Monday, December 10, 2012

Sửa đổi Hiến pháp: trò hề và trò bịp!!!

Thứ Sáu ngày 07.12.2012     
Hiến pháp là văn kiện luật pháp nền tảng và phải có vị trí tôn nghiêm trong lòng dân tộc. Chỉ có độc tài CSVN là ngang nhiên khinh bỉ sử dụng hiến pháp như một công cụ và trò hề quảng cáo rẻ tiền cho đảng. Thái độ miệt thị này của CSVN không những là một quốc nhục mà còn là một trọng tội đối với lịch sử dân tộc. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của bán nguyệt san Tự do Ngôn luận với tựa đề: "Sửa đổi Hiến pháp: trò hề và trò bịp" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Giáo sư Carl J. Friedrich (1901-1984), một chuyên gia quốc tế người Mỹ về Hiến pháp (HP), từng xác định: "HP là một văn kiện nêu lên thể chế chính trị đặc biệt, không những để trình bày đặc tính của Quốc gia, mà còn để giới hạn hành động của Chính quyền". Phó Giáo sư Phạm Duy Nghĩa (hiện là Chủ nhiệm khoa Luật, Đại học Kinh tế SG, và từng là học giả Fulbright, trường Luật Harvard, Hoa Kỳ), trong bài "Góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992", cũng cùng một ý tương tự:
"Trước hết, cần lưu ý HP là một khế ước của nhân dân lập ra để kiểm soát quyền lực nhà nước. HP viết ra để ràng buộc chính quyền chứ không phải để ban quyền cho người dân. Nhưng ở một số quốc gia, HP đã không được hiểu với ý nghĩa đó. Một số quốc gia sử dụng HP như cương lĩnh của quốc gia, của những người lãnh đạo; còn những quốc gia dân chủ, HP viết ra để trói buộc nhà cầm quyền."
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 của đảng CS, trong phiên họp từ 6 đến 15-5-2012, đã chính thức bàn đến chuyện sửa đổi HP hiện hành. Trong hội nghị này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến nội dung HP như hệ thống chính trị, tổ chức quyền lực, chế độ kinh tế, chính sách về tài nguyên...Từ đó đến nay, qua nhiều văn kiện khác, đặc biệt là diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6, những vấn đề quan trọng liên quan đến HP như vừa nói đã được nhắc lại với cùng lập trường cố hữu của đảng CS. Lập trường đó chính là Cương lĩnh đảng năm 1991 đã sửa đổi và bổ sung năm 2011 mà Dự thảo sửa đổi HP 1992 sẽ phải bám sát.
Đọc lại Cương lĩnh và các văn kiện đảng "chỉ đạo" việc sửa đổi đó, người ta thấy ngay đảng CS chỉ cốt dùng HP làm cho quyền lực nhà nước ngày càng không bị kiểm soát, hành động của những người cầm quyền ngày càng không bị giới hạn, còn dân chúng thì tiếp tục sống trong tình trạng được thí ơn, ban quyền. Nói cách khác, đảng mưu đồ dùng Tân HP để duy trì độc tài chính trị, độc quyền kinh tế, độc hữu tài nguyên và cả độc tôn văn hóa.
1- Độc tài chính trị
Phần IV của Cương lĩnh xác quyết: "Đảng CSVN là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc VN; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động..."
Ban Dự thảo đã bê gần như y nguyên câu này vào Điều 4, chỉ thêm một giòng đầy tính mỵ dân lường gạt: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ HP và pháp luật".
2- Độc quyền kinh tế,
Cương lĩnh đầu tiên khẳng định phải "Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" dù "với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối", rồi tiếp đó xác quyết: "Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo".
Nghĩa là dù Cương lĩnh có tuyên bố: "Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh", nhưng cho tới nay, bất chấp sự thất bại ê chề, lỗ lã khủng khiếp và tác hại khôn kể của các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn quốc doanh, đảng CS vẫn coi đó như những đứa con cưng của mình, tiếp tục tìm cách bao biện, che chắn, cứu vãn hầu trục lợi. Còn kinh tế tư doanh của nhân dân -nay đang ngắc ngoải- vẫn tiếp tục bị lép vế lâu dài.
3- Độc hữu tài nguyên
Tuy Cương lĩnh đảng năm 2011 đã không còn cụm từ "chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu" như Cương lĩnh 1991, nhưng không thể coi đây là tín hiệu "đèn xanh" để chế độ sở hữu về ruộng đất có thể thay đổi trong đợt sửa đổi HP sắp tới. Trong tinh thần này, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật đất đai ngày 19-11-2012, tuyệt đại đa số trên có 52 đại biểu góp ý đã đồng ý với quy định hiện hành, được khẳng định lại trong dự thảo Luật đất đai: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu".
4- Độc tôn văn hóa.
Khi khẳng định trong Cương lĩnh và trong Dự thảo HP: "Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng HCM làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động", CSVN tiếp tục theo đuổi học thuyết vô thần đấu tranh, chính sách độc tôn văn hóa và đường lối triệt hạ các giáo hội. Ai cũng biết chế độ CS là chế độ toàn trị, có tham vọng quản lý từ chính trị đến kinh tế và cả văn hóa, nghĩa là muốn làm chủ từ bao tử đến đầu óc và quả tim con người.
Nói tóm lại, việc sửa đổi HP lần này dù có được quảng bá rầm rộ trên báo chí..có được các cơ quan công quyền ra rả là "phải lấy ý kiến nhân dân", "phải được nhân dân phúc quyết", thì rốt cục cũng chỉ là trò hề và trò bịp. Ý kiến của những công dân thiện chí muốn xây dựng một HP đa nguyên dân chủ chắc chắn sẽ bị vứt vào sọt rác, thậm chí có thể trở thành bằng chứng để đương sự bị đưa ra tòa vì: "Nói xấu Nhà nước, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, ngăn cản đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa tươi đẹp".
Ban Biên Tập
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 160 (01-12-2012)

No comments:

Post a Comment