Monday, November 19, 2012

Ai đang cầm đầu dây thòng lọng?

Thứ Bảy ngày 17.11.2012    
Lời dẫn: Người dân, với tư cách là những người đã và đang mất đất, là những nạn nhân của sự trục lợi từ các nhà đầu tư. Nhất là họ bị bóc lột thậm tệ và tàn ác bỡi bọn cường hào tư bản đỏ. Tóm lại họ phải tranh đấu để lấy quyền định giá đất về tay người dân. Quyền này nhất định phải được thực hiện v à CSVN phải trao trả lại cho họ. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Đào Tuấn có tựa đề: "Ai đang cầm đầu dây thòng lọng? " sẽ được Hoàng Ân trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Khi chính quyền khắp nơi phải dùng đến chuyên chính vô sản để thu hồi đất dù "đã bồi thường" cho dân, thì việc đó chỉ càng phản ánh sâu sắc hơn tính chất của việc tước đoạt
Kỷ lục về sự chênh lệch giữa giá đất mà các nhà đầu tư bán ngoài thị trường và giá đền bù khi thu hồi của dân là bao nhiêu lần?
35 lần, như báo cáo của Quốc hội?
Không, con số đó chưa phải là mức độ kỷ lục. Một khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đưa ra một ví dụ khủng khiếp về sự chênh lệch giá: Ở Bắc Ninh, giá thu hồi của dân là 200.000 đồng/m2 và giá bán ngoài thị trường là 35 triệu đồng/m2. Gấp 175 lần.
Ngày hôm qua, khi các nhà làm luật "ngồi lại" với cộng đồng doanh nghiệp để tìm cách tháo các nút thắt của luật đất đai, sự chênh lệch khủng khiếp này đã được nói ra lời, và từ dùng nguyên văn là "tâm lý bị tước đoạt". Đúng hơn thì phải bỏ đi hai chữ "tâm lý". Bởi sự chênh lệch giá đang phản ánh hiện trạng người dân "bị tước đoạt" mỗi khi đất đai, từ loại do ông bà tổ tiên để lại, cho đến ruộng vườn, ao hồ, đầm phá- chót lọt mắt xanh nhà đầu tư nào đó. Dương Nội là một điển hình. Văn Giang là một điển hình. Và Vụ Bản cũng là một điển hình khác. Liệu có thể gọi khác đi khi bản chất câu chuyện là những người dân thấp cổ bé họng có tài sản, dù chỉ là quyền sử dụng đất, đang bị buộc phải bán, với giá do người mua ấn định, thông qua nhà nước ban hành. Và khi dân chúng phải đối mặt với cửa quan, cũng là chuyện "vô phúc đáo tụng đình", chuyện con giun xéo lắm cũng quằn. Và khi chính quyền khắp nơi phải dùng đến chuyên chính vô sản để thu hồi đất dù "đã bồi thường" cho dân, thì việc đó chỉ càng phản ánh sâu sắc hơn tính chất của việc tước đoạt.
Nghị quyết trung ương 5, đã đòi hỏi sự Luật Đất đai lần này phải được sửa đổi một cách toàn diện. Nhưng dự thảo, đã được làm đi làm lại từ nhiều năm nay đang chỉ cho thấy "Không có đột phá nào mới hơn so với Luật Đất đai 2003, trong khi vẫn giữ nguyên những hạn chế".
Người dân, với tư cách là những người đã và đang mất đất, những nạn nhân của kỷ lục "âm 175 lần về giá trị", chưa thấy có gì là đột phá đã đành. Nhưng sự lạ đã xảy ra, bởi bản thân cộng đồng doanh nghiệp, những người được coi là bên "dương 175 lần về giá trị" cũng không thể không cất lời than vãn về hàng loạt những "nút thắt" của Luật Đất đai sửa đổi: Đó là việc chưa phân cấp để "ngăn ngừa sự tái xuất của tầng lớp lý trưởng". Đó là việc lẫn lộn khái niệm khi đất vừa là tài nguyên, vừa là tài sản. Và nút thắt lớn nhất: Nguyên tắc giá "phù hợp với thị trường" còn méo mó, mù mờ hơn là "sát với thị trường" như hiện nay. Hóa ra, cả các nhà đầu tư, cả những người mất đất đều đã và đang là nạn nhân của Luật đất đai, với tất tật mọi thứ quyền đều thuộc về nhà nước, về nhà cầm quyền.
Từ sau năm 1999, khái niệm thị trường bất động sản ra đời. Nhưng từ bấy, quyền định giá tài sản, thứ quyền tối thiểu của một thị trường, hoặc ít nhất là việc "được trưng mua", thay vì "bị thu hồi", vẫn là thứ quyền xa vời đối với người dân.
Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra để tháo cái thòng lọng "cơ chế giá" đang thắt quanh dự thảo luật: Nguyên tắc giá công bằng thay cho xác định giá đất phù hợp với giá thị trường; Nguyên tắc đồng thuận, với tối thiểu 2/3 sự đồng thuận của người dân "mất đất", với doanh nghiệp "được đất"; Thay thế cơ chế "thu hồi" bằng cơ chế "trưng mua".... Đây ít nhất cũng là sự tiến bộ hơn nhiều so với sự trì trệ và bảo thủ trong đầu những nhà làm luật đang ngồi tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nhưng nói gì thì nói, bản chất câu chuyện vẫn là quyền được định giá của người dân. Và thứ quyền này chỉ có thể được thực hiện khi nhà nước trao trả lại cho họ, ít nhất là việc để họ được trưng mua với một mức giá thỏa thuận. Mới nói, người đang cầm 2 đầu sợi dây để có thể tháo nút thắt, vì thế, không phải chỉ là những nhà làm luật, mà chính là Nhà nước. Chỉ có điều họ muốn thực sự tháo nút hay không mà thôi.
Đào Tuấn 

No comments:

Post a Comment