Thursday, May 2, 2019

Dòng Thơ Máu Lệ Tháng Tư

Thi Ca Yêu Nước

Ngô Quốc Sĩ
Thi ca không hẳn chỉ để thưởng ngoạn, mà còn là vũ khí đấu tranh hữu hiệu. Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã khẳng định vai trò thi ca trong công cuộc đấu tranh cứu nguy Tổ Quốc: “Tất cả suy tàn, sức thơ vô hạn.Thắng không gian và thắng cả thời gian”. Thật thế! Thơ đi sâu vào lòng người, nung nấu tim người, khơi đậy lòng yêu nước, đốt lên ngọn lửa đấu tranh, cuộn lên thành bão lửa có thể thiêu rụi chế độ phi nhân phản tiến hóa..
Trong dòng thi ca đấu tranh, người ta thường nhắc tới các nhà thơ trong nước như Bùi Minh Quốc, Phan Huy, Trần Vàng Sao, cũng như các nhà thơ ngoài nước như Tô Thùy Yên, Trần Trung Đạo, Văn Nguyên Dưỡng…Đặc biệt, mùa tưởng niệm Quốc Hận, dòng thi ca Việt lại hằn lên vết thương nhức buốt qua những vần thơ đầy máu lệ rực lửa đấu tranh..
Trước tiên  Ngô Minh Hằng đã cháy lòng nhìn thấy những dòng nước mắt tuôn chảy trên má trong mắt dân Việt mỗi lần tháng Tư về. Hà Nội có vỗ ngực là “kẻ thắng cuộc”  tổ chức ăn mừng “Đại thắng mùa xuân”, thì toàn thế dân Việt chỉ thấy ngày 30 tháng 4 là ngày tang tóc, nhận chìm đất nước xuống vũng lầy tối tăm:
Tháng Tư ! Lại tháng Tư buồn !
                   Nhớ quê lòng cháy, mắt tuôn lệ nồng
                   Giọt đau vì núi, vì sông
                   Giọt buồn ý kiếm tình cung lỡ làng …
Tháng tư  buồn! Máu vẫn tiếp tục nhỏ xuống trên quê hương. Bao oan khiên đã phủ xuống đầu dân tộc, trùng dương pha máu, rừng xanh nhỏ lệ, thương cho thân xác thuyền nhân trôi theo bọt sóng, hay thi thể tù nhân vùi lấp nơi rừng thẳm, nỗi đau trải dài  tận ngàn thu:
                     Tháng Tư, ôi, tháng Tư buồn !
                   Máu đào đỏ sóng trùng dương mấy tầng
                   Rừng xanh nhỏ giọt lệ thầm
                   Một lòng mộ hẹp, mấy thân xác tù !
                   Đau này còn đến thiên thu
                   Nỗi oan chưa giải, hận thù chưa nguôi !!! 
          Hận thù chưa nguôi, bởi lẽ quê hương vẫn tiếp tục rẫy chết trong tay ác qủy. Oan chưa giải, vì dân Việt tại quê nhà vẫn bị hành hạ trong tù nhỏ cũng như tù lớn, và dân Việt hải ngoại vẫn sống kiếp tha hương lạc loài:
                   Đất nước tôi vẫn trong tay ác qủy
Và nhà tù vẫn chật kẻ hiền lương
Bao triệu người vẫn sống kiếp tha hương
Lòng vẫn đắng vẫn đau Ngày Quốc Hận
          Đồng cảm với Ngô Minh Hằng, Hoàng Phong Linh cũng ghi khắc nỗi uất hận tháng Tư như vết thương không thể chữa lành. Vành khăn tang vẫn còn nguyên đó sau hơn bốn muơi năm miền Nam lọt vào tay cộng sản, cánh cửa tự do khép lại, dân Việt hụt hẫng rơi vào đêm đen:
                   Hơn Bốn Mươi  vành khăn tang
                   Trên đầu tôi quấn chặt.
                   Lòng lính đau quặn thắt
                   Rụng xuống mặt trời đen.
          Thật mỉa mai! Ai đó đã bị đầu độc hay vô tình, vô tâm vô cảm, nhẫn tâm coi ngày quốc hận là “Ngày thống nhất đất nước”, ngày chiến thắng của “chủ đạo dân tộc” hay thậm chí là “Ngày giải phóng” trong khi dân Việt phải gục đầu tưởng niệm ngày tang tóc, khóc thương cho tự do rẫy chết, nghẹn ngào nhìn quê hương  tan nát, vật vờ trong thác lũ cuồng phong:
Từ thuở ban khai, xuyên rừng sâu núi dữ
