Monday, November 19, 2012

Lá Thư Tuổi Trẻ - Thư của Kiên Giang gửi đến gia đình dân oan Phạm Thị My

Thứ Sáu ngày 16.11.2012     
Kết thúc chương trinh là chuyên mục "Lá Thư Tuổi Trẻ" do Phùng Kiên phụ trách mỗi thứ Sáu. Kính mời quí thính giả nghe lá thư của Kiên Giang gửi đến gia đình dân oan Phạm Thị Mỹ qua giọng đọc của Hải Nguyên.
Chị thân mến, có lẽ giờ này chị và các cháu đã ngủ say, không biết cái lạnh xứ Bắc có làm các cháu trằn trọc, mất ngủ hay không? Mà không chừng, dù trời đêm nay không lạnh lắm, nhưng đâu đó giữa công viên, những gót giày lạnh lùng xua đuổi cùng tiếng quát tháo đầy bạo lực, cường hào đã làm chị và các cháu thức trắng đêm. Buồn thật phải không chị?
Nhưng biết làm sao hả chị, khi đất nước còn đầy rẫy thương đau, bất công, kẻ mạnh hiếp người cô thế, kẻ có quyền lực thì lại dốt nát, kẻ có tiền thì lòng đầy đen tối bởi phe nhóm, toa rập, kẻ cầm quyền thì lại không hiểu gì về lương tri hay đạo đức. Cũng chính vì thế mà gia đình chị mới ra nông nỗi này. Từ một gia đình hạnh phúc, ấm áp, chan hòa dưới mái ấm bỗng dưng trở thành kẻ vô gia cư, lang thang kiếm sống, lang thang vác đơn đi từ cửa này sang cửa nọ giữa thủ đô. Thật sự, chị và các cháu đã nếm đúng nghĩa nỗi đau khổ của kiếp làm người Việt Nam!
Đương nhiên, em nói vậy không có nghĩa là làm người Việt Nam khổ đến vậy. Nhưng, làm người Việt Nam cũng chẳng sung sướng gì chị ạ, vì sau năm 1945, khi nhà nước phong kiến chấm dứt thời kỳ quyền lực, rồi đến đất nước chia hai miền Nam – Bắc, phía miền Nam có sung sướng hơn, tự do hơn bởi được sống dưới một chế độ biết tôn trọng dân chủ và tiến bộ. Nhưng ở miền Bắc, người dân lại tiếp tục lầm than, đau khổ, bị đấu tố, bị bắt con sung vào chiến trường, bị đói rách để nhường phần nuôi quân cho đến ngày chế độ Cộng sản hoàn toàn bành trướng cả hai miền với danh nghĩa thống nhất đất nước.
Và, đó cũng là lúc dân miền Nam quay trở lại thời kỳ đen tối. Nếu như trước năm 1945, dân miền Nam chịu ách đô hộ của Pháp thuộc và triều đình phong kiến, phải nhịn ăn để đóng sưu thuế, phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt để chống kẻ xâm lăng, cụ thể là giặc Pháp, thì sau năm 1975, họ lại tiếp tục lầm than, còng lưng đóng thuế, đổ cả mồ hôi và xương máu để trả giá cho những tham vọng của kẻ nắm quyền nhưng cơ hội đấu tranh hoàn toàn bị triệt tiêu, vì lẽ, lúc này, không còn kẻ ngoại xâm cụ thể, không còn kẻ thù rõ ràng như trước mà kẻ thù đã đội lốt dân tộc, đội lốt chính quyền, đội lốt những điều tốt đẹp như áo ấm, cơm no, độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc mà tha hồ bóc lột người yếu thế. Trong đó có gia đình chị và những bà con đang cùng chịu lạnh với chị ở công viên giữa thủ đô Hà Nội bây giờ.
Tối nay, em nghe tin cụ bà Hà Thị Nhung, dân oan từ Thanh Hóa đến Hà Nội để khiếu kiện về vấn đề đất đai, vừa đến Hà Nội chưa ráo chân đã bị hành hung cho đến chết. Cái chết của cụ bà ốm yếu, tội nghiệp, cô thế, chỉ biết hy vọng vào sự công bằng và công lý ở chính quyền trung ương vô hình trung làm em sực tỉnh ra rằng trên đất nước này, con người có thể chết bất cứ lúc nào nếu như còn tin vào sự công bằng của nhà nước. Dường như không có sự công bằng hay tự do nào cho con người một khi chế độ này còn tồn tại và tiếp tục lộng hành, đối trá, cư xử với nhau theo kiểu người bóc lột người.
