Thứ Tư ngày 31.10.2012
Tuy ý nghĩa nước mắt của TBT Nguyễn Phú Trọng có thể lý giải dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Nhưng có một chân lý không thay đổi. Đó là khi TBT đảng khóc, thì ngày tàn của CSVN không còn xa. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Nước mắt của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng" sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Loài người rất quen thuộc với cảnh các chính trị gia khóc. Lưu Bị là nhân vật điển hình trong giai đoạn Tam Quốc tranh hùng tại Trung Hoa. Lý do họ Lưu khóc là muốn khích lệ lòng hy sinh của tướng sĩ. Họ Lưu khóc giỏi đến mức độ mỗi lần ông rơi lệ, là có tướng sĩ liều chết vì ông.
Người dân hải ngoại cũng không lạ gì việc các chính trị gia rơi nước mắt. Họ rơi nước mắt vì nhiều lý do khác nhau. Phần lớn vì xúc động trước sự tín nhiệm của giới cử tri đã đem lại cho họ chiến thắng vinh quang, hoặc buồn tủi khi họ thất cử trong một cuộc phổ thông đầu phiếu công khai và công bằng.
Ngày nay không còn giai đoạn tranh hùng thiên hạ để xây dựng những đế chế cha truyền, con nối. Chính quyền độc đảng VN cũng không có những cuộc tranh cử công khai và công bằng như các chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng trên thế giới. Đảng CSVN được điều 4 hiến pháp bảo đảm quyền cai trị độc tôn vĩnh viễn. Thế nhưng tại sao TBT Nguyễn Phú Trọng lại nghẹn ngào rơi nước mắt, lúc tổng kết thành quả của Hội nghị Trung ương 6, khoá XI vừa qua?
Khi một nhân vật quan trọng như TBT Nguyễn Phú Trọng khóc, dĩ nhiên toàn dân Việt nếu không nói là cả thế giới lập tức chú ý, và đưa ra nhiều lý giải khác nhau: Có người cho rằng đây là một trò hề giả dối, mị dân của Nguyễn Phú Trọng vì đảng đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng. Chẳng khác nào Hồ Chí Minh và Trường Chinh khóc lóc xin lỗi dân, sau cuộc cải cách ruộng đất đã giết hại hàng trăm ngàn người vô tội. Có người cho rằng ông Trọng khóc vì quá đau khổ, khi biết đảng mà mình theo và kỳ vọng suốt đời giờ bị tham nhũng hoành hành đến mức hết thuốc chữa. Nhưng có người lại nghĩ rằng, Nguyễn PhúTrọng khóc vì không đủ khả năng tranh giành quyền lực với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Cái khóc này là do ghen tỵ mà ra!
Muốn am tường ngọn nguồn những giọt nước mắt của TBT Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cần duyệt lại điều lệ cũng như sự vận hành quyền lực trong nội bộ của đảng CSVN. Đảng CSVN nguyên thủy là một thành phần bất khả phân ly của phong trào Đệ Tam Quốc tế, do Lê Nin lãnh đạo và Stalin kế thừa. Trong bản Điều lệ Đảng, phần nhập đề viết rằng: "Đảng và các vấn đề cơ bản về xây dựng đảng" có ghi rõ nguyên tắc rường cột của Lê Nin là:
"Đảng lấy...nguyên tắc tập trung dân chủ- làm nguyên tắc tổ chức căn bản".
Ngoài nguyên tắc tập trung dân chủ này, các điều 15 và 16 của Điều lệ đảng nói rõ về sự vận hành quyền lực.
Điều 15.
15.1. Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ 5 năm một lần; Có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 1 năm.
Điều 16.
16.1. Ban Chấp hành Trung ương tổ chức, chỉ đạo thực hiện cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng, các nghị quyết của đại hội; Quyết định các chủ trương-chính sách về đối nội, đối ngoại, công tác quần chúng và công tác xây dựng đảng; Chuẩn bị đại hội đại biểu toàn quốc của đảng nhiệm kỳ tiếp theo, đại hội đại biểu toàn quốc bất thường (nếu có)...
16.3. Ban Chấp hành Trung ương họp thường lệ 6 tháng một lần; Họp bất thường khi cần.
Quan điểm tập trung dân chủ cũng được giải thích rõ trong điều 9 của Điều lệ Đảng- như sau:
"Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương."