Mẹ dắt Con đi, vạn nẻo thăng trầm.
                   Cầm tay Con tô đậm nét Từ Tâm
                   Khuyên dựng Nước , trời Nam luôn Tự Chủ.
                   Nhưng giờ đây, như cuồng phong thác lũ
                   Trên quê hương bao tội ác tuôn dòng.
           Theo Lê Chân, ngày 30/4 là ngày đoạn trường, tủi nhục. Dân Việt phải cố nuốt hờn căm, òa khóc cho quê hương điêu tàn:
Anh ơi ! Tháng Tư đen
Ngày ba mươi đoạn trường !
Anh nuốt hờn tủi nhục,
Em suối lệ trào tuôn.
          Tháng Tư là tháng Tư Đen. Ba Mươi tháng Tư là ngày trăng sao tắt lịm, quê hương phủ màu tang. Cơn quốc nạn đã biến đất mẹ thành đất chết:
Anh ơi ! Tháng Tư đen
Tháng Tư cơn Quốc nạn
Trời đất cùng kinh hoàng,
Tháng tư phủ mầu tang.
Cũng như Lê Chân, Dương Thượng Trúc đã gọi ngày 30 tháng 4 là ngày tang tóc. Vành khăn tang mãi còn nhỏ máu trên đầu dân tộc, nhất là tuổi trẻ Việt Nam lưu lạc bốn phương:
Tháng tư Tổ Quốc phủ màu tang.
Dân tộc đau thương oán hận tràn.
Tủi phận nam nhi đời lữ thứ.
Hướng về quê mẹ lệ chứa chan…
Với Vĩnh Liêm, 30 tháng 4 là ngày lịch sử sang trang, qua cuộc đổi đời bi thảm, đất nước điêu linh, dân tộc tan tác, nghẹn ngào ly cách dòng sữa mẹ ngát thơm:
Chuyện bi thảm của Miền Nam bức tử,
Là chuyện buồn của lịch sử sang trang.
Là niềm đau uất hận đã dâng tràn,
Là ly cách muôn đời dòng sữa Mẹ.
          Qua dòng thơ của Thế Huy, chúng ta lại cảm thấy vết thương quốc hận mãi còn đó như những giọt máu đọng, làm thâm tím cả chuỗi ngày còn lại của dân Việt trong kiếp lưu đày.Tác giả đã muốn  thét lên tiếng căm hờn uất nghẹn, kêu gọi dân Việt quyết tâm bẽ gãy xiềng xích  đày đọa dân Việt trong địa ngục đỏ:
                   Nay ba mươi tháng Tư
                   Hét cao lòng căm-phẫn
                   Của năm tháng tội-tù!
                   Sao cúi đầu ẩn-nhẫn? 
          Cùng với tiếng thét của Thế Huy, Hoàng Phong Linh đã lớn tiếng kêu gọi dân Việt đứng lên đập tan bạo cường, dựng lại mùa xuân dân tộc. Mùa xuân nở hoa nhân bản muôn màu. Mùa xuân óng ánh trên những trang sử mới:
                   Đất Nước hồi sinh giữa trời Xuân muôn vẻ
                   Như nghìn xưa theo Mẹ lúc lên non.
                   Hoa Nhân Bản, viết lại Sử vàng son
                   Dâng lên Mẹ – xin vuông tròn Đạo Lý.
          Trần Văn Lương cũng đã biểu tỏ niềm mong ước sớm dành lại non sông trong tay bạo cường, để dân Việt thoát cảnh đọa đày, chấm dứt khổ nạn:
                   Nước nhà đã khổ đau vô hạn,
                   Mãi liên miên kiếp nạn chất chồng.
                   Mong sao giành lại non sông,
                   Để dân thôi phải ngóng trông mỏi mòn
          Ngô Minh Hằng kiên vững hơn. Bà nhất định tin tưởng sẽ có ngày bình minh rạng rỡ trên quê hương dấu yêu:
                   Rồi sẽ bình minh rực tháng Tư
Quê hương nhất định hết lao tù
Cờ Vàng tô thắm khung trời Việt
Tổ quốc vinh quang, sạch bóng thù
          Thế đó! Thơ giải tỏa uất hận. Thơ cũng là tiếng gọi lên đường, là tiếng trống xuất quân, như thể “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt” khởi đầu cuộc cách mạng dân chủ, giải cứu tổ quốc trong cơn nguy khốn..
NQS, MN và HS xin hẹn gặp quí thinh giả trong TCYN lần tới.

No comments:

Post a Comment