Nếu như những kẻ nắm tiền bạc, khí tài, quyền lực của đất nước biết tôn trọng mạng sống con người, biết yêu quí hơi thở của đồng loại thì làm sao có những cái chết của nhiều người trong tay công an đến vậy. Cái chết trải dài từ nhà giam cho đến đường phố, công viên. Trên một đất nước mà ở đâu có công an, dân phòng, ở đó con người có thể nhìn thấy cái chết thì quả là quá kinh tởm và đáng nguyền rủa phải không chị?
Vì, ngay cả những công an, những con người được đào tạo các kĩ năng để bảo vệ an ninh cho nhân dân, mọi thứ chi phí ăn ở, học hành của họ đều được nhân dân chu cấp, họ được miễn phí một trăm phần trăm học phí, thậm chí chiếc áo họ mặc, đôi dép họ mang trong lúc học tập cũng được nhà nước chu cấp. Mà tiền lấy đâu ra để nhà nước chu cấp cho họ nếu nhân dân không đóng thuế? Ngay cả nhà nước, hay đảng Cộng sản, sở dĩ tồn tại được mấy mươi năm nay cũng nhờ vào bàn tay nhân dân, nhờ vào những đồng thuế từ bó rau, củ khoai, cân gạo, cái trứng cho đến chiếc xe, cái nhà, thậm chí miếng đất mấy mươi đời của gia tộc, khi bán đi, cũng phải đóng thuế trước bạ. Mọi thứ đều đóng thuế, tất cả mồ hôi, xương máu của nhân dân đều tích cóp, dành dụm để làm nên ngân sách quốc gia để rồi cuối cùng, đảng Cộng sản, nhà nước Cộng sản lại trích ngân sách để đào tạo công an, xây dựng quân đội nhằm trấn áp, bắt bớ, thậm chí giết tróc chính nhân dân, người đã nuôi mình!
Đôi khi, nghĩ tốt một chút, em thấy công an, quân đội cũng là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản chị ạ. Vì em tin rằng họ cũng là con người, họ cũng biết giận hờn, thương ghét và đau khổ như chúng ta thôi, thử đặt họ vào hoàn cảnh của chúng ta, họ cũng bị ai đó cướp trắng mọi thứ, họ cũng phải đi kiện tụng và cũng bị đánh đập, trấn áp, để rồi có một người thân của họ phải ngã xuống, chắc chắn nỗi oan uất, đau khổ này cũng làm họ ngã quị như những gia đình dân oan từng ngã quị. Nhưng rất tiếc, họ bị những lời ma mị, lừa phỉnh từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường để rồi bị đánh tráo lý tưởng, thay vì một lý tưởng về đất nước tươi đẹp, sự bình an cho nhân dân, họ bị nhồi sọ để ngộ nhận rằng nhân dân chính là đảng Cộng sản, còn đảng thì còn nhân dân, còn mình. Cuối cùng, không biết tự bao giờ, họ trở thành quân tốt của chế độ, nặng hơn một chút, họ bị kích động, bị thuốc bởi danh vọng, tiền bạc cho đến lúc họ tự biến thành chó săn của chế độ. Cuối cùng, họ trở thành kẻ giết người thuê cho chế độ. Đau khổ, thật là đau khổ khi đất nước phải gánh chịu những thứ nghiệp chướng này!
Tự dưng, bây giờ em lại nhớ các cháu, những đứa trẻ hồn nhiên, mắt sáng và tâm hồn trong veo. Cũng như chị và anh, chúng hoàn toàn tin vào công lý, cái thứ công lý và hy vọng mà lẽ ra ở độ tuổi của các cháu nhỏ, chúng không cần nghĩ đến, chúng chỉ cần vui chơi và học hành thì đằng này lại chịu ngủ lạnh, chịu nằm co ro giữa công viên xa lạ, bữa đói bữa no cùng mẹ cha, mỗi ngày vác đơn, kêu gào đòi công lý. Thật là tội nghiệp cho các cháu, nói đến đây, em thấy cay mắt rồi chị ạ!
Thôi, em dừng bút đây, sáng mai, em sẽ ra quán cà phê, mời mấy người bạn thân cùng uống và rủ họ mỗi người góp một ít quà gửi tặng chị. Chị ơi, nhận được quà, chị nhớ mua mấy chiếc áo ấm cho mấy đứa nhỏ chị nhé, mùa Đông xứ Bắc lạnh lắm, đừng để các cháu bị nhiễm lạnh, nhất là phải ngủ trên nền công viên, thời tiết băng hàn sẽ nhiễm vào cơ thể, sau này, có kiện được hay không được thì chưa biết mà con cái mình lâm bệnh thì đau khổ còn thêm đau khổ đó chị ạ!
Cầu chúc chị, các cháu và những dân oan đêm nay không bị mưa lạnh! Nhờ chị thắp viếng cụ Hà Thị Nhung một nén nhang giùm em chị nhé!

No comments:

Post a Comment