Nhà cầm quyền kết án 2 nhạc sĩ yêu nước
Phiên toà ngày thứ ba 30 tháng 10 tại Sài Gòn đã kết án nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình 6 năm tù giam, 2 năm quản chế, và nhạc sĩ Việt Khang 4 năm tù giam, 2 năm quản chế về tội danh tuyên truyền chống phá nhà nước. Những cáo buộc được nêu lên trong phiên toà gồm có tựa đề các nhạc phẩm yêu nước được phổ biến rộng rãi trên YouTube, tội nhận tiền và máy vi tính từ nước ngoài để sáng tác nhạc, và rải truyền đơn có cờ VNCH.
Luật sư Trần Vũ Hải cho biết nhạc sĩ Việt Khang đã khẳng định trước toà không hề làm chính trị mà chỉ sáng tác nhạc nói lên tâm trạng của người dân khi thấy Trung Quốc ức hiếp Việt Nam. Ông Phil Robertson thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch coi đây là hình thức gia tăng đàn áp tự do ngôn luận của nhà cầm quyền Việt Nam đối với nhạc sĩ, khi mới gióng lên những ý tưởng phản đối nhà cầm quyền là bị kết án tù nhiều năm. Human Rights Watch kêu gọi ông Herman Van Rompuy, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu gây áp lực với Việt Nam thả tù chính trị và nới lỏng quyền tự do ngôn luận trong chuyến công du vào thứ tư tuần này. Châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Hoa Kỳ với số hàng nhập khẩu lên đến 16,5 tỷ mỹ kim vào cuối năm 2011. Hiện nay môi trường phản kháng trên mạng đang bị nhà cầm quyền Hà Nội tìm cách đàn áp mạnh mẽ khiến Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm. Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến công du Việt Nam vào tháng 7 đã chỉ trích thành tích nhân quyền của Việt Nam. Hiện nay khoảng 34% người dân Việt Nam dùng internet trong đó khoảng 8,5 triệu người dùng mạng xã hội Facebook để trao đổi quan điểm.
Công an xách nhiễu người tham dự phiên toà 30 tháng 10
Theo Truyền Thông Chúa Cứu Thế, một số người đến dự phiên toà xét nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã bị công an chận lại và đuổi về. Một số may mắn vào được sân tòa án thì khi ra về đều bị mật vụ rượt bắt về đồn công an. Được biết linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại đã bị mật vụ vây bắt đưa về đồn công an Bến Thành và bị uy hiếp đòi kiểm tra máy móc. Anh Cao Hà Trực đã bị bắt lúc 7 giờ sáng tại cây xăng Hòa Hưng và bị đưa về đồn công an phường 15, quận Tân Bình. Tại đây, họ siết cổ và hành hung anh trong lúc anh đọc kinh cầu nguyện. Cô Nguyễn Thị Huyền Trang, phóng viên Truyền Thông Chúa Cứu Thế bị mật vụ vây bắt tại công viên trước Dinh Độc Lập khoảng 12 giờ trưa khi từ tòa án ra về. Cô Huyền Trang cho biết đã phản đối hành vi bắt cóc của công an bằng cách không trả lời bất cứ câu hỏi nào mà chỉ lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện. Một nữ cán bộ đã búng tai, bóp mũi và vả vào mặt cô Huyền Trang nhưng cô tiếp tục cầu nguyện khiến một tên an ninh tức giận, xông vào giựt đứt chuỗi hạt Mân Côi và nói "Để xem Chúa mày có cứu mày được không?". Cô Huyền Trang cho biết 6 tên an ninh tìm cách lấy dấu tay, nhưng cô cương quyết không cho và dùng chân đá đổ hộp mực lăn tay.
Phi Luật Tân mua 5 tàu tuần tra từ Pháp
Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân cho biết sẽ mua 5 tàu tuần tra từ Pháp trị giá hơn 116 triệu mỹ kim để kiểm soát vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Phó đô đốc Luis Tuason, chỉ huy trưởng lực lượng tuần duyên Phi cho biết một tàu tuần tra dài 82 mét và 4 tàu dài 24 mét sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2014. Tướng Tuason cho rằng các tàu này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tuần tra khu vực Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philippines. Ông Tuason nói "Trong lúc tuần tra trên biển Tây Philippines, chúng tôi phải đương đầu với những cơn sóng lớn, và dòng nước chảy xiết nên cần dùng các tàu lớn hơn". Phát ngôn nhân lực lượng tuần duyên Phi Armand Balilo cho biết những loại tàu lớn này bền vững hơn và có thể dùng trong lúc thời tiết xấu. Ông Balilo nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Lực lượng tuần duyên Phi mua loại tàu lớn. Tuy nhiên ông ta phủ nhận việc mua 5 tàu tuần tra của Pháp là để đối phó với tình hình tranh chấp lãnh thổ vì hiện nay lực lượng tuần duyên Phi chỉ có 9 tàu tuần tra loại nhỏ khó chu toàn nhiệm vụ trên vùng biển của Phi. Các tàu tuần tra mới sẽ hoạt động khắp vùng lãnh hải kể cà vùng biển tranh chấp.
Tàu Trung Quốc và Nhật Bản khẳng định chủ quyền
Vào 10 giờ sáng thứ ba, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã đến vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và xua đuổi tàu tuần duyên Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực. Phát ngôn nhân tuần duyên Nhật Yuji Kito cho biết tàu của hai nước đều ra lệnh cho bên kia rời lãnh hải của mình. Tàu Trung Quốc ra lệnh bằng cả tiếng Hoa và tiếng Nhật. Ông ta cho rằng đây là hành động tiêu biểu của tàu Trung Quốc từ trước đến nay và không thay đổi mức căng thẳng khi đối đầu với nhau. Gần đây Trung Quốc gia tăng kiểm tra vùng biển đảo tranh chấp kể từ khi chính quyền Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư được coi là tuyến đường hàng hải quan trọng và có nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào. Một quan chức Nhật Bản cho biết khoảng 37 ngàn lính Nhật sắp tập trận cùng với 10 ngàn lính Mỹ từ ngày 5 đến 16 tháng 11. Khoảng 30 tàu chiến và 240 máy bay sẽ tham dự cuộc tập trận chung mỗi hai năm một lần này. Đây sẽ là cuộc tập trận thứ 11 giữa hai nước để thử khả năng vận chuyển quân từ các tàu hải quân Mỹ khi bảo vệ các căn cứ tại Nhật Bản.
No comments:
Post a Comment