Friday, May 24, 2019

Vành Đai Và Con Đường – Mối Nguy Cho Việt Nam

Quan Điểm

Không mấy ai trong chúng ta tìm hiểu căn kẽ sáng kiến Vành Đai và Con Đường do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013. Đây chính là một sợi dây thòng lọng sẽ xiết cổ Việt Nam ta. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: Vành Đai Và Con Đường – Mối Nguy Cho Việt Namsẽ được Hải Nguyên trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Để thực hiện giấc mơ Đại Hán là thống lĩnh thế giới vào năm 2049, trước hết TC phải giầu mạnh về kinh tế và vượt trội về quân sự. Muốn có sức mạnh kinh tế, Tập Cận Bình đã đề ra hàng loạt những sách lược nhằm thu tóm tài nguyên thế giới, hòng phục vụ sản xuất, rồi mở rộng ngoại thương để tiêu thụ hàng giá rẻ, thu về lợi nhuận đáp ứng cho nhu cầu phát triển khả năng quân sự.

Năm 2013 Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường”  còn gọi là “Nhất Đới Nhất Lộ”, đó là cái tên ban đầu, nay đổi lại thành Vành Đai và Con Đường, (Tiếng Anh là Belt and Road Initiative – viết tắt là BRI). Sáng kiến này nhằm hợp nhất Vành Đai Kinh Tế Con Đường Tơ Lụa và Con Đường Tơ Lụa Trên Biển Thế kỷ 21. Có thể xem đây là một đại dự án xây dựng hạ tầng cơ sở lớn nhất trong lịch sử nhân loại, nối kết 68 quốc gia với 65% dân số thế giới và chiếm tới 40% GDP toàn cầu tính đến năm 2017.
Đây là một tham vọng cực kỳ to lớn của Tập Cận Bình nói riêng và của Hán Tộc nói chung, nhằm kết nối Á Châu, Âu Châu và Phi Châu qua 5 tuyến đường khác nhau. Trên lý thuyết sáng kiến này chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương cũng như Trung Âu và Đông Âu; để trở thành một động lực phát triển kinh tế mới ngoài Bắc Mỹ và Tây Âu, có thể làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới trong tương lai.
Tuyến nối kết thủy bộ gồm: Con đường sắt huyết mạch dài khoảng 11,000km xuyên lục địa Á – Âu, khởi đầu từ Tây An tới phía Tây Trung Hoa, qua các quốc gia Trung Á để nối với Châu Âu. Thủy lộ sẽ là con đường hàng hải đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, xuyên qua Ấn Độ Dương tới Châu Phi, qua Địa Trung Hải và kết thúc ở Italy. Ngoài ra, còn nhiều hành lang kinh tế ngắn ở trên bộ cũng được dự trù, như tuyến đường từ thành phố Kashgar ở Tân Cương chạy tới Kashmir và nối với cảng Gwadar của Pakistan. Một con đường khác nối kết Tứ Xuyên với cảng Kolkata của Ấn Độ thông qua Bangladesh và Miến Điện.
Để thực hiện được dự án này, cần phải có ngân khoản rất lớn, nên TC đã đưa ra nhiều phương án để huy động vốn đầu tư, như thành lập Quỹ Con Đường Tơ Lụa nhằm quản lý nguồn vốn ở những nước tham gia dự án. Năm 2014, TC đã thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (gọi tắt là AIIB) trụ sở ở Bắc Kinh, ngân hàng này được hơn 50 nước hợp tác với số vốn lên tới hơn 100 tỷ USD, trong ấy có nhiều nước Châu Âu là thành viên sáng lập. Mỹ và Nhật Bản không tham gia AIIB. Ngoài ra TC còn kêu gọi các ngân hàng thương mại TC, các ngân hàng quốc tế nhập cuộc dưới hình thức phát hành trái phiếu Vành Đai và Con Đường. Ký kết các thỏa thuận đầu tư với các ngân hàng ở nước sở tại tham gia dự án, kể cả  kêu gọi tư nhân đầu tư vào dự án này.
Tới nay chưa thấy TC công bố danh sách các dự án Vành Đai và Con Đường, tuy nhiên họ cho biết các công ty nhà nước đã đầu tư vào gần 1,700 dự án hạ tầng cơ sở. Những dự án này được thực hiện nhằm thúc đẩy thương mại ở những thị trường mới của các nhà xuất khẩu TC, giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường hàng hóa. Cụ thể là thành phố cảng cạn Khorgos trị giá nhiều tỷ USD nằm giữa TC và Kazakhstan, Hành Lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan, đường ống dẫn dầu, khí đốt nối từ vùng Trung Á  tới Biển Caspian, tuyến đường sắt mới nối thành phố Nghĩa Ô từ tỉnh Chiết Giang với thủ đô Luân Đôn của Anh qua Mascova rồi đến Berlin ở Đức.
Nhìn vào sơ đồ Vành Đai và Con Đường họ Tập vạch ra, Việt Nam nằm ngay trên tuyến hàng hải Biển Đông đã bị TC chiếm giữ, phía tây sát tuyến đường bắc nam, chạy từ TC qua Miến Điện,  xuống Lào qua Cam Bốt vào Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, đều là sân sau của TC.
Đứng trước hoàn cảnh hiện nay, cho dù Vành Đai và Con Đường có thực hiện được hay không và VN có được hưởng lợi gì từ dự án này, thì chắc chắn VN cũng phải ủng hộ và tích cực tham dự rồi. Điều này đã thấy rõ trong hai lần hội nghị ở Bắc Kinh, một do  Trần Đại Quang tham dự ngày 15/5/2017 và một do Nguyễn Xuân Phúc tham dự hôm 22/4/2019 vừa qua.
VN lại rất cần vốn để phát triển hạ tầng cơ sở, còn TC thì sẵn sàng cho VN vay nợ, vì trước sau gì, các nhà thầu và nhân công TC cũng sẽ thực hiện các dự án ấy, qua đó các quan chức VN sẽ được chia phần một cách sòng phẳng, để đôi bên cùng có lợi, trừ người dân Việt Nam phải chịu thiệt thòi mà thôi.
Hiện nay kinh tế và chính trị VN đã bị lệ thuộc vào TC rồi, nhưng sáng kiến Vành Đai và Con Đường sẽ là sợi dây thòng lòng thứ hai tròng vào cổ dân tộc ta, đây là mối nguy tiềm tàng, có thể dẫn tới mất nước vào tay kẻ thù Phương Bắc, nếu không có những quyết sách thoát Trung  hữu hiệu, bi kịch này sẽ sớm xảy ra cho đất nước và dân tộc ta không còn xa nữa.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài Quan Điểm của chúng tôi.

No comments:

Post a Comment