Saturday, October 13, 2012

Mưa Sài Gòn nhớ ba và anh!

Thứ Sáu ngày 12.10.2012     

Bây giờ là chuyên mục "Lá thư tuổi trẻ" do Phùng Kiên phụ trách. Kính mời quí thính giả nghe lá thư của Phương Uyên gửi anh trai Nam Quan qua giọng đọc của Dian.
Anh ạ, bây giờ đang là mùa mưa, Sài Gòn ướt sũng, phố chảy thành sông, nhưng là những dòng sông đen, những dòng sông không có sự sống, không có cá lội tung tăng. Chỉ có những con người ướt át, ngột ngạt và mệt mỏi chịu trận cùng con nước đen. Em chợt nghĩ đến một Sài Gòn xưa, Sài Gòn của sạch sẽ, hoa lệ và tử tế.

Em còn nhớ, lúc còn sống, sau một ngày dài dong ruổi đạp xích lô khắp phố phường Sài Gòn để kiếm cơm trở về, ba thường ngồi trầm tư rất lâu trong bữa ăn và nói với mẹ rằng có lẽ Sài Gòn sẽ mất dấu, vì Sài Gòn không còn sự tử tế.
Lúc đó, anh em mình còn nhỏ, không hiểu ý ba định nói gì, nhưng càng về sau, khi anh học cấp ba, em thì hết cấp một, rồi anh tốt nghiệp cấp ba mà không được thi vào đại học vì lý lịch nhà mình có cha mẹ dính đến chế độ cũ, chính quyền ghép cho mấy chữ "con ngụy", thì em mới hiểu ra rằng ba của mình đã đau khổ biết nhường nào.
Ba thường nói rằng Sài Gòn những năm trước 1975, có nhiều cây xanh, có những con đường thơ mộng và có những con người lịch lãm, tử tế. Sự lịch lãm của họ không chỉ biểu hiện trong ăn mặc, nói năng mà nó hàm chứa trong cả tác phong, sự hiểu biết và sẻ chia. Sự tử tế không phải là kiểu nói suông, nói cho có, nói để làm sao người ta bị mê hoặc bởi luận điệu của mình, mà nó hàm chứa trong cách con người suy nghĩ về nhau.
Ví dụ chuyện mưa ngập như lũ lụt ở Sài Gòn, chắc chắn chỉ có gần đây, vì trước đây, Sài Gòn không bị xẻ ngang xẻ dọc, hầm hố khắp nơi như bây giờ, và người Sài Gòn cũng không đến nỗi đông đúc, bon chen đến nỗi dẫm đạp lên nhau mà sống như bây giờ. Nói như thế, không hẳn em cực đoan nghĩ rằng Sài Gòn không còn người tử tế, mà có rất nhiều người tử tế nữa là đằng khác, nhưng họ phải cất kĩ sự tử tế trong ngăn ký ức để sống với một thực tại xã hội cuống cuồng, dẫm đạp và nhẫn tâm.
Thì làm sao họ có thể tử tế được khi cả vài ba thế hệ phải đối diện với tương lai mù! Chưa có bài toán nào mà hóc búa, vô phương giải đáp như bài toán qui hoạch thành phố bây giờ, cứ mỗi lần qui hoạch, làm đường, thông thoát nước, nạo vét sông, thì đường trở nên xấu hơn, phố ngập nhiều hơn và sông đen hơn, hôi hám, ám tối. Đó mới chỉ là cơ sở hạ tầng. Nói về văn hóa, thử nghĩ, những người có cao vọng, có học vấn, có trí tuệ và có ước nguyện cống hiến cho xã hội, quốc gia phải làm việc dưới sự điều hành, chỉ đạo của những kẻ không có văn hóa, học vấn cũng thiếu nốt, thì làm sao có thể tìm ra một sài Gòn hoa lệ, lịch lãm và văn minh?
