Thursday, December 27, 2012

Cơ hội quốc tế hóa các tranh chấp Biển Ðông

Thứ Năm ngày 27.12.2012     
Một người nội trợ hoặc một học sinh tiểu học Việt Nam cũng biết rằng, kẻ mạnh luôn luôn đòi hỏi "nói chuyện tay đôi" để dễ bề tiếp tục hiếp đáp kẻ yếu. Kẻ yếu muốn chấm dứt trò hề "đàm phán song phương", phải kêu gọi sự can thiệp của các đệ tam nhân và "quốc tế hoá" sự tranh chấp này. Chỉ có quý ông Cử Nhân Luật Nguyễn Tấn Dũng và Tiến Sĩ Chính Trị Nguyễn Phú Trọng là kiên trì tiếp tục hô hào ủng hộ chính sách của kẻ thù truyền kiếp dân tộc là "Đàm phán song phương" để giải quyết tình hình biển đông với CSTQ. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Cơ hội quốc tế hóa các tranh chấp Biển Ðông" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Công ty dầu khí Petrovietnam vừa bắt buộc phải lên tiếng phản đối việc Trung Cộng mới cắt dây cáp thăm dò đáy biển và kéo theo sau một chiếc tầu của Việt Nam. Ðây không phải là lần đầu tiên Trung Cộng ngang ngược để thăm dò phản ứng của nhà cầm quyền Hà Nội.
Những lần trước, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho người lên tiếng phản đối, nhưng hành động khiêu khích mới nhất này cho thấy Bắc Kinh không coi những lời phản đối suông có chút giá trị nào cả.
Nhà cầm quyền Hà Nội luôn luôn phản ứng một cách yếu ớt hơn các nước khác. Ngay khi được tin Bắc Kinh in hình bản đồ có lưỡi bò trên hộ chiếu, Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng triệu tập đại sứ Trung cộng tới để chất vấn và lên tiếng cảnh cáo. Chính quyền Nguyễn Tấn Dũng chỉ gửi thư phàn nàn.
Thái độ rụt rè này là sai lầm. Trung Cộng sẽ kết luận rằng đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn nhút nhát, không dám đương đầu với những hành động khiêu khích ngang nhiên của các đồng chí đàn anh. Lâu nay giới lãnh đạo Bắc Kinh đã kết luận như vậy, như chúng ta đọc trong một bài viết vào Tháng Tám vừa qua trên tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của nhật báo Nhân Dân. Nhà bỉnh bút kỳ cựu Ðịnh Cương nhận xét rằng nhà cầm quyền Việt Nam đang muốn đu dây giữa Trung cộng và Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng, ông khẳng định, họ sẽ phải ngả về phía Trung cộng. Lý do mà Ðịnh Cương nêu ra là khi nào Việt Nam còn sống dưới chế độ một đảng độc quyền cai trị thì không thể nào thân thiện được với Mỹ.
Ông Ðịnh Cương có lý. Chính quyền Myanmar mới bắt đầu tiến trình dân chủ hóa thì tổng thống Hoa Kỳ đã bay qua thăm viếng, các công ty Mỹ đến thăm dò việc đầu tư, cơ quan USAID đã tới hoạt động. Khi nào Cộng Sản Việt Nam chưa trả các quyền tự do dân chủ cho dân thì không thể kết thân với Mỹ.
Nhưng ông Ðịnh Cương cũng sai lầm, khi nói rằng: "Việt Nam phải chọn theo Mỹ hoặc Trung cộng, giống như các nước Ðông Nam Á khác". Thực ra, một quốc gia ở vị thế Việt Nam không cần phải chọn theo Mỹ hay theo Trung cộng. Và cũng không nên chọn theo cường quốc nào cả. Ðể giải quyết những khó khăn trong vùng Biển Ðông, bất cứ chính quyền nào của Việt Nam cũng nên tìm cách đưa toàn thể vấn đề ra trên các diễn đàn quốc tế. Cần phải chứng tỏ cho cả thế giới thấy thái độ và các hành động của Trung Cộng ở Biển Ðông là đe dọa sự an ninh trên con đường lưu thông huyết mạch của kinh tế các nước Á Châu, Úc Châu và cả các nước Châu Âu cũng như Hoa Kỳ.
Chính phủ Ấn Ðộ đã tuyên bố sẵn sàng điều động hải quân tới vùng biển Ðông Nam Á để bảo vệ quyền lợi khai thác dầu khí của các công ty nước họ. Những sự kiện trên cho thấy đây là một cơ hội để đẩy những khó khăn tại Biển Ðông lên thành một vấn đề chung của thế giới. Mà trong thực tế, nhiều nước trên thế giới đã phản ứng mạnh mẽ trước các hành động ngang ngược của Cộng Sản Trung Quốc.
Ðã tới lúc người Việt Nam đứng lên cho cả thế giới biết chúng ta không chấp nhận các hành động xâm phạm chủ quyền như vậy. Nước Việt Nam phải cương quyết bảo vệ chủ quyền của mình. Phải kháng cự bất cứ hành động nào xâm phạm chủ quyền của dân Việt trên biển, trên đảo. Việt Nam phải bảo vệ các ngư dân bị tấn công, bảo vệ các tầu thăm dò dầu khí, phải đuổi các thuyền đánh cá ngoại quốc xâm phạm hải phận, nếu bị bắt buộc thì phải dùng vũ khí để tự vệ. Thái độ và hành động cương quyết của Việt Nam sẽ đánh thức cả thế giới về vấn đề tranh chấp Biển Ðông, nếu Trung Cộng vẫn ngang ngược tiếp tục lấn áp. Phải chứng tỏ cho nhà cầm quyền Trung cộng và cả thế giới biết người Việt Nam không hèn nhát cúi đầu nhịn nhục mãi mãi. Bởi vì trong thế giới ngày nay không quốc gia nào ngồi yên để cho một nước lớn xâm lăng một nước láng giềng nhỏ hơn.
Cho nên, nhà cầm quyền Việt Nam phải phản đối Bắc Kinh một cách mạnh mẽ hơn để sẵn sàng bảo vệ chủ quyền đất nước. Phải sẵn sàng nổ súng ngăn chặn những vụ cướp thuyền ngư phủ hoặc cắt dây cáp tầu thăm dò đáy biển của VN. Khi Việt Nam làm mạnh, thì thế nào Trung Cộng cũng phải lùi bước./.
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment