Saturday, November 10, 2012

Lá Thư Tuổi Trẻ

Thứ Sáu ngày 09.11.2012     
Thư của con gái Nguyễn Phương Nga gửi mẹ!
Hà Nội đêm nay lạnh mẹ ạ, cái lạnh nhè nhẹ nhưng cho cảm giác giá rét len lỏi, ngấm dần vào da thịt, làm cho con người thấy mình nhỏ nhoi, cô đơn và hiu quạnh trước nỗi mênh mông của cuộc đời. Chiều nay, như lời mẹ dặn, con đến thăm những người bạn con chưa từng quen biết. Nhưng mẹ bảo rằng họ là bạn của mẹ, họ là bạn của con và họ là bạn của những ai còn biết yêu thương con người, những ai còn có đôi bàn tay ấm để áp lên mặt mỗi khi giá rét, buồn đau.
Mẹ ơi, con cám ơn mẹ về điều này, mẹ đã cho con thấu nhiểu được thế nào là giá trị làm người. Chiều nay, trên công viên Lý Tự Trọng, giữa tấp nập ngựa xe, giữa thủ đô tráng lệ, giàu có, hào nhoáng, giữa khuôn viên toàn cây xanh, biệt thự cao cấp, tòa nhà nguy nga của văn phòng chính phủ này, phủ chủ tịch nước kia, lăng nọ... Họ, những người dân oan ngồi nhỏ nhoi giữa phố, họ mệt mỏi, ốm yếu, xanh xao, gầy gò. Con muốn khóc khi nhìn thấy họ ngồi ăn cơm, mặc dù trên gương mặt họ, nghị lực, tình yêu thương, sức mạnh ý chí vẫn toát lên mạnh mẽ, mỗi người họ như một ngọn lửa sưởi ấm công viên giá lạnh. Nhưng không hiểu sao trên gương mặt họ, nỗi buồn lưu vong nào đó từ tiền kiếp cứ hiện về. Họ đã lưu vong ngay trên mảnh đất khu vườn nhà họ, họ lưu vong ngay trên quê hương, họ lưu vong ngay trên đất nước yêu dấu này. Vì sao thế hả mẹ của con?
Con thật là buồn, khi con đến, phía bên kia đường là đầy rẫy, lớp lớp công an xếp hàng, ngồi trên xe, đứng dưới đất, rồi cả dân phòng, công an mặc thường phục, nhìn đâu cũng thấy công an, tứ bề an ninh bao vây những con người yếu ớt, không một tấc sắt trên tay. Ở quê nhà, họ đã thiệt thòi, bị đẩy ra khỏi xã hội, từ một người có nhà có cửa, có mái ấm, họ bị ném ra đường thành kẻ vô gia cư một cách không thương tiếc bởi bàn tay cướp bóc, lạnh lùng của những tên quan tham. Hết đường sống, họ tìm ra thủ đô, nơi mà họ còn hy vọng sẽ có một ai đó trong chính phủ, trong chính quyền trung ương nghe thấu nỗi oan sai của họ. Nhưng không, không có ai lắng nghe nỗi đau khổ, oan trái của họ cả, nhà nước đã xua công an và chó đến tiếp những người dân oan, thay vì nhận đơn, giúp người dân mau trở về nhà tìm lại sự công bằng thì nhà nước, chính quyền cộng sản đáp lại những tiếng kêu oan bằng cách bắt bớ, xua đuổi và quát tháo, chẳng khác nào cách đối xử của thú vật không có tình người. Con thật sự kinh tởm mẹ ạ!
Mẹ ơi, con đã nhớ rất kĩ lời mẹ dặn, con đã dành hết những đồng tiền mình có được trong túi để tặng họ. Thật sự, lúc đầu, con rất hoang man vì điều này bởi con tự đặt câu hỏi: Không biết tặng họ như vậy lấy gì mình tiêu? Không biết mình tặng như vậy có bị công an bắt bớ hay không? Nhưng sau một lúc suy nghĩ, con quyết định làm theo lời mẹ dặn, không có gì phải lo sợ nữa. Tại sao con phải sợ khi chìa bàn tay còn biết yêu thương để tặng quà một ai đó?!
Mẹ biết do đâu mà con hành động quyết đoán như vậy không? Là vì lúc ấy, con nhớ đến mẹ, nhớ đến lời mẹ từng dạy con rằng, làm người, ai cũng có đôi bàn tay, sứ mệnh của đôi bàn tay tuy rất nhiều nhưng chung qui chỉ có ba sứ mệnh lớn nhất: Cầm nắm, úp, ngửa và phủi. Mẹ nói rằng bàn tay con sinh ra để cầm, nắm lấy bàn tay khác mà đi vào cuộc đời, thấy mình không cô đơn, bàn tay cũng biết úp xuống, trao tặng, ban tặng cho một bàn tay khác đang ngửa ra chờ đợi, lạnh lẽo giữa cuộc đời. Và, trong đời sống mênh mông này, có một lúc nào đó, con thấy cô đơn, con thấy buồn, con thấy mình yếu đuối, con hãy đừng tự ái, chìa bàn tay ra phía trước, ngửa ra như một lời thỉnh cầu, đồng loại, bạn bè sẽ úp bàn tay ấm áp của họ lên để chia sẻ với con. Và, cuối cùng, sau bao nhiêu năm sống trên cuôc đời này, còn gì nữa đâu, một ngày nào đó, con lại vốc một nắm đất hay cầm một cành hồng, buông lên nắp quan tài người thân và phủi hai bàn tay vào nhau như một lời tiễn biệt cuối cùng. Cuộc đời vốn mong manh và buồn tủi như vậy, con hãy để hai bàn tay làm cho cuộc đời con trở nên ấm áp, đáng yêu và đáng sống...
Mẹ ơi, con đã nhớ lời mẹ dặn, con đã nhìn thấy những bàn tay gầy gò, xanh xao đang chìa ra chờ đợi những bàn tay ấm áp khác nơi góc công viên, giữa thủ đô. Và con cũng đã nhìn thấy những bàn tay lạnh lùng xua đuổi đồng loại ra khỏi nơi trú ngụ cuối cùng, đẩy họ vào đêm lạnh, đẩy vào đường cùng, sống không ra sống, chết không ra chết. Cũng là bàn tay cả thôi, nhưng có bàn tay mang lại ngọn lửa ấm áp, bởi trong bàn tay ấy chứa dòng máu yêu thương của con người, và có những bạn tay đã đông cứng, khô khốc vì mất hết tính người.
Con cám ơn mẹ thật nhiều, mẹ đã cho con bài học rất lớn, con cảm thấy hạnh phúc lắm mẹ ạ, hạnh phúc đến rơi nước mắt khi bắt gặp những ánh mắt sâu thẳm, buồn tủi và xanh xao vì mất ngủ, vì tuyệt vọng chìa ra nhận lấy tấm lòng của con, nụ cười ấm áp, hơi run của họ nở ra trên môi làm con cảm nhận được hình như trong tim con, một giọt máu yêu thương bắt đầu nở dần, chạy dọc theo huyết quản, chảy xuống lòng bàn tay. Con thấy yêu quí và kính trọng họ vô cùng mẹ ạ. Ôi đất nước, ôi những người dân oan quả cảm, ôi những kẻ cường quyền! Đến bao giờ bàn tay bạn biết nắm lấy bàn tay khác? Đến bao giờ bàn tay bạn chìa ra bằng những yêu thương? Đến bao giờ bạn sực tỉnh, thấy rằng mình cần phải ném nhanh chiếc còng số tám lạnh lùng, vì mình là con người, một bàn tay con người có máu ấm và một con người có nước mắt mặn chát!
Đến bao giờ? Câu hỏi ấy cứ day dứt, vang vọng, luân chuyển trong máu huyết con mẹ ạ!
Cầu chúc những người dân oan tối nay bớt lạnh vì tấm lòng này cùng nhiều tấm lòng khác đang hướng về họ!
Cầu chúc cho những em bé theo cha mẹ đi kiện trên công viên thành phố sớm có nhà để vui chơi, để ngủ một giấc an lành và để mỗi sớm đến trường như bao trẻ em khác!
Cầu chúc mẹ sống thật lâu, thật khỏe để nhắc nhở con làm người!
Con của mẹ!

No comments:

Post a Comment