Wednesday, November 28, 2012

Tiếng nói của một lão tướng – Văn hóa từ chức và lòng tự trọng

Thứ Hai ngày 26.11.2012     
Làm người ai cũng được dạy dỗ là phải có lòng tự trọng. Quốc gia nào mà toàn dân có lòng tự trọng, biết nhận thức phải trái, có tinh thần trách nhiệm thì đất nước đó sẽ giữ được sự độc lập và niềm mong ước hùng cường là điều không xa lạ và không khó khăn gì để thực hiện . Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả theo dõi bài viết:" Tiếng nói của một lão tướng – Văn hóa từ chức và lòng tự trọng" c ủa ông Nguyễn Trọng Vĩnh qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Đại biểu Dương Trung Quốc hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Thủ tướng có tán thành sẽ khởi đầu cho một sự tiến bộ của Chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức để từng bước đoạn tuyệt với lời xin lỗi không" và ông nêu ví dụ một vị Tổng bí thư có công lớn trong Cách mạng tháng 8-1945, sau khi nhận trách nhiệm về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956 đã từ chức...
Đó là tấm gương về tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng cao. Những việc như thế này nhiều nước trên thế giới người ta đã thực hiện từ lâu, không chỉ ở các nước rất phát triển mà các nước đang phát triển cũng vậy: Năm 2002 ở Sénégal xảy ra vụ đắm phà chở khách làm chết nhiều người thì cả Bộ trưởng Giao thông và Bộ trưởng Quốc phòng đều xin từ chức. Năm 2012, ở Argentina xảy ra vụ tai nạn đường sắt, Bộ trưởng Giao thông xin từ chức. Gần đây, v ào năm trước khi xảy ra vụ sóng thần ở Nhật gây hư hại Nhà máy điện hạt nhân Fukoshima, gây thiệt hại lớn và nguy hiểm cho dân thì ông Thủ tướng Naotokan đã xin từ chức Chủ tịch đảng và Thủ tướng.
Còn ở ta bây giờ Thủ tướng trực tiếp quản lý và chỉ đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước, từ Vinashin đến Vinalines, EVN, v.v. để thất thoát hàng ngàn tỷ của Nhà nước, của dân. Trong nhiệm kỳ điều hành thì để nước ta càng tụt hậu xa so với các nước xung quanh, kinh tế sa sút, hàng hơn 2 vạn doanh nghiệp phá sản, nông dân cực khổ vì mất nhiều ruộng đất, nhập siêu lớn, dự trữ ngoại tệ quốc gia mỏng, nợ nần quá mức, lạm phát cao, tiền mất giá, đời sống nhân dân khó khăn..., tình hình ấy tỏ ra năng lực Thủ tướng quá yếu kém. Nếu Thủ tướng có lòng tự trọng như vừa qua ông lên lớp cho sinh viên Trường Đại học Quốc gia về lòng tự trọng thì ông nên từ chức. Hội nghị Trung ương 6 vừa qua chỉ không xử lý kỷ luật ông thôi chứ có ngăn cản Thủ tướng tự thấy mình sai lầm nhiều và yếu kém mà xin từ chức đâu?
Lại nhớ khi mới nhậm chức Thủ tướng, ông tuyên bố chống tham nhũng quyết liệt, nếu không chống được thì ông sẽ từ chức. Rồi tham nhũng vẫn tràn lan, ông có từ chức đâu?! Phải chăng đấy cũng là không biết tự trọng?
Tôi thấy ông Thủ tướng lảng tránh, không trả lời thẳng vào 2 câu mà đại biểu Dương Trung Quốc hỏi, lại chỉ thanh minh là "...trong 51 năm qua tôi không xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ khác. Mặt khác tôi cũng không từ chối, không thoái thác bất cứ nhiệm vụ gì Đảng và Nhà nước giao phó cho tôi..."
Là Đảng viên, cán bộ ai chả thế. Tôi cũng vậy. 75 năm nay theo Đảng, tôi cũng thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì Đảng giao. Có điều tôi chưa hề làm gì hại cho Nước cho Dân.
Thủ tướng còn nói: "... Bộ Chính trị, BCH Trung ương cũng đã hiểu rõ về tôi, cả về ưu điểm, khuyết điểm, cả về "phẩm chất đạo đức", cả về năng lực, khả năng...".
Nhân dân chả có quyền gì, nhưng cũng theo dõi những người lãnh đạo, người nắm quyền điều hành đất nước qua tình hình thực tế, kinh tế, xã hội và qua cuộc sống của chính gia đình mình. Từ anh xe ôm, anh lái xe taxi, chị bán hàng, bà nội trợ đi mua thức ăn hàng ngày, đến ông nông dân mất đất, thất nghiệp, anh công nhân lương tháng 1 triệu rưỡi so với ông Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế nhà nước lương 80-100 triệu/tháng và đến người đi biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Tổ quốc bị đàn áp... ai nấy đều biết rõ ông Thủ tướng của mình đạo đức, năng lực như thế nào...?
Nguyễn Trọng Vĩnh

No comments:

Post a Comment