Saturday, May 25, 2019

Nguyễn Thái Học và Cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả, lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt đã sản sinh nhiều bậc anh hùng, kiên cường chiến đấu trong tinh thần bất khuất để giành lại nền tự chủ cho đất nước. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, ngày 17/6/1930, một đảng trưởng và 12 đảng viên hiên ngang bước lên máy chém ở Yên Bái … Qua chuyên mục Danh Nhân Nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nguyễn Thái Học Và Cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay

Việt Thái
“Anh là người yêu nước, không làm tròn nhiệm vụ cứu quốc! Anh giữ linh hồn cao cả để chiêu binh, rèn luyện dưới suối vàng! Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày đất nước được vẻ vang! Các bạn đồng chí của Anh phải sống để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ!”

Đó là lời viết trong bức thư thứ 2 của Cô Giang, vị hôn thê của Nguyễn Thái Học (lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng) trước khi tự sát.
Nguyễn Thái Học sinh ngày 1/12/1902, tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Ông là con cả của cụ Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh. Gia đình ông sống bằng nghề làm ruộng, dệt vải và buôn vải. Từ 4 tuổi, ông học chữ Hán, đến năm 11 tuổi học tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Vĩnh Yên.
Năm 19 tuổi, ông thi đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, được nhận học bổng của chính phủ Bảo hộ. Do tính cương trực, không phục với lối giáo dục của người Pháp, ông bỏ học vào năm thứ 3, sau đó ghi danh vào trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương. Trong thời gian này, ông tham gia vào Nam Đồng Thư Xã, tiếp xúc với một số sinh viên đồng chí hướng và ông gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne một số thư kêu gọi Pháp thực hiện cải cách chính trị ở Việt Nam, nhưng không được quan tâm. Quá thất vọng, ông quyết định chọn con đường vũ trang lật đổ chế độ thực dân để thành lập một nước Việt Nam độc lập với thể chế Cộng hòa, mở ra một cơ hội cho VN tiến dần đến tự do dân chủ.
Năm 1927, tổ chức Nam Đồng Thư Xã quyết định ủng hộ cuộc khởi nghĩa ở Bắc Ninh do Quản Trạc lãnh đạo. Công việc bị bại lộ, đa số thành viên của Nam Đồng Thư Xã bị truy lùng phải đào tẩu, chỉ còn lại ông và một số đồng đội.
Tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập số người còn lại trong Nam Đồng Thư Xã thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, Chi bộ đảng đầu tiên mang tên là “Chi bộ Nam Đồng Thư Xã”, do ông làm Chi bộ trưởng. Tháng 12 năm 1927, VNQDĐ tổ chức Đại hội đảng lần thứ nhất và ông được bầu làm Chủ tịch Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của ông với mục tiêu “đánh đuổi quân Pháp giành lại nền độc lập cho Việt Nam”. VNQDĐ nhanh chóng phát triển, kết nạp tầng lớp trí thức, giáo viên, nông dân, công chức và binh sĩ trong guồng máy cai trị với mục đích lật đổ nhà cầm quyền.
Đến đầu năm 1929, VNQDĐ đã thành lập được 120 chi bộ tại Bắc kỳ với 1500 đảng viên.
Trung tuần tháng 5 năm 1929, Nguyễn Thái Học triệu tập Đại hội toàn quốc tại làng Đức Hiệp, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chuẩn bị khởi nghĩa. Mặc dù không tin chắc vào thắng lợi, vào ngày 17/9/1929, Tổng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn quyết định Tổng khởi nghĩa với một câu tuyên bố của Nguyễn Thái Học: “Không thành công thì thành nhân”.
Công việc chuẩn bị chưa hoàn tất, vào cuối năm 1929 tại Bắc Giang, một cơ sở chế bom bị tai nạn phát nổ, đầu năm 1930 quân Pháp khám phá thêm rất nhiều cơ sở chế tạo bom, đao, kiếm, khiến nhiều đảng viên Quốc Dân Đảng bị bắt.
Trước tình hình nguy cấp, ngày 26/1/1930, VNQDĐ họp mặt tại làng Mỹ Xá, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương vạch ra kế hoạch tấn công vào một số đô thị và những yếu điểm quân sự của Pháp vào đêm 10, rạng ngày 11/2/1930 tại các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại, Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao và Hà Nội.
Theo kế hoạch ban đầu cuộc khởi nghĩa sẽ nổ ra trên 2 địa bàn chính ở Bắc Kỳ vào đêm 9/2/1930. Nguyễn Thái Học lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở miền xuôi, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính chỉ huy cuộc nổi dậy ở miền núi. Nhưng khi gần đến ngày nổi dậy, do cơ sở ở miền xuôi yếu kém, vừa bị đánh phá nặng nề nên không chuẩn bị kịp, ông cử người báo cho Nguyễn Khắc Nhu đình hoãn cuộc nổi dậy cho đến ngày 15 tháng 2, nhưng liên lạc viên bị quân Pháp chận bắt giữa đường. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra ở các địa điểm từ Sơn Tây, Phú Thọ cho tới Yên Bái vào đêm 9, rạng sáng ngày 10/2/1930.
Ngày 15/2/1930, mặc dù cuộc khởi nghĩa ở miền núi thất bại, VNQDĐ vẫn quyết định khởi nghĩa ở miền xuôi như kế hoạch cũ. Nơi vùng dậy quyết liệt nhất là ở Phụ Dực (Thái Bình) và Vĩnh Bảo (lúc đó thuộc Hải Dương). Cuối cùng sự việc không thành, ngày 20/2/1930, ông bị bắt tại ấp Cổ Vịt (Chí Linh, Hải Dương) và Pháp đã đưa ông cùng 12 đảng viên VNQDĐ từ Hà Nội lên Yên Bái xử chém vào ngày 17/6/1930.
* * *
Với chủ trương dùng vũ lực để lật đổ nhà cầm quyền thực dân Pháp, giành độc lập cho VN, tên tuổi Nguyễn Thái Học đã rạng danh trong sử Việt. Ông đã “đáp lời sông núi”, tự nguyện dâng hiến máu xương để giành lại độc lập cho nước nhà.
Câu tuyên bố “không thành công thì thành nhân” của ông đã kích động lòng yêu nước trong giới thanh niên trí thức của thập niên 1930, mà rất nhiều người trong số đó đã trở thành đảng viên đảng cộng sản sau này.
Nhưng điều đáng nói hơn hết là trong nhiều năm qua, dưới sự thống trị của đảng CSVN có mức tàn bạo gấp trăm lần thực dân Pháp, nhưng dòng máu bất khuất của Nguyễn Thái Học vẫn luân chảy trong tim của những hậu duệ, quyết đấu tranh dành tự do dân chủ cho dân tộc. Ngày nào nước Việt còn thế hệ trẻ noi gương anh hùng như Nguyễn Thái Học thì dân tộc Việt chắc chắn sẽ khôi phục được nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ mà tập đoàn lãnh đạo CSVN đã hèn hạ dâng hiến cho bọn Tàu Cộng!

No comments:

Post a Comment