Tuesday, October 9, 2012

Đảng đầu voi đuôi chuột.

Thứ Ba ngày 09.10.2012     
Lời dẫn: CSVN đã trở thành một tập thể đầu voi đuôi chuột vì một mệnh lệnh đưa ra từ cơ quan đầu sỏ không những biến thành hư vô tại cấp địa phương , mà còn gây chia rẽ trầm trọng tại quốc hội nữa. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Đà Giang với tựa đề: "Đảng đầu voi đuôi chuột. " sẽ được Vân Khanh trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Một trong những dấu hiệu ngày tàn của một thực thể chính trị, nhất là một chính đảng mang danh độc tài, toàn trị như CSVN, là việc các lãnh đạo tại thượng tầng cơ sở đưa ra những quyết nghị "thùng rỗng kêu to", nhưng khi thi hành ở hạ tầng cơ sở thì bị chìm xuồng, im hơi lặng tiếng.

Hiện tượng này xảy ra từ khi Nông Đức Mạnh còn nắm quyền tổng bí thư. Bộ chính trị dưới thời họ Nông từng đưa ra các quyết nghị như: "học tập và làm tốt theo gương và tư tưởng Hồ Chí Minh", buộc cán bộ các cấp phải thi hành triệt để. Tuy nhiên khi chỉ thị đưa xuống các chi bộ đảng, các cán bộ chỉ họp lấy lệ, họ thường chú trọng tới các vấn đề "áp phe" hay tranh chấp trong nội bộ đảng. Thậm chí nhiều chi bộ đảng không có đề tài thảo luận, nên lãnh đạo chi bộ đã ra lệnh cho các đảng viên ra sân đồng loạt đứng nghiêm, và ngẩn đầu lên trời ngắm trăng tập thể, thay vì học tập theo gương và tư tưởng 'bác Hồ'. Bởi đối với đại khối đảng viên, đảng và chủ nghĩa Mác Lê đã không còn lẽ sống.
Trong lúc căm thù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn khả năng ý thức khách quan về thực trạng của đảng. Ông đã thông qua một nghị quyết vô cùng hoành tráng trong hội nghị Trung Ương 5 (TƯ) vào tháng 6 vừa qua, có nội dung như sau:
"Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư đứng đầu, có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước. Ban Nội chính TƯ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng"
Sau đó bộ chính trị còn đưa ra chỉ thị, như một mệnh lệnh phải tuyệt đối tuân thủ y như thời của Stalin là:
"Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc TƯ quán triệt. Kết luận này đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng kế hoạch thực hiện một cách cụ thể, phù hợp và thiết thực.
Ðảng đoàn quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội và trong công tác phòng chống tham nhũng lãng phí.
Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng chủ trì phối hợp với đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), và kết luận này."
Nghị quyết này được các quan sát viên quốc tế đánh giá đây là một cái tát vào mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng là đương kim chủ tịch Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng (PCTN), nhưng bộ chính trị hiện nay xem ông ta như hoàn toàn tắc trách trong công tác này, và bị tước quyền.
Tuy nhiên vào ngày 22/8/2012, ông Dũng vẫn nghiễm nhiên chủ toạ phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN. Các quan sát viên chính trị trong và ngoài nước lẫn nhân dân, đều chờ đợi để đánh giá tiến trình chuyển nhượng quyền giám sát quốc nạn tham nhũng từ ông Dũng sang ông Trọng.
Ngày 18/9 vừa qua, báo điện tử thân với phe Nguyễn Tấn Dũng là VietnamNet loan tin rằng, Thường vụ quốc hội gặp phải khó khăn trong việc thi hành quyết nghị của bộ chính trị. Hai nhân vật chính của quốc hội là Chủ tịch ủy ban pháp luật Phan Trung Lý và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cho rằng:
1. Văn bản quy định pháp luật của quốc hội không thể quy định tổ chức, hoạt động, chức năng cơ quan đảng.
2. Đề xuất giao nhiệm vụ, trách nhiệm, chức năng của Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN cho tổng bí thư đảng đứng đầu, cũng không có căn cứ và chưa có tiền lệ.
Hai luận cứ trên có nghĩa rằng 14 vị trong bộ chính trị đã đưa ra một quyết định bất khả thi, vì đảng và nhà nước là 2 thực thể khác nhau. Tuy Nguyễn Sinh Hùng nói rằng quốc hội (tức nhà nước) không thể ra luật cho đảng. Nhưng kết quả của lập luận này, là Quốc hội không thể ra luật quy định cho tổng bí thư (tức thuộc đảng) làm chủ tịch Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, vốn là một cơ quan thuộc nhà nước được. Đây rõ ràng là một lập luận nghe ra tiến bộ, biết phân biệt ranh giới giữa đảng và nhà nước. Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Hùng và phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng đưa ra lập luận này không phải vì muốn thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đất nước, thật ra họ có ý ngăn chận hoặc cố tình trì hoãn trong việc Nguyễn Phú Trọng chủ trì công tác PCTN mà thôi! Dĩ nhiên phe của Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang có thể vin vào điều 4 hiến pháp mà lập luận rằng: điều 4 hiến pháp đã minh thị trao quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội cho đảng CSVN, nghĩa là quốc hội có toàn quyền thông qua các sắc luật, công khai trao quyền chủ tịch Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN cho tổng bí thư đảng, mà vẫn danh chánh ngôn thuận.
Làm như vậy, thế giới sẽ thấy sự phi lý của điều 4 hiến pháp và tính sỉ nhục của nó đối với toàn dân Việt Nam. Hiện tượng này sẽ phi lý và sỉ nhục tương tự cho dân tộc Hoa Kỳ, nếu quốc hội Hoa Kỳ thông qua một sắc luật: là bổ nhiệm chủ tịch của đảng Dân Chủ làm chủ tịch một ban chỉ đạo TƯ về PCTN tại Hoa Kỳ! Rõ rang, phe của Nguyễn Tấn Dũng đang nắm quyền trong tay với vô số bổng lộc ban phát cho tay chân của ông ta, họ sẵn sàng chống đối Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang tới cùng, với những lý lẽ căn cứ trên hiến pháp và luật pháp hiện hành.
Đảng CSVN đã đi vào giai đoạn cáo chung không những vì toàn bộ đảng viên đã tha hoá ở hạ tầng cơ sở, mà còn vì sự chia rẽ nội bộ trầm trọng giữa các cấp lãnh đạo cao nhất, ngay ở thượng tầng cơ sở như bộ chính trị và quốc hội.
Cuối cùng, tất cả những quyết định đao to búa lớn của bộ chính trị chỉ còn là những hành động vô nghĩa, mang tính cách "đầu voi, đuôi chuột". Người CSVN từ nay nên đổi tên đảng thành: "Đảng Đầu Voi, Đuôi Chuột" để phản ảnh thực tế này!
Đà Giang
1/10/2012

No comments:

Post a Comment