Monday, November 19, 2012

Trừ tham nhũng đi giật lùi

Thứ Bảy ngày 17.11.2012     

Thời nay ai cũng biết, tham nhũng không phát xuất từ khuyết điểm cá nhân, mà phát xuất từ hệ thống chính trị độc tài. Chính vì thế, ở đâu có độc tài là ở đó có tham nhũng. Độc tài toàn trị như CS thì tham nhũng đến tận răng. Muốn tiêu diệt tham nhũng thì phải hủy bỏ độc tài. Nhưng hủy bỏ độc tài thì người CSVN không còn lẽ sống.Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Trừ tham nhũng đi giật lùi" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ðảng Cộng sản Việt Nam đã hô hào chống tham nhũng, ngăn ngừa tham nhũng từ mấy chục năm nay; nhưng nạn tham nhũng ngày càng gia tăng thêm. Họ đã lập ra những ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nhưng không bao giờ tấn công vào tận gốc rễ của tham nhũng là chính sách tập trung quyền hành; mà quyền hành thì không có cơ chế độc lập nào để kiểm tra.
Một căn nguyên của nạn tham nhũng, lạm quyền ở Việt Nam cũng như bên Trung Quốc, là chính sách tập trung quyền hành trong tay một người hay nhóm người. Muốn sửa đổi, muốn chấm dứt nạn tham nhũng, phải bắt đầu từ căn nguyên, là xóa bỏ cả hệ thống đặt trên chính sách tập trung quyền hành. Nhưng đảng Cộng sản Việt Nam không theo cách đó. Bây giờ, để cắt bớt tay chân của Nguyễn Tấn Dũng, họ đang sai Quốc Hội chuẩn bị sửa lại luật. Luật mới sẽ không cho chức thủ tướng làm trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng nữa, chức vụ này sẽ được trao cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể coi đây là một đợt "sửa sai" mới và khá lớn của đảng Cộng sản Việt Nam sau vụ sửa sai năm 1955 khiến Trường Chinh mất chức tổng bí thư vì cuộc cải cách ruộng đất giết chết oan hàng trăm ngàn người, lòng dân oán hận. Khi nói "sửa sai" tức là công nhận có lỗi lầm. Có lỗi lầm tức là có người chịu trách nhiệm. Cho nên, khi nói sửa sai thì cũng phải sửa ngay cái nhân vật trách nhiệm làm sai.
Nhưng trong vụ sửa sai Nguyễn Tấn Dũng này, không hề chỉ mặt ai là người chịu trách nhiệm; không ai bị mất chức như Trường Chinh hồi trước. Nguyễn Tấn Dũng vẫn làm thủ tướng, nhơn nhơn ra trước Quốc Hội tuyên bố mình có lỗi lầm, nhưng không nhận một trách nhiệm cụ thể nào cả.
Nguyễn Phú Trọng nắm thêm được quyền hành, sẽ lên làm chủ tịch ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng; theo dự luật thì cái ban phòng chống từ nay sẽ thuộc Bộ Chính Trị chứ không thuộc chính phủ nữa.
Chức chủ tịch ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vốn là một chức béo bở. Nó có thể tạo cơ hội cho người đứng đầu tham nhũng mạnh hơn, vì có quyền hạch sách những tay tham nhũng khác trong khi vẫn che chở được những đàn em theo mình. Nguyễn Phú Trọng sẽ chiếm lấy chức vụ đó của Nguyễn Tấn Dũng. Làm như vậy có giúp cho việc phòng ngừa và bài trừ tham nhũng có hiệu quả hơn không?
Khó tin là hiệu quả hơn. Bởi vì việc chuyển quyền hành từ một chức vụ này sang một chức khác không hề thay đổi bản chất của hệ thống, là quyền hành vẫn được tập trung; vẫn không có cơ chế độc lập nào làm công việc kiểm soát và giám sát chính cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đó. Mấy năm trước Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, nên tha hồ nuôi đàn em tham nhũng; với những công ty quốc doanh biến mất hàng tỷ Mỹ kim, với những chiếc tàu thủy mới mua về đã chìm nghỉm. Nay Nguyễn Phú Trọng đứng đầu cái ủy ban đó; nhưng ai sẽ giám sát, kiểm tra công việc bài trừ tham nhũng của các đàn em của Nguyễn Phú Trọng? Trong hệ thống cai trị của đảng cộng sản không có cơ chế độc lập nào để giám sát những người giám sát cả.
Nhìn dưới mắt hệ thống, thì việc chuyển cái ủy ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ chính quyền sang Bộ Chính Trị, là một bước đi giật lùi.
Khi trao cả ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng vào Bộ Chính Trị, đặt chức tổng bí thư lên đứng đầu ủy ban đó, đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt cái ủy ban này và người đứng đầu nó, ra ngoài tầm tay kiểm soát của Quốc Hội! Họ xóa bỏ quyền của Quốc Hội, vậy mà các đại biểu Quốc Hội cứ thế nhắm mắt biểu quyết thông qua, thế mới là trò hề!
Quốc Hội bù nhìn sẽ gật gù cho thông qua cái dự luật mới về phòng chống tham nhũng. Nhưng cái luật đó sẽ rất lẩm cẩm! Bất cứ người công dân Việt Nam nào cũng có thể đặt câu hỏi: Chức vụ tổng bí thư có chịu trách nhiệm trước Quốc Hội bao giờ hay không? Chức vụ tổng bí thư không thuộc ngành hành pháp, làm sao bắt nó phải thi hành một đạo luật của Quốc Hội? Ðiều nào trong Hiến Pháp cho phép Quốc Hội lập một cái ủy ban rồi bắt ông tổng bí thư phải đứng đầu?
Tất nhiên, không người dân nào cũng như không đại biểu Quốc Hội nào dám đặt các câu hỏi đó; những câu hỏi làm cho tất cả các nghị gật đều lộ ra bộ mặt ngớ ngẩn. Thực chất là người ta cũng chẳng cần phòng chống cái gì cả. Mọi hành động, mọi biện pháp họ đang làm chỉ là những thủ đoạn để chống phá lẫn nhau mà thôi. Chuyển giao chức vụ trưởng ban phòng chống tham nhũng từ tay này sang tay khác là để chia sẻ quyền hành giữa các phe nhóm. Còn chuyện việc chuyển giao đó có đúng Hiến Pháp hay không, họ không cần biết! Họ xưa nay vẫn ngồi trên Hiến Pháp, có sao đâu? Còn chuyện mai mốt có ai bài trừ được nạn tham nhũng hay không, họ cũng không cần biết. Gia đình Ôn Gia Bảo bên Tàu, sau 10 năm làm thủ tướng, đã thu góp được tài sản gần ba tỷ Mỹ kim, không lẽ các đồng chí ếch nhái bên ta không theo gót? Dù cái thủ lợn bên ta nhỏ hơn bên Tàu, nhưng vẫn phải phấn đấu tranh thủ lấy mấy miếng chứ?
Vì chỉ nghĩ đến việc phá lẫn nhau để giành phần thủ lợn, họ phải dùng ngay cả cái ủy ban bài trừ tham nhũng làm con dao chém nhau, cho nên mới bày ra những trò hề vô duyên và ngớ ngẩn./.

No comments:

Post a Comment