Wednesday, May 15, 2019

Tin Tức: Thứ Tư 15.5.2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây:

1)  NGUYỄN PHÚ TRỌNG TÁI XUẤT HIỆN TRÊN CHÍNH TRƯỜNG.
Vào hôm qua, thứ Ba 14/5, các cơ quan truyền thông trong nước đồng loạt loan tin tức và hình ảnh Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trong cuộc họp với các quan chức cao cấp nhất trong guồng máy lãnh đạo Việt Nam.

Kèm với hình ảnh, các bản tin cho biết thêm là ông Trọng đã lắng nghe các báo cáo trong thời gian qua, đồng thời đề ra các công việc phải làm trong thời gian tới, bao gồm việc tổ chức hội nghị trung ương lần thứ 10, các phiên họp của bộ chính trị và soạn thảo văn kiện cho đại hội đảng lần thứ 13.
Các quan chức có mặt trong cuộc họp với ông Trọng gồm có: chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và một số ủy viên bộ chính trị như ông Trần Quốc Vượng.
Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông Trọng kể từ khi bị đột quỵ trong chuyến công tác tại tỉnh Kiên Giang vào ngày 14/4. Vào đầu tuần này, một quan chức quốc hội loan báo là ông Trọng sẽ có mặt tại quốc hội vào ngày 29/5 để tường trình về việc ký kết công ước 98 của LHQ, nội dung cho phép thành lập các nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam.
2)  NHÀ ĐẤU TRANH NGUYỄN VĂN HÓA LẠI BỊ HÀNH HUNG TRONG TÙ.
Nhà đấu tranh Nguyễn Văn Hóa, người bị kết án 8 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”, lại bị hành hung tại trại giam An Điềm, thuộc tỉnh Quảng Nam.
Tin nói trên do tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình thông báo trong lần điện thoại về nhà vào hôm thứ Hai 13/5. Ông Bình cũng đang bị giam tại nhà tù An Điềm sau khi bị bạo quyền Việt Nam kết án 14 năm tù với cáo buộc tương tự như ông Hóa.
Theo lời kể của ông Bình, ông Hóa đã bị đám cai tù bóp cổ và đấm đá dữ dội. Người chị của ông Hóa, sau khi nhận được tin báo của gia đình ông Bình, đã đến trại giam nhưng không gặp được vì ông Hóa đang bị biệt giam 10 ngày. 
3)  HÒA THƯỢNG THÍCH KHÔNG TÁNH VÀ MỤC SƯ HỒNG QUANG ĐƯỢC TRAO GIẢI TỰ DO TÔN GIÁO 2019.
Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại vào hôm thứ Hai 13/5 loan báo quyết định trao giải Tự do Tôn giáo Nguyễn Kim Điền năm 2019 cho Hòa thượng Thích Không Tánh và Mục sư Nguyễn Hồng Quang.
Giải thưởng Tự Do Tôn giáo lấy tên Nguyễn Kim Điền để tưởng nhớ vị tổng giám mục giáo phận Huế, người đã kiên trì chống đối các hành vi đàn áp tôn giáo của bạo quyền Việt Nam sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản. Đây là giải thưởng nhằm vinh danh những cá nhân hay tập thể có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo.
Vào năm ngoái, giải này được trao cho ông Hứa Phi, chánh trị sự Cao Đài Chân truyền và Linh mục Phan Văn Lợi.
4)  VIỆT NAM LẠI CÁO BUỘC FACEBOOK VI PHẠM PHÁP LUẬT.
Bộ thông tin truyền thông Việt Nam lại lên tiếng cáo buộc tập đoàn thông tin Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam về 3 lãnh vực là kiểm soát thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trốn thuế.
Trích dẫn một báo cáo chuẩn bị đệ trình lên quốc hội vào ngày 20/5, một số báo chí lề đảng vào hôm qua loan tin nói trên. Theo báo cáo thì rất nhiều công ty cung cấp dịch vụ internet như Facebook hay Google đã không tuân thủ các quy định của Việt Nam.
