Thursday, May 23, 2019

TIM CON DÂNG MẸ

Thi Ca Yêu Nước

Ngô Quốc Sĩ
          Lòng con yêu mến mẹ sinh thành, cũng như nỗi lòng dân Việt dâng cho mẹ Việt Nam thật tha thiết. Trần Trung Đạo đã “thưa mẹ con đi” và “đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”. Thái Tú Hạp thỏ thẻ “mẹ khổ đau yêu dấu mẹ Việt Nam” và “Mẹ nghìn năm vẫn là mẹ Việt Nam”. Nguyễn Tấn Ích than thở “Đất Mẹ đêm dài ngày khô hạn”. Còn Hoàng Phong Linh cũng đã dõng dạc thưa “mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây”. Hôm nay, trong tâm tình hướng về quê hương khổ đau, nhà thơ lại đem “Nỗi lòng dâng mẹ Việt Nam”, với những vần điệu thật tha thiết, như tiếng lòng thổn thức..

Là một chiến sĩ từng mở đường về nước chiến đấu, Hoàng Phong Linh đã trải vào thơ những nhức nhối của một người con yêu đã phải xa mẹ trong cơn ác mộng kéo dài đã 43 năm. Hôm nay vết  thương  còn rỉ máu, và con của mẹ vẫn lênh đênh nơi đất lạ quê người như con thuyền không bến:
Bốn mươi ba năm rồi
                   Con vẫn đi tìm Mẹ.
                   Vết thương mồ côi còn hoen máu lệ
                   Bao đêm ác mộng bùng lên.
                   Giữa trùng dương thuyền như lá lênh đênh
          Lênh đênh như chiếc lá giữa trùng dương bát ngát, Hoàng Phong linh không những nhớ mẹ, thương mẹ, mà còn anh dũng giã từ cuộc sống tạm dung nơi đất hứa, trở về quê hương đọa đày để được  ôm tay mẹ:
Con quỳ lạy khi tầm xa quê cũ.
                   Trời lưu vong tượng đá đầy rêu phủ
                   Góc công viên con gọi Mẹ, đâu rồi ?
                   Con đã về  :  tìm hơi ấm trong nôi
                   Ôm tay Mẹ, sống nguyên đời thơ dại.
          Nhưng mộng lớn đã không thành. Con đã sa cơ vào vòng lao lý. Cuộc sống tù đày không làm con nản chí bỏ cuộc, mà càng làm con cảm thấy gắn bó với mẹ hơn, luôn luôn thấy có mẹ bên mình, mở rộng vòng tay nồng ấm an ủi vỗ về:
                   Viên gạch lót đường, xuyên rừng đêm biên ải
                   Phút sa cơ, con thấy Mẹ bên mình.
                   Đời trung niên hằn dấu ấn điêu linh
                   Trong ngục tối, máu đen thành mực viết.
Thế rồi, thoát khỏi vòng lao lý, trở ra hải ngoại, tiếp tục cuộc sống  lưu vong, nhà thơ lại ngậm ngùi nhìn về đất mẹ mà lòng quặn thắt. Sau bao năm gọi là độc lập thống nhất, nay quê hương vẫn khốn khổ lầm than. Ngoại trừ thiểu số con cha cháu ông, sống phè phỡn trên ngai vàng, thì dân Việt vẫn đói cơm, mẹ Việt Nam vẫn áo rách cằn khô:
                   Rồi hôm nay, nhìn lại cảnh quê hương
                   Con vẫn thấy Mẹ cằn khô áo rách.
                   Tóc bạc cuối đời, con vẫn xin làm gạch
                   Lót đường đi cho thế hệ Em-Con.
          L àm gì đây? Muốn làm gì thì trước hết cũng phải sống, dù sức cạn chân mòn cũng không thể ngã qụy, xin mẹ nâng đỡ con chỗi dậy để tiếp tục chiến đấu và quay về sát cánh mẹ. Dù cô đơn vì bạn bè đã lìa xa, dù cảm nghiệm được thế cuộc vô thường, tim con vẫn gắn bó với quê hương như cá hồi tìm lối về nguồn:
                    Xin Mẹ thương con, dù sức yếu mỏi mòn
                   Nâng con dậy, không quay đầu bỏ cuộc.
                   Bạn bè con theo tuổi đời bay vút
                   Bóng cô đơn còn lại giữa đêm trường.
                   Dù ngày mai theo tiếng gọi Vô Thường
