Friday, November 30, 2012

Lá Thư Tuổi Trẻ

Thứ Sáu ngày 30.11.2012     
Và bây giờ là chuyên mục Lá Thư Tuổi Trẻ do Phùng Kiên phụ trách. Mời quý thính giả nghe lá Thư Của Hoàng Thị Gửi Những Người Lính Đảo qua giọng đọc của Mỹ Linh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay

Thư của Hoàng Thị gửi những người lính đảo

Các anh thân quí, những giòng thư này xuất phát từ sự ngưỡng mộ và kính trọng của thế hệ chúng em, thế hệ ngồi trên ghế nhà trường, suy tư về tương lai của mình, của dân tộc, đất nước mình, suy ngẫm về tự do, dân chủ, về quyền làm người thay vì bồng súng đứng giữa biển khơi canh giữ vùng trời bình yên cho quốc gia như các anh. Dường như mọi nỗi khổ, mọi sự nguy hiểm và mọi sự trả giá, các anh đã nhận thay thế cho chúng em. Chúng em chân thành cám ơn các anh về điều này!
Các anh, những người lính khoác trên mình chiếc áo màu nước biển, những người thanh niên của đất nước đã giã biệt gia đình, bạn bè, giã biệt sân trường, ghế đá công viên hay cánh đồng bát ngát mùa vàng để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, biển đảo. Các anh đã không sá chi cái chết để giữ những giây phút bình yên cho mọi nhà, mọi gia đình. Dường như trên đất nước này, đi đâu, làm gì cũng nhìn thấy hình hài của cha ông trong từng hạt bụi, nấm đất, trong từng vệt nắng chiều, trong từng ngọn cỏ. Suốt mấy ngàn năm lịch sử, máu của cha ông đã đổ không biết bao nhiêu để chặn đứng bước chân xâm lăng của kẻ ngoại xâm, cụ thể là giặc Tàu phương Bắc.
Như những người lính hải đội Hoàng Sa năm nào thì chính quyền lại đi đêm với kẻ xâm lăng! Nhắc đến những người lính hải đội Hoàng Sa, có lẽ khó mà cầm lòng khi nghĩ đến những ngôi mộ gió nằm rải rác trong sương sớm chiều tà, đâu đó trên biển khơi, đâu đó trên bãi cát vàng quê hương... Những người còn sống tưởng niệm đến các anh linh đã khuất bằng cách nặn những hình nhân đất sét. Những hình nhân có xương bằng tre, nội tạng bằng chỉ đỏ, tim bằng san hô và có kích cỡ bằng với người thật nhưng lại không có tên tuổi. Chỉ có một giòng chữ "tưởng nhớ chiến binh Hoàng Sa, Trường Sa" khắc lên hình nhân như một lời tri âm cuối cùng của người đất liền gửi đến những chiến sĩ anh hùng đã vĩnh viễn gửi xác thân vào biển cả. Máu của cha ông đổ xuống bảo vệ biển đảo, bảo vệ vùng lãnh hải tổ quốc như một cột mốc vĩnh hằng khắc vào lòng biển, khẳng định chủ quyền, hãnh hải quốc gia.
Trong lúc các anh phải thức trắng đêm để canh giữ biển đảo, các anh phải đối diện với cái chết bất kể giờ nào thì đâu đó, trong đất liền, trong những căn phòng sang trọng, chăn êm, nệm ấm, nước hoa, rượu ngoại và gái đẹp, những kẻ nhân danh chính quyền, nhân danh toàn thể dân tộc, nhân danh đất nước lại ngồi bàn thảo về giá cả, về cái được, cái mất của y và gia đình y một khi biển đảo thuộc về tay kẻ khác. Trong lúc các anh trừng mắt nhìn kẻ địch, không cho chúng bén mảng đến phần lãnh hải quốc gia, thì có không thiếu kẻ lãnh đạo đất nước lại toang mở cửa, trải thảm đỏ đón chào kẻ thù. Những công trình thủy điện toàn là là thầu và công nhân Trung Quốc, những khu China beach, những vùng khai thác Bauxite, những khu phố Tàu ở Bình Dương, thậm chí hàng hóa và văn hóa Tàu đã tràn ngập Việt Nam. Đi đâu cũng thấy bóng kẻ xâm lăng, đi đâu cũng nghe xí lô xí là đầy mãn nguyện, kiêu mạn. Vậy xương máu của các anh có bị lãng phí chăng? Những người lính ra sức bảo vệ, những kẻ lãnh đạo thả sức bán nước, đi đêm với giặc. Chuyện thật khôi hài phải không các anh?
