Sunday, May 26, 2019

Nói Với Người CS: Nguyễn Phú Trọng “đốt lò”: Tham nhũng giảm?

Nói với người cộng sản

Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục “Nói với người cộng sản”. Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. “Nói với người cộng sản” do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh

Tiến Văn
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,

Từ khi Nguyễn Phú Trọng giành được chức cao nhất trong đảng Hồ-Tàu và thâu tóm được cả chức Chủ tịch nước đến nay, một điểm rất khác biệt khiến cho nhiều người, nhiều anh chị em chúng ta phải chú ý theo dõi, bàn tán là lần đầu tiên trong chế độ cộng sản Việt Nam đã có hàng loạt các quan chức cao cấp, trong đó có cả đương kim ủy viên bộ chính trị, tướng tá trong quân đội lẫn công an bị xử lí hình sự, phải ra hầu tòa và lĩnh các án tù khá nặng. Đặc biệt hơn, có những nhân vật đã trốn thoát ra nước ngoài cũng bị lực lượng đặc biệt bắt cóc đưa về Việt Nam để cho vào tù bất chấp các công ước quốc tế và pháp luật của nước sở tại. Những sự kiện này thực sự đã khiến nhiều anh chị em chúng ta phải ngạc nhiên và nhiều người còn trầm trồ tán thưởng, khen ngợi sự quyết đoán, mạnh mẽ của Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm”.
Trong các cuộc họp mới đây Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu vẫn tiếp tục tỏ ra rất tự đắc về các hành động chưa từng có trong lịch sử về việc bắt bớ, xử tù trong vấn đề tham nhũng. Ngày 16 tháng Năm, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Trọng giảng giải rằng:
“Trị nước bằng luật pháp, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thế mới chống được tham nhũng. Đây cũng là sơ hở đẻ ra tiêu cực, tham nhũng, hư hỏng, rồi đảng xuống cấp.”
Những lời phát biểu có vẻ nghiêm túc và nghiêm khắc này đã khiến nhiều người cảm thấy hân hoan và tin rằng Nguyễn Phú Trọng sẽ làm cho bộ máy công quyền trong sạch hơn, ít tham nhũng hơn.
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn cả trên phương diện thực tế và lí thuyết, chúng ta sẽ thấy cái gọi là “đốt lò” hay “chống tham nhũng không có vùng cấm” rất ầm ĩ và đặc biệt của Trọng đều không có hiệu quả trong việc ngăn và chống tham nhũng.
Cho tới nay, đã tám năm kể từ khi Nguyễn Phú Trọng lên nắm chức Tổng bí thư đảng Hồ-Tàu, nhưng như anh chị em chúng ta đều đã thấy rõ vấn nạn “phong bì” lót tay để quan hệ, thực hiện các thủ tục hành chính trong đời sống thực vẫn không hề suy giảm. Rõ nhất là hai lĩnh vực y tế và giáo dục, tất cả chúng ta đều vẫn phải biếu quà bác sĩ, y tá, hộ lí một khi chúng ta phải cần đến các dịch vụ của bệnh viện; chúng ta vẫn phải tặng quà, cho con học thêm các thầy cô giáo để mong con em chúng ta được đối xử tử tế, không bị phân biệt, trù dập. Trong các lĩnh vực khác như giao thông, xin giấy phép xây dựng, làm sổ đỏ, các thông lệ “phong bao”, “phong bì” vẫn hoàn toàn diễn ra như trước khi Trọng lên, thậm chí có nơi vấn nạn này còn xảy ra trầm trọng hơn. Riêng lĩnh vực “lên chức”, “đề bạt”, trong ngay cả lực lượng công an và quân đội, chúng ta cũng vẫn thấy mọi người bàn tán cần phải có đủ “cơ số đạn” thì mới có thể trông mong ứng cử. Nói một cách ngắn gọn, công cuộc “đốt lò” ầm ĩ của Trọng vẫn không hề làm suy suyển tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, ăn đút lót trong toàn xã hội. Chính vì lí do đó, đã có những ý kiến đề nghị thực hiện các cuộc thăm dò độc lập về mức độ tham nhũng ở Việt Nam nhưng Trọng và bộ sậu đều lảng tránh, từ chối. Trọng còn tỏ ra rất khó chịu và hậm hực đối với gợi ý Trọng và bộ sậu công khai toàn bộ tài sản cá nhân để làm gương cho các đảng viên khác. Những sự kiện này đã nói rõ chiến dịch “chống tham nhũng không có vùng cấm” của Trọng không có tác dụng giúp cho đời sống của chúng ta bớt đi những khổ nạn nhũng nhiễu. Chưa nói đến một thực tế khác chúng ta thường quên mất, đó là việc bắt giữ hay truy tố một ủy viên bộ chính trị ở Trung Cộng hay ở Việt Nam được coi là một chuyện đặc biệt, rất ầm ĩ, nhưng nếu so với các chế độ dân chủ đích thực, đó chỉ là một chuyện thường tình vì trong các chế độ dân chủ đích thực, bất kể nhân vật nào cũng có thể bị truy tố khi phạm luật. Chỉ cần nhìn sang Hàn Quốc chúng ta thấy ngay, tổng thống phạm luật và bị đi tù là chuyện rất bình thường.
Trên phương diện lí thuyết, tham nhũng đã được giới khoa học xác định là môt căn bệnh tất nhiên của mọi hệ thống công quyền và là căn bệnh phát sinh chủ yếu từ những kẻ có quyền, đặc biệt những kẻ nắm quyền cao nhất. Chống tham nhũng cũng là ước muốn của mọi xã hội. Vì vậy điều căn bản tối thiểu để ngăn ngừa và chống tham nhũng là phải bắt được cả những kẻ cầm quyền cao nhất phải chịu sự chất vấn, kiểm soát của xã hội. Bằng không, mọi kêu gọi, hô hào, quyết tâm chống tham nhũng chỉ là sự giả dối hoặc vô hiệu. Đây chính là “viên thuốc thử” để làm bật tính chất giả-thật của một ý tưởng chống tham nhũng.
Trong khi đó Trọng và bộ sậu luôn tránh né mọi sự chất vấn, kiểm soát bản thân và tự cho là những người có quyền phán xét, định đoạt các vấn đề tham nhũng của người khác. Như vậy, chương trình “đốt lò” hay “chống tham nhũng không có vùng cấm” của Trọng chỉ là sự giả dối, lừa đảo. Đó là lí do tại sao vấn nạn nhũng nhiễu, làm tiền trong xã hội Việt Nam từ khi Trọng hô hào chống tham nhũng vẫn không hề thay đổi.
Tính chất lừa đảo, giả dối, mị dân của Trọng thông qua chương trình “đốt lò” chống tham nhũng – dập khuôn lại thủ đoạn “đả hổ, diệt ruồi” của quan thầy Tập Cận Bình – đang ngày càng lộ rõ trước công luận. Để đối phó với tình hình này Trọng và bộ sậu đang có những mưu tính khác để đánh lạc hướng dư luận. Đó sẽ là chủ đề trao đổi của chúng ta trong chuyên mục kì tới.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
26/05/2019

No comments:

Post a Comment