Tuesday, May 28, 2019

Luật đặc khu nỗi lo còn đó!

Chuyện Nước Non Mình

Kính thưa quý thính giả, kể từ khi dự luật đặc khu kinh tế chào đời cho đến nay, nhà cầm quyền cs Việt Nam đã thẳng tay đàn áp người dân dám lên tiếng bảo vệ Tổ Quốc. Trong chuyên mục CNNM hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết “Luật đặc khu nỗi lo còn đó!” của Mẹ Nấm, sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình phát thanh hôm nay.

Mẹ Nấm 
Tháng 6/2018, khi Luật An ninh mạng được ban hành cùng lúc với dự thảo Luật đặc khu được đưa ra để thông qua trước Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình lớn đã nổ ra trên toàn quốc. Kết quả, Luật ANM được áp dụng từ ngày 1/1/2019, và Luật đặc khu hoãn lại. Và quan trọng hơn, hàng trăm người biểu tình bị bắt nguội sau đó, nhiều người trong số họ ít được công luận biết đến.

Tôi bị ám ảnh với đôi mắt của bé Hạ Vy, con gái của Đoàn Thị Hồng, một người tham gia biểu tình phản đối Luật đặc khu bị bắt từ tháng 9/2018. Hồng bị bắt cóc trên đường ngay tại quận 12 trong khi con gái cô chưa đến 3 tuổi, và đến nay thông tin về cô rất hạn chế.
Hai người phụ nữ khác bị bắt giữ và bi kết án “Tuyên truyền chống Nhà nước” tại Đồng Nai hôm ngày 10/5/2019.
Theo cáo trạng, từ tháng 8 đến tháng 10/2018, bà Dung và bà Sương dùng điện để thoại lướt Facebook. Hai người này sau đó tương tác với tài khoản có tên “Tân Thái” và “Benny Trương” để xem các video, bài viết có nội dung chống phá Nhà nước.Họ bị cáo buộc có hành vi kích động và kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối luật đặc khu kinh tế, an ninh mạng.Ngoài ra, bà Dung và bà Sương còn làm các tờ rơi có nội dung chống phá Nhà nước rồi mang đến thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) phân phát cho người dân.” (1)
Hai người phụ nữ trên bị bắt giữ trong âm thầm. Họ là những tiểu thương buôn bán thầm lặng qua ngày. Họ xem tin tức, đọc thời sự và họ xuống đường vì nỗi lo mất nước. Tài liệu mà cơ quan ANĐT tìm thấy là gì? Là biểu ngữ phản đối luật đặc khu.
Chị Vũ Thị Dung, một người phụ nữ mảnh mai, bị bắt khi đang trên đường đi dự đám cưới với người thân từ cuối năm 2018, và bị đưa ra xét xử trong một phiên toà mang tiếng công khai nhưng không có một người thân nào được tham dự. Luật sư cũng do cơ quan công an chỉ định.
Chị Dung (54 tuổi, ngụ xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, Đồng Nai) bị tuyên án 6 năm tù về tội Tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước. Chị Nguyễn Thị Ngọc Sương (51 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán, Đồng Nai) bị buộc phải nhận mức án 5 năm tù về tội danh trên.
Như thông lệ trong các vụ án chinh trị, cơ quan ANĐT luôn gây sức ép lên gia đình, người thân của những người đã bị bắt khiến thông tin về họ rất hạn chế. Làm sao để họ – những người tiên phong xuống đường phản đối luật đặc khu không đơn độc?
Chị Dung và chị Sương có thể nói vô tình đã trở thành chuyên án để Cơ quan ANĐT Đồng Nai “giải ngân” và lập thành tích trong năm 2018. Họ bị bắt giữ, bị xét xử trong một phiên toà thiếu vắng công lý. Thậm chí, cơ quan chức năng còn lợi dụng tâm lý hoang mang, sợ hãi của gia đình để vòi tiền “chạy án”.
Tôi nhận được tin chị Dung sẽ kháng cáo, và với kinh nghiệm đã có sẵn từ vụ án Nguyễn Hữu Quốc Duy 3 năm trước, tôi nghĩ rằng chị và gia đình sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới. Rất mong sự ủng hộ, đồng hành của các luật sư, của những người có thái độ chính trị rõ ràng với gia đình chị.
Luật đặc khu bị hoãn, và sẽ tiếp tục được thông qua khi sự đàn áp đã lên tới đỉnh điểm.
Chúng ta liệu có thể quyết định được vận mệnh của dân tộc Việt Nam không?
24.05.2019

No comments:

Post a Comment