Nhưng có một điều làm em tin rằng đất nước này sẽ tốt đẹp và vững mạnh. Vì những chiến sĩ bảo vệ đất nước nói riêng và những chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ, cho tương lai tươi sáng dân tộc nói chung đều là những người trẻ tuổi. Ở đâu có tuổi trẻ, ở đó sẽ nhìn thấy tương lai. Còn những kẻ bán nước, chúng chỉ là những con trâu già cố gắng kéo chiếc ách đi nốt phần tham vọng của chúng, nên chẳng sớm thì muộn, chúng phải đối diện với cái chết, đối diện với pháp đình nhân dân và pháp đình lương tri. Lúc đó, những người trẻ tuổi sẽ nói chuyện với nhau bằng trái tim tràn nhiệt huyết, yêu thương, sẽ nắm tay nhau xây dựng đất nước. Và lúc đó, những người thế hệ sau lại tri âm những người lính đã ngã xuống một kiêu hùng và đôi khi oan uổng.
Sở dĩ nói ngã xuống kiêu hùng mà oan uổng là em đã nhìn thấy điều này ngay trong video-clip trận bãi đá Gạc Ma – Trường Sa. Trong trận đó, vì những người lính Việt Nam không có lệnh bắn, chỉ được quyền cầm cờ đứng trên bãi đá xác lập chủ quyền lãnh hải, nên kẻ thù Trung Quốc tha hồ xả đạn vào các anh, từng người, từng người ngã xuống, máu nhuộm đỏ cả vùng biển. Xem video xong, em đã khóc một hồi lâu, khóc cho sự anh dũng của các anh, mà cũng khóc cho chính sách đối ngoại ngu ngốc của chính quyền cộng sản Hà Nội, vì họ đã nợ nần chính quyền cộng sản Trung Quốc quá nhiều trong những năm trước 1975, họ đã nhận mọi thứ viện trợ của chính quyền Trung Quốc để thực hiện mưu đồ nhuộm đỏ chủ nghĩa cộng sản trên toàn cõi Việt Nam nên cái giá phải trả của họ là Phạm Văn Đồng Phải ký một công hàm bán nước, thay vì lên tiếng bảo vệ chủ quyền quốc gia thì lại chúc mừng, xác lập Hoàng Sa là của Trung Quốc, và càng về sau, khi mà mưu đồ nhuộm đỏ màu cộng sản toàn cõi đã đến gần, thì máu bán nước của chính quyền cộng sản Việt Nam càng lộ rõ. Họ mặc nhiên để cho Trung Quốc hoành hành từ đất liền đến ngoài biển khơi, họ chỉ hô hào suông mỗi khi bị Trung Quốc lấn lướt. Thử đặt ngược vấn đề, nếu bảo rằng vì bảo toàn tính mạng nhân dân, bảo toàn hòa bình khu vực, dùng đối ngoại làm kim chỉ nam để bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải, thì liệu sách lược đó có hợp lý hay không một khi sau Trận Gạc Ma năm 1985, máu của nhân dân, máu của chiến sĩ đã đổ, con em dân tộc bị giết mà thành phố Tam Sa mọc lên ngay trên nền Gạc Ma một cách chễm chệ, thách thức?!
Chúng ta không thể bị người cùng màu da ăn trên ngồi trốc và bán đứng chúng ta phải không các anh?
Chúc các anh luôn mạnh khỏe, rắn rỏi và vững tin vào tình yêu thương, lòng quí trọng dân tộc mà bảo vệ đất nước, biển đảo! Những người lính anh hùng của dân tộc, không phải của chế độ, vì chế độ thì nhất thời, có rồi sụp đổ, dân tộc thì mãi mãi.

No comments:

Post a Comment