Báo cáo cho biết thêm là đã yêu cầu facebook gỡ bỏ 200 trương mục giả mạo, hơn 2400 trang dẫn quảng cáo và rao bán sản phẩm “bất hợp pháp” và hơn 200 trang chuyên “xuyên tạc chế độ”.
5) BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM LẠI BÊNH VỰC CHO TẬP ĐOÀN FORMOSA.
Vào hôm qua, một quan chức cao cấp của bộ tài nguyên môi trường, đã mạnh mẽ bác bỏ nguồn tin của công an Hà Tĩnh là tập đoàn Formosa đang tồn trữ hơn 900 ngàn tấn chất thải trong khuôn viên nhà máy.
Ông Hoàng Văn Thức, tổng cục phó môi trường, tuyên bố các bản tin nói trên là vô căn cứ, không đúng sự thật. Theo giải thích của ông Thức thì các chất thải ở thể rắn của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh được phân thành 14 loại, chứ không phải cả ngàn loại như báo chí nêu ra. Các chất thải này lại được chia thành 3 nhóm để giải quyết, trong đó có việc tồn trữ 1 loại để làm vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên ông Thức không cho biết khối lượng chất thải mà nhà máy Formosa đang tồn trữ là bao nhiêu tấn và hậu quả của chúng đối với môi trường xung quanh ra sao, nếu bị rò rỉ.
6)  TÌM ĐƯỢC THỦ PHẠM GÂY Ô NHIỄM SÔNG CÁI LỚN.
Sau nhiều ngày điều tra, nhà chức trách tỉnh Hậu Giang đã tìm được thủ phạm gây ô nhiễm ở sông Cái Lớn chính là nhà máy đường Long Mỹ Phát vì thế ra lệnh cho nhà máy phải lập tức ngưng hoạt động.
Điều trớ trêu là quyết định đình chỉ hoạt động của nhà máy Long Mỹ Phát đang khiến hàng ngàn nông dân trồng mía ở Hậu Giang điêu đứng vì không tìm được nguồn tiêu thụ. Vào sáng hôm qua, thứ Ba 14/5, hàng chục gia đình đã kéo đến trụ sở thị xã Long Mỹ để yêu cầu nhà cầm quyền cho phép nhà máy hoạt động thêm 2 ngày nữa để thu mua lượng mía của dân.
Như tin đã loan, gần hai tháng qua, nước sông Cái Lớn đã biến thành màu đen đặc với hàng loạt thủy sản lăn ra chết, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nhà máy lọc nước Long Mỹ phải ngừng hoạt động khiến cư dân thị xã Long Mỹ lâm vào tình trạng thiếu nước sạch.
7)  DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU LAN TỚI TỈNH HẬU GIANG.
Sở Nông Nghiệp tỉnh Hậu Giang vào hôm qua công bố là dịch tả heo Phi châu đã lan đến tỉnh này, gây bệnh cho 68 con heo ở hai địa phương.
Ổ dịch đầu tiên được chứng nhận là vào ngày 11/4, tức hơn một tháng trước đây, ở xã Nhơn Nghĩa A thuộc huyện Châu Thành A. Đến ngày 5/5 thì ổ dịch thứ hai bộc phát tại xã Vĩnh Tường thuộc huyện Vị Thủy. Toàn bộ số heo bệnh đã được tiêu hủy nhưng chắc chắn dịch bệnh sẽ lan nhanh vì hai ổ dịch được phát giác quá trễ.
Theo thống kê không đầy đủ của nhà cầm quyền Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có 14 ngàn gia đình nuôi heo, với số lượng lên đến 150 ngàn con.
8)  TRUNG QUỐC ĐÓNG TÀU TUẦN TRA ĐẢO HOÀNG SA.
Trung Quốc loan báo mở rộng sự hiện diện phi hải quân trong vùng Biển Đông có tranh chấp với hợp đồng trị giá 23,5 triệu Mỹ kim để đóng một tàu tuần duyên vốn sẽ được dùng để tuần tra quần đảo Hoàng Sa.
Theo trang web của chính quyền Hải Nam, chiếc tàu tuần duyên này sẽ có tốc độ vào khoảng 18 nút, tốc độ tối đa 23 nút và tầm hoạt động là khoảng 6.000 hải lý. Chiếc tàu này nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh để mở rộng sự hiện diện phi hải quân – một hành động mà các nhà phân tích cho là một chiến lược để củng cố vị trí mà họ chiếm giữ ở vùng Biển Đông có tranh chấp chủ quyền với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Đài Loan.

No comments:

Post a Comment