Khi áp dụng tổng thể các điều trên, chúng ta thấy quyền lực thực tế của Ban Chấp Hành Trung Ương (BCH/TU) không những vượt trên Đại Hội đảng, mà còn vượt lên trên Bộ Chính trị nữa. Lý do vì đại hội tuy có toàn quyền nhưng mỗi 5 năm mới xảy ra một lần, nên không thể giải quyết những tranh chấp cấp bách. Riêng Bộ Chính trị là cấp cao hơn BCH/TU, nhưng lại do BCH/TU bầu ra và chịu trách nhiệm trước BCH/TU. Chỉ trong trường hợp hiếm hoi, là nhà độc tài khát máu Stalin đã nắm mật vụ và sinh mệnh của từng ủy viên trung ương trong tay, như thế Bộ Chính trị mới qua mặt được BCH/TU.
Đảng CSVN trên phương diện tổ chức theo rập khuôn đảng CS Liên Xô. Khi duyệt lại lịch sử, có một trường hợp đáng chú ý xảy ra trong nội bộ của đảng CSLX. Đó là vào năm 1957, Bộ Chính trị quyết định cách chức Đệ nhất Bí thư Nikita Kruschev. Ông này không chịu thua và triệu tập BCH/TU đảng CSLX. Kết quả BCH/TU đã hủy bỏ quyết định của Bộ Chính trị, và tái xác nhận vai trò của ông Kruschev.
Hiểu vậy chúng ta mới tường tận nguyên nhân nào làm cho TBT Nguyễn Phú Trọng khóc. Thật vậy, môi trường chính trị CS được vận hành theo kiểu thâm cung bí sử, nên báo chí không biết gì về tiến trình hình thành các chính sách quốc gia hay bổ nhiệm các chức vụ quan trọng, cho đến khi đảng muốn bạch hoá.
Tin hành lang cho hay, TBT Nguyễn Phú Trọng và đồng minh là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang được sự ủng hộ của đa số ủy viên Bộ Chính trị (là 10/14), hầu đánh bật Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chức vụ thủ tướng. Do đó NPT đã vững tin và triệu tập Hội Nghị BCH /TU kỳ 6, nhằm chính thức thanh trừng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, kết quả thật ê chề cho ông Trọng và ông Sang. Đa số 129/175 ủy viên của BCH/TU không đồng ý thanh trừng ông Dũng, và họ quyết định duy trì ông Dũng ở chức vụ thủ tướng.
Ông Trọng khóc tức tưởi, vì tuy làm Tổng Bí Thư mà bị cơ quan quyền lực tối cao của đảng phủ quyết. BCH/TU chỉ cảnh cáo Bộ Chính trị dưới sự lãnh đạo của ông Trọng mà không trừng phạt, là may mắn lắm rồi. Ông Trọng thua nước cờ này trong tay ông Dũng vì 2 yếu tố chính tác động trên BCH/TU:
- Thứ nhất, đại đa số ủy viên cơ cấu này nắm các chức vụ lập pháp và hành pháp từ trung ương đến địa phương, nên bị chi phối bởi những bổng lộc do Nguyễn Tấn Dũng ban bố và kiểm soát.
- Thứ nhì, dưới áp lực của CS Trung Quốc, BCH/TU CSVN phải duy trì Nguyễn Tấn Dũng, vì TQ không muốn có những cuộc thanh trừng nội bộ gây bất ổn tại VN làm ảnh hưởng đến sự an nguy của CSTQ, trong giai đoạn chuyển nhượng quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình.
Trong một môi trường chính trị dân chủ, tuy các chính trị gia thất bại có thể rơi nước mắt nhưng họ đủ trưởng thành, để sau đó nhanh chóng gọi điện thoại hay gửi văn thư chúc mừng đối thủ đã chiến thắng vẻ vang, và họ chấp nhận sự phán quyết của giới cử tri. Trong khi đó, Nguyễn Phú Trọng chưa hề có kinh nghiệm sinh hoạt trong môi trường dân chủ tương tự. Chúng ta có thể ví ông Trọng như đứa con nít chưa trưởng thành vì được guồng máy đảng và điều 4 hiến pháp quá nuông chìu, tựa như đứa bé sau khi bị thất bại trong việc tranh giành một món đồ thì nó sẽ khóc lóc đòi, nhưng sau đó lại bày trò hãm hại đối thủ.
Với cơn lốc dân chủ đang đánh bật gốc độc tài trên khắp năm châu bốn bể cùng sự chia rẽ trầm trọng bên trong của đảng CSVN, ngày tàn của chế độ phi nhân này sắp tới!
Đà Giang, 21/10/2012
No comments:
Post a Comment