Friday, May 24, 2019

Tin Tức: Thứ Sáu 24.5.2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Khanh Bá Cơ trình bày sau đây.

TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ TUYỆT THỰC TẬP THỂ TẠI TRẠI GIAM AN ĐIỀM
Các tù nhân chính trị tại trại giam An Điềm ở tỉnh Quảng Nam vừa mở cuộc tuyệt thực tập thể nhằm phản đối cai tù cs đã đánh đập và biệt giam tù nhân Nguyễn Văn Hóa.

Ông Hoàng Nguyên, em trai của tù nhân chính trị Hoàng Bình, cho biết tin trên sau khi đi thăm anh mình vào sáng hôm qua, thứ Năm 23/5. Ông Nguyên cho biết lý do anh Nguyễn Văn Hóa bị đánh đập và biệt giam vào ngày 12/5 là vì anh kiên quyết không ký vào một lá đơn nhận tội. Các tù nhân chính trị Hoàng Bình, Nguyễn Bắc Truyển và một số người khác sau khi hay tin đã lập tức khiếu nạivới quản lý trại giam, nhưng không được trả lời nên tổ chức cuộc tuyệt thực để phản đối.
Vào ngày 13/5, trong lần điện thoại về gia đình, ông Hoàng Bình cho biết là ông tận mắt chứng kiến cảnh anh Hóa bị đám cai tù siết cổ và đấm đá tàn bạo trong trại giam An Điềm. Ngay sau khi nhận tin này, chị ruột của anh Hóa đã đến trại giam, nhưng đám cai tù không cho gặp em mình.
GIỚI TÀI XẾ TIẾP TỤC PHẢN ĐỐI BOT LỘ PHÍ T2 GẦN CẦU VÀM CỐNG
Trong một chiến thuật phản đối mới, giới tài xế vào hôm qua chỉ đồng ý trả 2 ngàn đồng cho trạm thu phí T2 với lý do là họ chỉ chạy khoảng 300 thước để lên cầu Vàm Cống nên không trả lộ phí cho toàn tuyến đường.
Các cuộc tranh cãi gay gắt tại trạm này đã khiến giao thông tắc nghẽn và trạm T2 phải xả trạm nhiều lần để khôi phục giao thông trên quốc lộ 91. Một tài xế cho biết là mình từ Cái Sắn chạy khoảng 200 thước là rẽ vào quốc lộ 80, không sử dụng quốc lộ 91, nhưng bị buộc phải trả lộ phí 25 ngàn đồng. Một tài xế khác phàn nàn là cầu Vàm Cống được xây bằng tiền thuế của dân nhưng lại ép dân phải đóng lộ phí cao hơn là tiền qua phà trước đây là quá bất công.
Các hình ảnh ghi nhận được cho thấy tình trạng kẹt xe kéo dài suốt ngày hôm qua ở cả hai chiều qua lại  trạm thu lộ phí T2, xe cộ xếp hàng dài hơn 2 cây số. Trước làn sóng phản đối này, bộ giao thông Việt Nam vào chiều hôm qua đã nhóm họp khẩn cấp với giới chức An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ để tìm biện pháp giải quyết. Tuy nhiên tin tức về cuộc họp không được thông báo cho báo chí.
CỰU PHÓ VIỆN KIỂM SÁT BỊ  KHỞI TỐ TỘI DANH ẤU DÂM
Truyền thông Việt Nam loan tin vào tối ngày 22 tháng 5, theo đó thì Viện Kiểm Sát Quận 4, thành Hồ đã chuyển hồ sơ truy tố ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân Thành phố Đà Nẵng,  sinh năm 1958, ngụ tại quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, sang tòa án Quận 4 về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi,  với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.
Trước đó, ngày 21 tháng 4, Công an Quận 4, thành Hồ cũng đã khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh, nhưng ông này được phía cơ quan điều tra cho tại ngoại và cấm rời khỏi nơi cư trú.
Công luận phản ứng mạnh mẽ, thậm chí có người đến tại nhà ông này ở Đà Nẵng bày tỏ thái độ bất mãn với hành động sàm sỡ của ông Nguyễn Hữu Linh Một số người trong thời gian qua tiếp tục lên tiếng không để cho vụ việc bị quên lãng.
CHIẾN HẠM CANADA LẦN ĐẦU TIÊN ĐẾN VIẾNG CẢNG CAM RANH
Tòa đại sứ Canada loan báo là chiến hạm Regina và tiếp vận hạm Asterix của hải quân hoàng gia Canada sẽ ghé thăm cảng Cam Ranh vào ngày 10/6 tới đây.
Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của hải quân Canada tại cảng Cam Ranh với mục đích tăng cường mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. VN là một trong những trạm dừng chân của chiến hạm Regina trong chuyến công tác ở Thái bình dương nhằm chứng minh sự hiện diện của quân đội Canada tại vùng biển này.
Trong chuyến viếng thăm VN, các binh sĩ Canada sẽ có buổi gặp gỡ với các sinh viên tỉnh Khánh Hòa, trao đổi kinh nghiệm với giới hải quân VN và làm công tác từ thiện tại một số trung tâm trợ giúp người nghèo và tàn tật ở tỉnh Khánh Hòa.
HÀ NỘI PHẢN ĐỐI TRUNG CỘNG CÀO NGHÊU Ở BIỀN ĐÔNG
Vào hôm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Cộng đưa hàng chục tàu cá đến cào nghêu ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai ngày trước đây, các không ảnh vệ tinh cho thấy là trong khi Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh cá trong vòng 3 tháng ở Biển Đông, hàng chục tàu cá Trung Cộng đã ào ạt kéo đến vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa để đánh bắt một loài nghêu quý hiếm.
Trong lời phản đối, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yếu ớt tuyên bố rằng việc khai thác các tài nguyên ở Biển Đông phải phù hợp với công ước quốc tế được đưa ra vào năm 1982.
THỦ TƯỚNG ẤN ĐỘ ĐẠI THẮNG TRONG CUỘC TỔNG TUYỂN CỬ
Thủ tướng Narendra Modi, người suy tôn chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, đã chiến thắng thêm một nhiệm kỳ 5 năm trong cuộc tuyển cử dân chủ tại đất nước có số lượng cử tri đông nhất thế giới.
Kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng Bharatiya Janata do ông Modi lãnh đạo đã chiếm đến 300 ghế trong tổng số 543 ghế của quốc hội, đánh bại liên minh đối lập do đảng Quốc đại cầm đầu, với ông Rahul Gandhi là thủ lãnh. Liên minh này chỉ chiếm được 100 ghế, số còn lại là thuộc các chính đảng khác.
Cần biết là hơn 900 triệu cử tri Ấn Độ đã đi bỏ phiếu trong cuộc tuyển cử kéo dài 6 tuần lễ ở các cấp địa phương.
BẮC KINH PHẢN ĐỐI DỰ LUẬT TRỪNG PHẠT QUAN CHỨC TRUNG CỘNG GÂY HẤN TRÊN BIỂN ĐÔNG CỦA MỸ
Theo tin của tờ Newsweek, hai thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Hoa Kỳ là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubiovà TNS Dân Chủ Benjamin Cardin sẽ tái đệ trình dự luật “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” ngày 23/5, cho phép chính quyền Mỹ trừng phạt các cá nhân và thực thể của Trung cộng liên quan đến những gì mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ gọi là “các hoạt động phi pháp và nguy hiểm” của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Nếu được thông qua thành luật, “Đạo luật trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông” sẽ cho phép chính phủ Mỹ tịch thu các tài sản tại Hoa Kỳ và thu hồi hoặc từ chối thị thực nhập cảnh đối với bất kỳ ai tham gia vào “các hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh hoặc ổn định” ở Biển Đông, nơi một hoặc nhiều thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tuyên bố chủ quyền.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày hôm qua, lên tiếng qua lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng cho biết: “Dự luật này vi phạm các quy tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế, và phía Trung Quốc kiên quyết phản đối.”

No comments:

Post a Comment