Friday, May 10, 2019

Tin Tức: Thứ Năm 09.5.2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh Đồng Tâm trình bày sau đây.

HỖN LOẠN KÉO DÀI CẢ NGÀY TẠI TRẠM LỘ PHÍ HÒA LẠC – HÒA BÌNH
Vào hôm qua, thứ Tư 8/5, làn sóng chống đối trạm lộ phí Hòa Lạc – Hòa Bình lại gia tăng cường độ, dẫn đến sự hỗn loạn kéo dài cả ngày, khiến giao thông hoàn toàn tê liệt trên quốc lộ 6.

Mặc dù đã xả trạm, giới tài xế và cư dân chung quanh vẫn tiếp tục yêu cầu chủ nhân trạm Hòa Lạc phải giảm thêm lộ phí. Cho đến chiều tối hôm qua, xe cộ vẫn xếp hàng dài cả chục cây số trên quốc lộ 6 vì không thể đi xuyên qua trạm Hòa Lạc.
Trạm lộ phí Hòa Lạc được thiết lập nhằm thu hồi số vốn hơn 100 triệu Mỹ kim mà một nhà thầu đã chi ra để xây tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình và nâng cấp quốc lộ 6 từ năm 2014. Cả hai đoạn đường có tổng chiều dài hơn 56 cây số, được hoàn tất vào cuối năm ngoái. Theo hợp đồng ký kết với nhà cầm quyền, chủ nhân dự án sẽ thu lộ phí trong vòng 27.5 năm.
Như tin đã loan, vào ngày 3/5, trạm Hòa Lạc bắt đầu thu phí nhưng ngay lập tức vấp phải sự chống đối của người dân vì mức phí quá cao.
DÂN QUẢNG NGÃI CHẶN XE RA VÀO KHU CÔNG NGHIỆP QUẢNG PHÚ
Vào hôm qua, thứ Tư 8/5, người dân phường Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi, đã thiết lập chướng ngại vật và giăng biểu ngữ chặn xe cộ ra vào khu công nghiệp Quảng Phú để phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhiều ngày trước, một mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ trạm xử lý nước thải của khu công nghiệp Quảng Phú, khiến người dân không thể chịu đựng nổi vì đã quá nhiều lần than phiền với nhà cầm quyền nhưng vẫn không ai giải quyết. Theo giải thích của nhà cầm quyền tỉnh Quảng Ngãi, trạm xử lý nước thải Quảng Phú được xây dựng từ năm 2012, với phí tổn 2 triệu Mỹ kim, nhưng sau vài năm hoạt động đã trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Cuộc phong tỏa vào hôm qua diễn ra suốt nhiều giờ trước khi lực lượng công an kéo đến trấn áp hàng trăm người dân phường Quảng Phú và tháo gỡ các chướng ngại vật trên đường.
NHẬT BẢN SẼ KIỂM TRA NGHIÊM NGẶT CÁC NÔNG SẢN VIỆT
Sau khi phát giác nông sản Việt Nam có hàm lượng hóa chất vượt mức quy định, chính phủ Nhật Bản loan báo là sẽ kiểm tra toàn bộ các lô hàng nhập vào nước Nhật.
Quyết định của Nhật được đưa ra sau khi giới hữu trách Nhật phát giác nhiều nông sản Việt Nam có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trong các lô hàng nhập vào nước Nhật từ tháng1 đầu năm nay. Trong số đó có rau cải, nấm mộc nhĩ và trái thanh long.
Theo tin trên, các bộ sở của Nhật sẽ kiểm tra toàn bộ các lô hàng nông sản đến từ Việt Nam trong thời gian tới, và đặc biệt chú trọng tới các lô hàng của những công ty đã bị phát giác.
Cần nói thêm, trong năm 2018, Việt Nam đã xuất sang Nhật một lượng nông sản có trị giá 114 triệu Mỹ kim.
SAU HẢI SẢN, ĐẾN PHIÊN ĐỒ GỖ VIỆT NAM BỊ ÂU CHÂU LƯU Ý ĐẾN XUẤT XỨ
Sau khi hải sản Việt Nam bị Âu châu đưa ra thẻ vàng cảnh cáo, khối Âu châu vừa ký kết một thỏa ước với Việt Nam về lâm sản, theo đó thì các đồ gỗ Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, để tránh tình trạng đốn gỗ lậu từ các nước láng giềng.
