Thứ Ba ngày 23.10.2012
"Góc khuất cuộc đời" là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài. Mời quí thính giả lắng nghe câu chuyện Những mái nhà vô vọng ở Trà My, Quảng Nam của Phương Uyên, phóng sự này do Việt Trung thực hiện, qua sự trình bày của Hướng Dương.
Những mái nhà vô vọng ở Trà My, Quảng Nam
Những người dân miền núi Trà My kháo nhau rằng đại ngàn đã nổi giận, bởi con người đã đi quá đà, đã xúc phạm đến rừng thiêng và xem thường lời nguyền của thần núi. Con người đã chém ngang lưng núi rừng, và núi rừng rùng mình chống chọi với cơn đau. Trận rùng mình của núi rừng sẽ còn nhiều nữa, sẽ gây ra tang thương, chết chóc, động đất sẽ còn kéo dài, đến bao giờ con người trả đủ nợ với thiên nhiên.
Khi chúng tôi đến huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, trời đã xế chiều, mây phủ núi đồi, vài mái nhà tranh lấm tấm khói, vài chiếc xe chạy buồn thiu trên con đường vắng vẻ, vài người lom khom vác củi, một chiếc cầu treo băng qua làng tái định cư, một khu xóm nhỏ với vài chục mái nhà nhỏ nhoi nằm lúp xúp dưới thân đập cao vòi vọi. Đó là những gì đập vào mắt chúng tôi khi đến đây. Cảm giác bất an và nguy hiểm rình rập làm liên tưởng đến hàng tỉ khối nước trên đập sẽ đổ ào xuống nhận chìm rồi xóa mất dấu ngôi làng nhỏ tội nghiệp.
Những cái tên Trà Bui, Trà Đốc, Trà Linh vốn gắn liền với dân tộc K. Dong, họ đã sống ở đây hàng trăm năm, bình yên và hoang dã. Kể từ ngày đập thủy điện Sông Tranh 2 xây dựng, đời sống của họ bị đảo lộn theo chiều hướng xấu đi, sự hồn nhiên của họ được đánh đổi bằng nỗi lo sợ cái chết, cái đói và bằng sự mất mát tài sản, mất mát công ăn việc làm, đời sống co cụm, không biết về đâu.
Những khu tái định cư của người K. Dong với diện tích mỗi nhà rộng không quá 60 mét vuông, không có vườn tược, không có nước uống, không có điện thắp sáng, không có trạm y tế, trường học không ra trường học. Khi di dời để lấy đất cho nhà nước xây thủy điện, họ được đền bù giải tỏa mặt bằng với giá bốn ngàn đồng trên một mét vuông rừng, cái giá mà một mét vuông đất đổi không được một ổ bánh mì! Kinh khủng hơn là họ được trả chỉ mới hai ngàn đồng trên một mét vuông. Số tiền còn lại cho đến nay vẫn chưa nghe nói gì.
Mỗi gia đình di dời được trả mười lăm triệu đồng, được giao cho một căn nhà chưa ở đã xuống cấp vì bị rút ruột trong xây dựng, nhà nào cũng giống nhà nào, nứt tường vì động đất, cửa không trụ qua được một mùa mưa vì gỗ quá dỏm. Tâm lý người dân bị hụt hẫng, chùng xuống, đàn ông thì suốt ngày uống rượu vì thất nghiệp, đàn bà lẩn quẩn quanh nhà vì không có chuyện gì để làm. Phố không ra phố, quê không ra quê, núi cũng không ra núi.
Chỉ riêng con đường vào khu tái định cư, chúng tôi không dám tin đó là đường dành cho con người đi lại, ngay cả trâu bò, thú rừng chưa chắc đã đi qua con đường này được bởi đá dăm lởm chởm, lồi lỏm, khúc khuỷu và hiểm hóc, không có chiếc xe nào đi vào conm đường này được, đi bộ cũng khó khăn không kém.
Những đứa trẻ ở đây nhút nhát và sợ sệt mỗi khi có người lạ vào làng. Người lớn trong làng kể rằng từ lúc có động đất đến nay, với cường độ mỗi lúc một thêm mạnh, mỗi ngày có từ 3 đến 5 lần rung chấn, ngày không đến trường yên ổn, tối về ngủ cũng không được vì sợ sập nhà, đè chết. Những đứa trẻ trở nên hoang mang và luôn sợ hãi trước mọi việc. Nguy cơ sau này lớn lên, chúng sẽ trầm cảm hoặc tồn thương tâm lý. Nhưng họ biết làm sao khi chính quyền không có kế hoạch di dời. Ai sợ chết thì cứ đi, đi mà không có gì trong tay, lấy chi để sống?
Tuy đời sống nhân dân khốn khổ và nguy hiểm như vậy, nhưng chính quyền vẫn bình chân như vại.
Không những thế, chính quyền địa phương còn có dấu hiệu ăn chặn tiền đền bù của dân. Một người dân yêu cầu giấu tên kể với chúng tôi rằng số tiền mười lăm triệu đền bù đợt 2, do để quá lâu nên sinh lãi thành mười sáu triệu đồng, nhưng khi về đến xã, nó chỉ còn mười bốn triệu đồng, và nó bị ngâm gần hai năm trời.
Còn rất nhiều chuyện đau lòng, bất công, vô lý quanh khu thủy điện Sông Tranh 2. Chúng tôi xin đề cập trong kỳ tới.
Phương Uyên
No comments:
Post a Comment