Tuesday, October 2, 2012

Tin tức thứ Hai, ngày 01.10.2012

Cầu nguyện cho công lý và hoà bình

Nhiều người đã tham dự thánh lễ tại hội trường giáo xứ Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng Sài Gòn vào 8 giờ tối chủ nhật 30 tháng 9 để cầu nguyện cho 17 anh chị em công giáo, tin lành bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giam trái phép, cầu nguyện cho Chư tôn phật tử chùa Liên Trì quận 2 Sài Gòn, và cầu nguyện cho những anh chị em cộng tác viên của Truyền thông Chúa Cứu Thế đang bị an ninh đe dọa.
Đặc biệt tham dự thánh lễ kỳ này còn có 40 anh chị em gốc Giáo phận Vinh đang làm việc và học tập tại Sài Gòn, trong đó có một số thân nhân của 17 anh chị em công giáo và tin lành đang bị giam cầm như Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Oai, Chu Mạnh Sơn, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Lê Sơn, Nông Hùng Anh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật, Tạ Phong Tần, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Đình Cương, và Nguyễn Hoàng Phong. Trước khi kết thúc thánh lễ, cha chủ tế Giuse Nguyễn Thể Hiện kêu gọi mọi người tiếp tục cầu nguyện và cùng dấn thân đi tìm công lý và sự thật. Mọi người đã nắm tay nhau để thể hiện sự liên kết và cùng hát bài Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô vào cuối thánh lễ.

Gần 1 ngàn người Đài Loan biểu tình chống Nhật

Gần 1 ngàn người Đài Loan đã xuống đường tại thị trấn Toucheng, huyện Ilan giương biểu ngữ và hô các khẩu hiệu khẳng định chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị Nhật quản lý. Một số người biểu tình mặc áo thun trắng in dòng chữ "Bảo vệ Điếu Ngư" là quần đảo tranh chấp chủ quyền cách Đài Loan khoảng 200 cây số đang được đặt dưới quyền quản trị của thị trấn Toucheng. Vào tuần trước hàng chục tàu cá Đài Loan từ từ huyện Ilan đã kéo đến vùng biển đảo tranh chấp để khẳng định chủ quyền. Tàu tuần duyên Nhật đã phun nước để đuổi các tàu này ra khỏi khu vực đưa đến màn phun vòi rồng giữa tàu tuần tra Nhật Bàn và Đài Loan trước khi tàu cá Đài Loan rút khỏi vùng tranh chấp vài giờ sau đó. Hành động tuyên bố chủ quyền của Đài Loan đang làm cuộc tranh chấp biển đảo giữa Nhật và Trung Quốc thêm phức tạp. Tưởng cần nhắc lại, quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh trở nên căng thẳng vào đầu tháng 9 khi chính phủ Nhật tuyên bố quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản quản lý hòn đảo thứ 4 và cho thuê một đảo còn lại. Sau đó xẩy ra nhiều cuộc biểu tình tại Trung Quốc, Đài Loan và một số nơi khác trên thế giới để phản đối Nhật. Người Nhật cũng xuống đường phản đối Trung Quốc đòi chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Phi đưa thêm 800 binh sĩ đến tuần tra Trường Sa

Chính quyền Manila đã đưa thêm 800 lính thủy quân lục chiến đến quần đảo Trường Sa và thành lập một đồn lính mới gần Palawan để bảo vệ quyền lợi của Phi trong vùng biển tranh chấp với các nước trong khu vực. Trung tướng Juancho Sabban cho rằng việc đưa 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến đến Trường Sa chỉ là biện pháp phòng thủ và không có ý khiêu khích các nước tranh chấp. Tướng Sabban cho biết một đồn lính của lữ đoàn thủy quân lục chiến cũng được thành lập gần Palawan, quay mặt ra Biển Đông, để chỉ huy và kiểm soát các cuộc tuần tra của thủy quân lục chiến tại Trường Sa. Tướng Sabban cũng cáo buộc Trung Quốc tiếp tục đưa quân đến các đảo mà Bắc Kinh chiếm đóng trong vùng Trường Sa. Ông ta nhấn mạnh "Chúng tôi không đưa quân đến đó để gây xung đột bất ngờ". Lời tuyên bố từ trung tướng Sabban xảy ra vài ngày sau khi phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp đặc sứ Phi Luật Tân và bày tỏ hy vọng cải thiện quan hệ song phương. Gần đây chính quyền Manila từng dọa bắn máy bay Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp.

No comments:

Post a Comment