Thỏa ước được ký vào sáng hôm qua, thứ Tư 8/5, ở Hà Nội, và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6 tới đây. Thỏa ước này nghiêm cấm việc xuất cảng gỗ không có xuất xứ và các sản phẩm của chúng vào khối Âu châu.
Trong mấy năm qua, Việt Nam liên tục bị Campuchia tố cáo là đã đưa các công ty sang đất nước này để đốn gỗ lậu. Theo số liệu thống kê vào năm ngoái, Việt Nam đã xuất sang Âu châu một lượng đồ gỗ có trị giá đến 9 tỷ Mỹ kim.
MÃ LAI CHÍNH THỨC PHẢN ĐỐI LÀN SÓNG TÀU CÁ VIỆT NAM  XÂM NHẬP HẢI PHẬN
Chính phủ Mã Lai vào hôm qua chính thức gửi công hàm phản đối làn sóng tàu cá Việt Nam xâm nhập bất hợp pháp vào hải phận Mã Lai trong mấy năm qua.
Công hàm đưọc trao tận tay đại sứ Việt Nam tại Mã Lai vào hôm qua, thứ Tư 8/5, nội dung yêu cầu phía Việt Nam phải lên tiếng giải thích lý do tại sao các tàu cá Việt Nam liên tục xâm nhập và đánh cá bất hợp pháp trong hải phận Mã Lai. Trong cuộc gặp gỡ đại sứ Việt Nam vào hôm qua, bộ ngoại giao Mã Lai cho biết là kể từ năm 2006 đến nay, giới chức Mã Lai đã bắt giữ gần 750 tàu cá và hơn 7 ngàn ngư dân Việt Nam.
Bộ ngoại giao Mã Lai tuyên bố là quan hệ giữa hai nước vẫn tốt đẹp, nhưng nếu làn sóng tàu cá Việt xâm nhập hải phận vẫn tiếp tục thì sẽ gây tổn thương đến mối quan hệ hai nước.
TRUNG CỘNG LẠI TẬP TRẬN BẮN ĐẠN THẬT SÁT VÙNG BIỂN ĐÀI LOAN
Trong mấy ngày qua, quân đội Trung Cộng đã mở cuộc tập trận bắn đạn thật ở ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, sát đảo quốc Đài Loan.
Cuộc tập trận bắt đầu từ hôm Chủ nhật 5/5 và sẽ chấm dứt vào chiều tối thứ Sáu 10/5. Trước đó, nhà cầm quyền tỉnh Chiết Giang đã ra lệnh cấm tàu bè qua lại 12 khu vực trên biển. Theo truyền thông Tân Hoa Xã, thì đây là cuộc tập trận thường niên, diễn ra đồng thời với cuộc tập trận với hải quân Nga ở phía bắc và cuộc thao diễn với hải quân Thái ở phía nam.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia quốc phòng thì cuộc tập trận ở Chiết Giang là nhằm trả đũa các chiến hạm Hoa Kỳ liên tục băng qua eo biển Đài Loan trong vòng 4 tháng qua.
HẠ VIỆN MỸ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT BẢO VỆ ĐÀI LOAN
Trung Cộng vào hôm qua đã bày tỏ sự tức tối sau khi hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết ủng hộ Đài Loan với tỷ lệ tuyệt đối, trong bối cảnh chính phủ Donald Trump đánh thuế 25% lên các hàng hóa có trị giá 200 tỷ Mỹ kim của Trung Cộng.
Với 414 phiếu thuận và không có phiếu nào chống đối, hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết có nội dung tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan về mọi lãnh vực, từ quốc phòng đến kinh tế. Đồng thời hạ viện cũng thông qua dự luật cam kết bảo vệ Đài Loan, nội dung cam kết bảo vệ và ủng hộ việc gia tăng ngân sách quốc phòng của Đài Loan.
Mặc dù còn chờ quyết định của thượng viện Mỹ, nhưng bộ ngoại giao Đài Loan đã bày tỏ lòng cảm kích đối với Hoa Kỳ và hứa hẹn sẽ siết chặt thêm mối quan hệ giữa hai nước. Ngay lập tức phía Trung Cộng lên án Hoa Kỳ là đã “nhúng tay can thiệp” vào nội bộ của dân tộc Trung Hoa.

No comments:

Post a Comment