Wednesday, November 28, 2012

Chuyện những người bám biển

Thứ Tư ngày 28.11.2012     
"Góc khuất cuộc đời" là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài.
Mời quí thính giả lắng nghe bài phóng sự Chuyện những người bám biển (kỳ 1) do Việt Trung thực hiện, qua giọng đọc Hướng Dương.

Những cuộc đời rủi may với biển ở Lý Sơn

Lý Sơn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, cách Hoàng Sa 123 hải lý. Dân số Lý Sơn xấp xỉ hai mươi tám ngàn người, trong đó, gồm những con cháu của lưu dân thời nhà Nguyễn, con cháu của những người lính Hoàng Sa thời cổ xưa, cộng với những người mới ra đảo sinh sống trong những năm gần đây. Phần lớn dân đảo làm nghề đánh bắt xa bờ, những người còn lại như phụ nữ, trẻ em thì trồng tỏi, trồng dưa gan. Dù thi thoảng trúng mùa, kiếm được khoản tiền kha khá nhưng cuộc sống của họ khá vất vả và nguy hiểm.
Vất vả, đó là do những người từ đất liền ra nhận xét về họ, chứ bản thân họ không thấy mình vất vả vì đã nhiều đời, nhiều thế hệ quen với sóng gió, với bão biển, với những lần ra khơi một đi không trở lại, và hơn hết, với tất cả sức lực dồn vào tay lưới, bánh lái, đói khát giữa mênh mông đại dương để tiếp tục sinh tồn. Cái giá họ trả là tất cả sinh lực, những gì họ nhận được là những con cá, con mực rủi may. Nhưng họ lại không thấy mình khổ, có lẽ, khi sự khổ cực đã lậm vào máu huyết, đôi khi, điều đó trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của họ, chính vì vậy, có ai đó lỡ lời nói rằng họ khổ, họ sẽ lấy làm lạ và buồn cười vì nhận xét ấy.
Lúc chúng tôi đến Lý Sơn cũng là lúc những ngày biển động vừa dứt, nhà thuyền chuẩn bị ra khơi. Theo một ngư dân cho biết thì mùa cá năm nay không hấp dẫn cho ngư dân như những năm trước, vì ngư trường chủ yếu của ngư dân Lý Sơn là Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng bây giờ, đi bất kì chỗ nào trong khu vực Hoàng Sa, Trường Sa cũng là nguy hiểm vì có thể bị Trung Quốc bắn chìm tàu bất kỳ giờ nào.
Đó là chuyện của những năm gần đây, còn những năm 80 của thế kỷ trước, chuyện tàu Trung quốc bắn chìm tàu, bắt bớ ngư dân Việt Nam ít xãy ra hơn, những thời đó ngư dân cũng chẳng sung sướng gì. Chuyện đi lặn hải sâm bị tai nạn nghề nghiệp cũng là chuyện xãy ra như cơm bữa. Câu chuyện của ngư dân Lý Sơn yêu cầu giấu tên sau đây cũng là một trong những chuyện đau lòng mà cuộc đời ngư dân bám biển nếm trải.
Nỗi nguy hiểm rình rập ngư dân Việt thì khỏi phải nói, có nhiều nguyên nhân, từ chỗ tàu có công suất nhỏ, không thể vượt sóng lớn cho đến công cụ làm nghề yếu, dự báo thời tiết không chính xác của cơ quan khí tượng thủy văn Vệt Nam. Dự báo thời tiết tồi là chuyện đáng sợ nhất của ngư dân, gần đây, dựa vào công nghệ internet, ngư dân liên lạc bằng icom về gia đình, người trong gia đình họ sẽ truy cập tin dự báo thời tiết của các cơ quan khi tượng thủy văn Mỹ, Nhật Bản, Canada để nắm bắt tình hình biển. Mặc dù phải đóng kinh phí cho việc duy trì và đảm bảo dự báo thời tiết đầy đủ của cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam nhưng không có một ngư dân nào tin vào cơ quan này. Mỗi lần thuê song icom để gọi về nhà, họ tốn chừng năm mươi ngàn đồng cho một phút, nhưng họ chấp nhận làm vậy mới hy vọng giúp họ tránh được thiên tai.
Đó là chưa kể đến trong những ngày gần đây, theo thông tin của một số cảnh sát biển Việt Nam mà chúng tôi tiếp xúc thì Trung Quốc đã đưa tàu hải giám vào khu vực khả nghi có mỏ dầu cách Lý Sơn chưa đầy 20 hải lý. Điều này càng gây khó khăn và nguy hiểm gấp bội cho ngư dân Việt Nam.
Khi ngư dân bị Trung Quốc bắt tàu, nếu họ khai rằng tàu do gia đình họ tự đóng để ra khơi, họ chỉ bị tịch thu tài sản, bị nhốt một thời gian và thả về nước. Nhưng nếu như họ tiết lộ thông tin rằng đây là tàu có nhà nước Cộng sản Việt Nam hỗ trợ, thì họ sẽ bị đánh đến thương tích. Thậm chí có người bị nội thương, về nhà một thời gian ngã bệnh rồi chết.
Vì sao khi ngư dân khai rằng tàu có hỗ trợ từ nhà nước thì bị đánh đập dã man? Xin dành câu trả lời trong nhưng kỳ tới!

No comments:

Post a Comment