Monday, November 19, 2012

Những nông dân bị mất đất ở Tiền Giang sẽ về đâu khi trắng tay?

Thứ Bảy ngày 17.11.2012    
Thưa quý thính giả, Điều 4 hiến pháp quy định rằng đảng CSVN lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tuy nhiên khi đọc kỹ, điều 4 cũng quy định rằng, đảng CSVN chỉ được quyền lãnh đạo nếu họ là đội tiên phong bênh vực quyền lợi của giới công nhân và quần chúng lao động. Ngày hôm nay, CSVN đã rơi mặt nạ, như là một băng đảng liên kết với tư bản trong lẫn ngoài nước, bóc lột giới công nhân và lao động tận xương tủy. Làm như thế, đảng CSVN đã vi hiến và đánh mất quyền lãnh đạo theo điều 4 hiến pháp. Bây giờ toàn dân Việt đã có quyền hiến định đứng lên lật đổ độc tài. Mời quý thính giả theo dõi bài phóng sự của Tâm Cương về cuộc đời của những người dân bị thu hồi đất đai ở khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Đó là câu hỏi không còn riêng lẻ một vài chục ngài, hay vài trăm người nữa, mà là câu hỏi của hơn một ngàn hộ gia đình nông dân miền Tây Nam bộ, thuộc diện mất đất ở khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Họ đang lâm vào đường cùng vì những chính sách hết sức vô lý, đẩy người nông dân vào ngõ cụt của công ty Freeview Industrial limited, khu công nghiệp Tân Hương và ủy ban nhân dân huyện, tỉnh cùng với các cơ quan trung ương đảng Cộng sản Việt Nam.

Sở dĩ nói rằng đây là câu hỏi lớn của hàng vài ngàn con người dưới hàng ngàn mái nhà vì hiện nay vì những người nông dân bị giải tỏa, đền bù để lấy mặt bằng xây dựng khu công nghiệp Tân Hương, trong đó có công ty Freeview Industrial limited, đã không còn đất sống trên mọi nghĩa. Với mức đền bù một trăm năm mươi ngàn đồng trên một mét vuông đất canh tác kèm theo lời hứa nông dân sẽ được về làm công nhân trong khu công nghiệp. Người nông dân đã vui vẻ nhượng toàn bộ phần đất mấy đời sinh sống, nuôi con ăn học và mưu cầu tương lai của mình cho nhà nước mặc dù mức đền bù một mét vuông đất lúc ấy chỉ đủ để mua mười lăm tô hủ tiếu bình dân.
Trung bình, mỗi nông dân có một công đất, tương đương 500 mét vuông. Với giá đền bù như vậy, nếu chỉ để ăn hủ tiếu, họ ăn được trong vòng sáu năm. Đổi mảnh đất nuôi sống mấy đời và cả tương lai để lấy sáu năm ăn hủ tiếu với mỗi bữa một bát, chắn chắn không có người nào đủ dại để đổi. Sở dĩ người nông dân vui vẻ đổi đất lấy hủ tiếu như vậy vì họ tin vào lời hứa từ chính quyền và họ cũng nuôi một ước mơ tươi sáng hơn ở tương lai rằng mình sẽ đỡ vất vả, khỏi phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Nhưng thực tế thì hoàn toàn cay đắng, phũ phàng!
Hiện nay, bà con nông dân phải sống tạm bợ trong những phòng trọ ọp ẹp, nhà đã mất, tiền cũng không còn, nghề nghiệp thì không có hằng ngày bưng vài chiếc bánh chưng, vài trái cóc, trái ổi hoặc che tạm tấm vải bạt thành một quán cơm, bún, bánh mỳ nho nhỏ trước khu vực bên ngoài cổng các công ty để bán kiếm vài đồng mua ký gạo, muỗng dầu tồn tại qua ngày. Nhưng, con đường sống của họ cũng bị cắt những người nghèo mưu sống trong khu vực khu công nghiệp, chuyển họ về chợ cách xa hơn bốn kilomet.
Khi có lệnh cấm như vậy, không những ngươi nông dân bị tuyệt đường sống mà ngay cả công nhân cũng bị thiệt thòi vì họ không thể mua thêm thức ăn bồi dưỡng cho cơ thể với giá rẻ mà chỉ có những người nông dân mới có thể bán được. Với mức lương từ ba triệu đồng đến ba triệu năm trăm ngàn đồng mỗi tháng, cơm trưa chan canh toàn quốc với nước mắm đại dương, những công nhân sẽ khổ sở hơn rất nhiều nếu đi chợ xa, vừa tốn xăng, vừa có giá đắt đỏ vì hàng hóa trong chợ cõng theo cả giá môn bài, giá thuê chỗ trong chợ và nhiều loại thuế khác có trời mới biết.
Sở dĩ nói chính quyền tỉnh và trung ương đã đẩy người nông dân vào ngõ cụt vì không thể có khu công nghiệp này nếu không có sự đồng thuận, xét duyệt dự án của chính quyền địa phương và trung ương. Và càng không thể có những hành vi bắt người vô tội vạ chỉ vì họ buôn bán kiếm sống của công an cấp xã, huyện, tỉnh để bảo vệ quyền lợi cho các tập đoàn tư bản và ném người nông dân vào đường cùng nếu như chính quyền trung ương có một chính sách minh bạch, nhân bản và tôn trọng quyền con người.
Trong hoàn cảnh như hiện tại, người nông dân nói riêng và những người lao động nghèo Việt Nam nói chung sẽ hy vọng được gì vào chính quyền? Xin bỏ ngỏ câu trả lời này, vì nó cũng là dấu hỏi lớn về sự tồn tại của chế độ độc tài, toàn trị và bóng tối của nó phủ lên dân tộc mấy mươi năm nay!

No comments:

Post a Comment