Đảng CSVN họp hội nghị trung ương
Hội nghị 6 của Trung ương đảng CSVN bắt đầu nhóm họp từ mùng 1 đến 15 tháng 10 để đưa ra các kế hoạch lãnh đạo và bàn về thành phần lãnh đạo tương lai. Tuy nhiên tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố trong diễn văn khai mạc rằng "Trung ương chưa thể bàn về nhân sự quy hoạch cụ thể". Được biết 175 ủy viên trung ương đảng CSVN sẽ phải thảo luận những vấn đề hóc búa như chọn lãnh đạo, kinh tế, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, vấn đề sở hữu đất đai, thay đổi giáo dục đào tạo và phát triển khoa học công nghệ.
Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia Úc theo dõi sát tình hình Việt Nam nhận định rằng đây là một hội nghị đặc biệt vì được triệu tập vào lúc nhiều chuyện đang diễn ra như phê bình và tự phê, tranh chấp nội bộ và ai sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng tham nhũng trong lãnh vực kinh tế, tập đoàn nhà nước và ngân hàng. Ông Thayer nhắc lại hầu hết các quan chức tham nhũng mà báo chí loan tải đều do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm hoặc là người thân cận. Ông Thayer cho rằng ban chấp hành trung ương có thể sẽ kỷ luật một số ủy viên và trong thời gian gần đây một số ủy viên đã
bị sắp xếp lại chức vụ.
Cam Bốt kết án nhà báo 20 năm tù vì chống thủ tướng Hun Sen
Ông Mam Sonando, 71 tuổi, người điều hành đài phát thanh Beehive Radio đã bị kết án 20 năm tù về tội kích động một cuộc nổi loạn chống lại thủ tướng Hun Sen. Ông Sonando từng vận động cho quyền tư hữu đất đai tại Cam Bốt cũng bị cáo buộc xúi dục dân làng trong tỉnh Kratie đứng lên chống lại chính quyền. Ông ta phủ nhận các cáo buộc trong phiên tòa. Các tổ chức nhân quyền lên án phán quyết này, và cho rằng nhà cầm quyền Hun Sen cố bóp nghẹt tự do ngôn luận. Hiện nay tình trạng tranh chấp đất đai đang gia tăng kể từ khi nhiều công ty muốn khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Cam Bốt. Các tổ chức nhân quyền tố cáo chính phủ cấp giấy sang nhượng đất làm kinh tế cho các công ty, và sau đó đuổi nông dân khỏi vùng đất sinh ra và lập nghiệp.
Nhật cải tổ nội các
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda bắt đầu cải tổ nội các với hy vọng được dân chúng ủng hộ nhiều hơn sau vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc gần đây. Phát ngôn nhân chính phủ Osamu Fujimura cho biết tất cả các bộ trưởng đã đồng loạt từ chức. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy uy tín của thủ tướng Noda đang đi xuống kể từ khi đưa ra dự luật tăng thuế, và chưa giải quyết được cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Được biết thủ tướng Noda giữ lại hai bộ trưởng trong nội các là ngoại trưởng Koichiro Gemba và bộ trưởng quốc phòng Satoshi Morimoto. Bộ trưởng tài chính sẽ là ông Koriki Jojima, một nhân vật ít người biết đến, và bộ trưởng giáo dục là bà Makiko Tanaka, một chính khách thân thiện với Trung Quốc. Bà Tanaka là con một chính khách Nhật từng có công bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Trong một thời gian ngắn, bà Tanaka cũng từng nắm chức ngoại trưởng trong nội các của thủ tướng Junichiro Koizumi. Giáo sư nghành ngoại giao Takehiko Yamamoto tại đại học Waseda cho rằng việc bổ nhiệm bà Tanaka là một thông điệp tốt đối với Trung Quốc vì được Bắc Kinh coi trọng. Bà Tanaka sẽ dùng các cơ hội trao đổi văn hoá với Trung Quốc qua chính sách của bộ giáo dục để cải thiện mối bang giao đang xuống thấp giữa hai cường quốc Á Châu. Trong khi đó hạm đội Hoa Đông của hải quân Trung Quốc vừa tập trận bắn đạn thật trên biển Hoa Đông dưới sự phối hợp của chiến hạm và chiến đấu cơ. Hải quân Hoa Kỳ lập tức gửi hai chiến hạm USS John C. Stennis và USS George Washington đến vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Trung Quốc tổ chức lễ quốc khánh trên đảo Phú Lâm
Tân Hoa Xã cho biết thành phần quân dân cán chính trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là Phú Lâm đã tham gia lễ quốc khánh lần thứ 63 tại quãng trường trước tòa thị chánh vào hôm thứ hai mùng 1 tháng 10 vừa qua. Thị trưởng Tiêu Kiệt của thành phố Tam Sa khẳng định sẽ luôn đặt công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia lên hàng đầu. Đây là một trong những đảo thuộc Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng. Tưởng cần nhắc lại Tam Sa là thành phố được Bắc Kinh tuyên bố thành lập vào giữa năm nay để quản lý đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa, và đào Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định mọi hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam dựa trên nguyên tắc đã ký kết giữa hai nước và không phù hợp với nguyên tắc ứng xử DOC để duy trì ổn định tại Biển Đông.
No comments:
Post a Comment