Mà đâu chỉ riêng Sài Gòn, khắp đất nước này, người ta thi nhau xây dựng tượng đài, xây dựng khu tưởng niệm, đụng đâu cũng thấy vài chục tỉ đồng, thậm chí vài trăm, có nơi cả ngàn tỉ đồng. Như trường hợp tượng đài bà mẹ Thứ ở Quảng Nam, con số lên đến gần một ngàn tỉ đồng, tiền trích ra từ ngân sách nhà nước. Nhưng, ai là người đóng vào ngân sách nhà nước? Thì nhân dân chứ còn ai. Nhân dân gồm những ai? Gồm hơn 90% là nông dân, gồm cả người buôn bán nhỏ lẻ và cả những người già trên 70 tuổi hằng ngày đi bán từng bó rau, con tép, lọn trầu ngoài chợ.
Có không biết bao nhiêu tượng đài dựng lên, chiếm diện tích, chiếm tiền của, chiếm cả tầm mắt của con người, để đổi những thứ ấy, nhân dân phải còng lưng chịu khổ, phải ăn nhín uống nhịn cho việc đóng thuế, và đôi khi, nhân dân phải chịu cảnh lành không có ăn, bệnh không thuốc uống. Họ sống thoi thóp bên cạnh sự thừa mứa, vương giả và phù phiếm của kẻ nhân danh đầy tớ nhân dân mà phè phỡn.
Lẽ ra, tượng đài cần xây dựng bây giờ phải là tượng đài cùng khổ, bởi, nói về Việt Nam, tượng đài lớn nhất, biểu tượng rực rỡ nhất chính là sự cùng khổ, nghèo khó và thiếu đói của đại bộ phận nhân dân. Nhưng người ta đã bỏ qua, đã làm ngơ trước điều này. Người ta chỉ cần biết xây dựng, càng hoành tráng, càng rực rỡ, thì càng thích thú vì có cớ để chấm mút, tham nhũng.
Trở lại chuyện Sài Gòn, anh thấy đấy, từ hầm chui Văn Thánh cho đến kênh Nhiêu Lộc, đâu cũng thấy bỏ ra vài trăm tỉ, vài ngàn tỉ để xây dựng, cải tạo. Nhưng, ở đâu cũng có cảm giác giống như đứng trên cái bẫy, qua hầm thì sợ trơn trợt do ẩm thấp, thậm chí sợ bị sập bất kì lúc nào, chiều chiều ra bờ kênh hóng gió thì sợ mùi hôi thối, ô nhiễm, mầm bệnh. Cứ như vậy, đi đâu cũng thấy sợ, cuống cuồng trong nỗi sợ, thì còn biết làm gì hơn là cố gắng mà tồn tại, mà thở.
Em nghĩ rằng, trong một xã hội mà sự tử tế bị ruỗng mục một cách có hệ thống từ kiến trúc thượng tầng đến cơ sở hạ tầng thì e rằng khó có thể hy vọng thay đổi được gì! Anh từng ví von bộ máy chính quyền Việt Nam giống như một cơ thể đang hoại thư, vô phương cứu chữa. Anh đã nói đúng, nhưng chưa đủ anh ạ, vì, em thấy rằng, cái cơ thể hoại thư này nó không dừng ở mức độ tự hủy hoại mà đang có nguy cơ gieo rắc, nhân số lượng mầm bệnh và hủy hoại hàng loạt. Biểu hiện rõ nhất là sự tử tế đang trên đà mất dấu tại đất nước này.
Có lần anh nói với em rằng khi máy bay cất cánh, ngồi từ trên cao quan sát xuống thành phố Sài Gòn, anh không còn nhìn thấy Sài Gòn hoa lệ thưở nào mà chí thấy một bãi nghĩa địa Hồ Chí Minh với hàng triệu chiếc hộp bê tông tựa nhà mồ. Lúc nghe anh nói, em lắc đầu và cho rằng anh hay làm trầm trọng vấn đề. Nhưng giờ ngồi ngẫm lại, tự dưng em thấy rùng mình liên tưởng đến một bãi nghĩa địa Hồ Chí Minh – nơi có hàng triệu ngôi nhà mồ bê tông và vắng bóng cây xanh, đang dần chôn sống sự tử tế của Sài Gòn xưa.
Đến bao giờ Sài Gòn trở lại với cái tên và sự tử tế của mình? Câu hỏi nghe tưởng đơn giản nhưng hóa ra lại quá mơ hồ khi anh em mình vẫn còn đang sống dưới chế độ độc tài, hay nói đúng hơn là đang sống dưới một nấm mồ chôn sống sự tử tế.
Thật là buồn phải không anh? Thôi, em dừng viết đây, cầu chúc anh vẫn còn mãi hình ảnh thành phố thân yêu của mình!
Em.

No comments:

Post a Comment