                   Hồn con vẫn cá Hồi quay tìm Mẹ.
Như một lời hứa, con sẽ dốc toàn lực của tuổi hoàng hôn nguyện  trở về hiệp lực với giới trẻ trong nước đang trực diện với khổ đau, thách đố bạo quyền, đòi lại quyền làm người cho dân tộc:
                   Con sẽ về – hòa chung cùng Tuổi Trẻ
                   Thét vang lên đòi lại Quyền  LàmNgười.
                   Đồng hành bên nhau, vang vọng tiếng cười
                   Quỳ ôm Mẹ giữa trời Xuân Dân Tộc.
                   Tuổi hoàng hôn, con không còn tiếng khóc
                   Nhưng vẫn còn nguyên vẹn máu hồng tim.
           Nhà thơ quyết tâm trở về với một sứ mệnh cao cả, chứ không giống như một số người vong bản mất gốc, vô tâm và vô cảm  trước nỗi đau chất ngất của dân tộc, rủ nhau về Việt Nam không phải chỉ để thăm quê hương hay thân nhân,  mà cốt để khoe khoang và hưởng thụ:
                   Con không về – khoe cảnh sống ấm êm
                   Nơi xứ lạ lãng quên hồn Tổ Quốc.
                   Không làm khách nhàn du giữa nguồn đau Dân Tộc
                   Thản nhiên nhìn bao bạo ngược tàn hung.
Nhà thơ quyết trở về,  không phải như “áo gấm về làng” để khoe khoang, mà chỉ ôm ấp một tâm nguyện. Đó là tâm nguyện lau khô nước mắt mẹ Việt Nam:
                   Đến cuối đời xin tâm nguyện cùng chung
                   Bao thế hệ lau khô dòng lệ Mẹ.
           Trở về  để lau khô nước mắt mẹ qủa là một sứ mệnh cao cả, như thể Kinh Kha mang kiếm sang Tần diệt trừ bạo tặc, dựng lại mùa xuân có hoa nhân bản, có sử vàng son, có tròn đạo lý:       
                   Đất Nước hồi sinh giữa trời Xuân muôn vẻ
                   Như nghìn xưa theo Mẹ lúc lên non.
                   Hoa Nhân Bản, viết lại Sử vàng son
                   Dâng lên Mẹ – xin vuông tròn Đạo Lý.
                   Phút tàn hơi chỉ mong lòng toại ý
                   Được quỳ hôn từng mảnh đất Quê xưa.
          Đó là món qùa cho quê hương, không phải là vuông vải thô để may ao trắng cho cha ra pháp trường hay cho chị quấn khăn tang, mà bằng tâm nguyện diệt trừ bạo tặc, mở đường tương lai, để dân Việt thôi dãi dầu nắng mưa, ngẩng đầu nhìn thế giới văn minh, hòa nhịp cùng 5 châu tiến bước:
                   Đàn Cháu Con thôi dãi nắng dầm mưa
                   Trời lại sáng, đường tương lai rộng mở.
                   Ngẩng cao đầu, nhịp hòa chung hơi thở
                   Cùng năm Châu sống đẹp với Nhân Quyền.
          Đẹp thay và hãnh diện thay! Máu Lạc Hồng còn nóng. Tim Phù Đỗng còn ấm và chí Hưng Đạo còn nguyên. Dân Việt dù tản mác năm châu bốn biển, vẫn luôn luôn ấp ủ một ước mơ, khắc tâm một lời nguyền trở về dựng lại quê hương, như thể người Do Thái trong thời lưu lạc, đã từng chào nhau bằng lời thề gặp nhau tại Jerusalem:
                   MẸ VIỆT NAM ! Cho con vẹn lời nguyền
                   Chung góp sức, trọn đời xin dâng Mẹ !.
                   Hơn bốn mươi năm, trầm luân dâu bể
                   Vẫn nguyện tình chung thủy với Quê Hương.
Là một tâm nguyện, một lời thề. Đó không phải chỉ là lời nguyền của nhà thơ Hoàng Phong Linh, mà là lời thề của toàn dân Việt, trong nước cũng như ngoài nước, quyết giải trừ bạo tặc, dựng lại quê hương, lau khô nước mắt Mẹ Việt Nam..
NQS, MN, BC và HS xin hẹn quí thinh giả trong TCYN lần tới

No comments:

Post a Comment