Sunday, November 25, 2012

Tin Tức Chủ Nhật ngày 25.11.2012

Tòa án Văn Giang sẽ xét xử vụ giang hồ khủng bố dân vào 30 tháng 11

Ngày 30 tháng 11 này, Hưng Yên sẽ mở lại phiên tòa xét xử đám côn đồ khủng bố nhân dân Văn giang gây đổ máu vào dạo tháng 7 vừa rồi. Bà con Văn giang qua các trang mạng xã hội cũng rất mong muốn được đón các nhà báo,
các bà con khắp nước về Văn Giang vào ngày 30 tháng 11 này để chứng kiến tòa án của huyện Văn Giang xét xử những tên côn đồ đã khủng bố nhân dân Văn giang gây đổ máu. Được biết phiên tòa dự trù diễn ra vào ngày 9 tháng 11 bị hõan lại vì lý do bị cáo Nguyễn Tuấn Dũng không có mặt tại tòa, có đơn xin hoãn vì lý do sức khỏe. Theo cáo trạng của Viện KSND huyện Văn Giang, khoảng 16g30 ngày 12-7-2012, tại khu vực thôn I, Xuân Quan có một nhóm thanh niên gồm Nguyễn Tuấn Dũng, Đinh Văn Huỳnh, Đinh Văn Hùng, Hoa Văn Bốn, Ngô Công Thái, Nguyễn Việt Cường dùng gậy gỗ dài 1m, đường kính khoảng 3-4cm đánh một số người dân. Cũng cần nhắc lại, trong vụ cưỡng chế thu hồi đất cho dự án xây dựng khu giải trí ecopark tại đây, nhà cầm quyền đã dùng đến hàng ngàn công an, côn đồ để đàn áp nhân dân tại Văn Giang.

Trung Quốc chính thức phát hành bản đồ đầu tiên của "Thành phố Tam Sa" ngoài Biển Đông

Kể từ hôm nay, 24/11/2012, các hiệu sách lớn tại Trung Quốc bắt đầu bày bán bản đồ của thực thể mà họ gọi là thành phố Tam Sa. Đây đơn vị hành chánh mà Bắc Kinh mới thành lập, để cai quản hầu như toàn bộ vùng Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa. Tờ Nhân dân Nhật báo, trích tin từ Tân Hoa Xã, cho biết đây là tấm bản đồ đầu tiên cung cấp các thông tin địa chất của thành phố Tam Sa và các đảo ở Biển Đông. Do một đơn vị chuyên trách của quân đội Trung Quốc thực hiện, và được Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc phê duyệt, bản đồ bao gồm các hình ảnh vệ tinh, các không ảnh, bản đồ hình thể và bản đồ hành chính của thành phố và các đảo. Theo truyền thông Trung Quốc thì bản đồ này nhấn mạnh đến đảo Vĩnh Hưng, nơi đặt trụ sở chinh quyền thành phố Tam Sa, cũng như là 38 đảo chính và bãi đá trong vùng. Đảo này, tên quốc tế là Woody Island - Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm – là đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa. Việc công bố bản đồ Tam Sa là hành vi mới nhất theo chiếu hướng cưỡng đoạt đó, nối tiếp theo các hành động như là cho thành lập cơ quan hành chính, bầu người vào cơ quan này, thậm chí đặt đơn vị quân đội đồn trú ngay tại đấy. Không những thế, Bắc Kinh còn xúc tiến việc xây dựng hạ tầng cơ sở để đưa du khách đến thăm quần đảo Hoàng Sa.

Đáp lại Trung Quốc, Ấn Độ in bản đồ lên thị thực

Ấn Độ đang cho in bản đồ nước mình lên thị thực cấp cho người Trung Quốc – một quan chức Ấn Độ cho biết – sau khi Trung Quốc cũng phát hành những hộ chiếu thể hiện rằng lãnh thổ tranh chấp là của mình. Đây cũng là một hành động khiêu khích mới sau khi Bắc Kinh cho lưu hành hộ chiếu điện tử mới có in hình đường lưỡi bò thể hiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Hành động này của Ấn Độ được tiến hành sau khi Trung Quốc cũng đưa ra hộ chiếu thể hiện Arunachal Pradesh và Aksai China – những khu vực mà Ấn Độ và Trung Quốc đang có tranh chấp. Tờ The Hindu của Ấn Độ cho biết chính phủ Ấn Độ đã quyết định không đề cập vấn đề này một cách chính thức với Trung Quốc. Bắc Kinh đã cố gắng làm dịu bớt căng thẳng từ những tấm hộ chiếu mới phát hành khi một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao cho biết những bản đồ đó "không nhằm vào một nước cụ thể nào cả". Tranh chấp đường biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã là chủ đề của 14 vòng đàm phán không có kết quả kể từ năm 1962 – khi 2 nước có một cuộc chiến tranh đẫm máu ở bang Arunachai Pradesh ở phía đông bắc Ấn Độ.

Biên phòng Việt Nam từ chối đóng dấu thị thực vào hộ chiếu "lưỡi bò"

Ngay sau khi phát hiện công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu in chìm đường lưỡi bò phi pháp để nhập cảnh, Đội Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã thực hiện cấp thị thực rời, không đóng dấu vào hộ chiếu sai phạm. Trung tá Trần Việt Huynh - Đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai cho biết, các hộ chiếu điện tử của Trung Quốc in hình lưỡi bò phi pháp tại các trang 8, 24, 32 và 46. Đường lưỡi bò phi pháp này được in chìm rất tinh vi mà khi nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện. Dấu hiệu ban đầu để phát hiện những hộ chiếu phi pháp này là thuộc đầu E, bìa hộ chiếu có in ký hiệu chip điện tử là những hộ chiếu mới được cấp trong năm 2012. Từ ngày 11/11 đến ngày 23/11, Bộ đội biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã phát hiện hơn 100 hộ chiếu Trung Quốc in hình lưỡi bò. Sau khi tham dự khóa tập huấn nhanh của Bộ Tư lệnh vào ngày 14/11, từ đúng 7h sáng ngày 15/11, biên phòng cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã thực hiện việc cấp đổi thị thực rời với những công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu có in đường lưỡi bò.

No comments:

Post a Comment