tên lửa đã thành công, các tầng rơi xuống đúng vị trí được trông đợi.
Thời gian trước khi xảy ra vụ phóng Hỏa tiễn tầm xa sáng sớm 12/12 nhiều nhà phân tích nói rằng Hỏa tiễn là một phi đạn đạo trá hình, vi phạm các quy định quốc tế.
Bắc Hàn đã bị Liên hợp quốc cấm thực hiện bất cứ một vụ thử nghiệm nào về phi đạn hay thử nghiệm liên quan đến hạt nhân, chiếu theo các nghị quyết năm 2006 và 2009, sau khi nước này thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân không thành công.
Hôm qua 12/12 Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Ủy ban an ninh quốc gia. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng lên tiếng trấn an rằng ảnh hưởng của vụ phóng Hỏa tiễn sẽ rất hạn chế. Nước láng giềng Nhật Bản thì cho rằng vụ phóng Hỏa tiễn này là không thể chấp nhận được.

Hơn 100 người dân "bao vây" tòa án

Chiều 11-12, Sau khi TAND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) tuyên án 13 bị cáo bị truy tố về tội vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng trong vụ án phá rừng La Dạ (mức án thấp nhất: 9 tháng tù treo, cao nhất: 5 năm tù giam). Hơn 100 người dân là thân nhân các bị cáo đã phản đối và ngồi tại sân tòa án đến hơn 9 giờ đêm vẫn không chịu về.
Theo những người dân này thì trong vụ án, các bị cáo đã khai: sở dĩ họ tổ chức phá rừng trót lọt là do đã "bôi trơn" bằng tiền tươi mỗi chuyến 3 triệu đồng cho hai cán bộ kiểm lâm Hàm Thuận Bắc và tổng cộng hai người này đã nhận 15 triệu đồng. Tuy nhiên, Viện Kiểm Sát Nhân Dân huyện chỉ truy tố 13 người phá rừng là không công bằng. Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã giải thích việc đưa nhận hối lộ trong vụ phá rừng này, cơ quan điều tra đã tách ra thành vụ án khác, tiếp tục củng cố hồ sơ để trừng trị những người vi phạm nhưng tất cả thân nhân các bị cáo đều không đồng tình.

Liên Hiệp Quốc lên án Bắc Hàn phóng Hỏa tiễn

Hôm 12-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã họp khẩn cấp về vụ phóng Hỏa tiễn tầm xa mang theo vệ tinh của CHDCND Bắc Hàn.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã chỉ trích việc phóng Hỏa tiễn "khiêu khích" và vi phạm các nghị quyết cấm Bình Nhưỡng phát triển Hỏa tiễn đạn đạo.
Sau cuộc họp, HĐBA LHQ đã ra một tuyên bố ngắn lên án vụ phóng Hỏa tiễn vì cho rằng vụ phóng đã vi phạm các nghị quyết 1718 và 1874 của Liên Hiệp Quốc và lệnh cấm các vụ phóng Hỏa tiễn đạn đạo.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh HĐBA LHQ sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn về phản ứng đối với hành động của Bắc Hàn và sẽ kiên quyết hành động nếu Bắc Hàn tiếp tục tiến hành các vụ phóng mới.
Liên Hiệp Quốc từng đưa ra các lệnh trừng phạt bao gồm cấm vận vũ khí hạng nặng và cho phép lục soát các kiện hàng của CHDCND Bắc Hàn để tìm vũ khí hủy diệt hàng loạt, sau các vụ phóng Hỏa tiễn của nước này vào năm 2006 và 2009.
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen lên án mạnh mẽ hành động của Bình Nhưỡng, cho rằng hành động này đi ngược lại các nghị quyết của HĐBA LHQ và có thể gây bất ổn cho bán đảo Bắc Hàn. Ông Rasmussen kêu gọi giới chức Bắc Hàn thực thi đầy đủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế.

No comments:

Post a Comment