Tuesday, October 30, 2012

Góc Khuất Cuộc Đời

Thứ Ba ngày 30.10.2012     
Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi tiếp phần 2 câu chuyện “Những Mái Nhà Vô Vọng Ở Trà My, Quảng Nam” của Phương Uyên, do Việt Trung thực hiện, qua giọng đọc của Hướng Dương.
Khoảng 6 giờ chiều, chúng tôi ghé vào thăm một gia đình người K. Dong mà theo như lời người dẫn đường nói thì gia đình này có truyền thống gắn bó với thiên nhiên mạnh nhất so với những gia đình khác. Nghĩa là người chủ nhà có thể hiểu được ít nhiều những biểu hiện và ngôn ngữ của động vật hoang dã. Một phần vì tò mò, phần khác, chúng tôi nghĩ rằng qua người này, chúng tôi sẽ biết được chính xác hơn về thiên nhiên ở đây trước khi có động đất.

Người chủ nhà không nói gì, ông bận uống rượu, một chai rượu gạo còn lưng nửa đặt trên sàn nhà ghép bằng nứa, hai trái ổi xanh làm mồi. Trong nhà, mỗi người ngồi mỗi góc, chưa thấy nấu cơm chiều. Khung cảnh chẳng khác nào nhà có tang. Người dẫn đường nói rằng phần lớn những người dân ở đây bây giờ là vậy. Chúng tôi tiếp tục đi đến những nhà khác, dường như chẳng có gì khác, nhà trống hoác trống hươ, vẻ đói rách, tiều tụy và tuyệt vọng hằn rõ trên gương mặt thiếu ngủ của họ.
Thi thoảng, mặt đất rung lên, nổ đì đùng phía xa trong lòng hồ, mái nhà rùng rùng, cảm giác chao đảo thoáng qua.
Đến cuối thôn, trời đã chuyển chạng vạng, chủ nhà tiếp chuyện chúng tôi là một phụ nữ trạc tuổi năm mươi, bà có đôi mắt sâu, buồn và mệt mỏi, bà kể rằng từ ngày thủy điện xây dựng đến giờ, chưa có đêm nào bà ngủ ngon giấc, thậm chí, có nhiều đêm nằm nghe tiếng nổ trong lòng đất, bà vơ vội chiếc mền phủ lên đầu mấy đứa cháu, lôi chúng chạy ra khỏi nhà, nhìn vẻ mặt hốt hoảng, ngờ ngệch và ngái ngủ của chúng, bà thấy mình có lỗi, bà lo cho tương lai của chúng, không biết với sự hốt hoảng thường xuyên giữa giấc ngủ như vậy, sau này chúng sẽ ra sao.
Nói xong, bà dắt chúng tôi đi xem những chỗ nứt trên tường nhà, có vẻ như nhà bà thuộc diện bị nứt nẻ nhiều nhất trong thôn, mặc dù bóng tối đã phủ xuống nhưng chỉ cần bật đèn pin trên điện thoại di động lên rọi qua là đã thấy vết nứt toang hoác trên tường, cả một căn nhà với bốn mảng tường chi chit vết nứt, những thân cột bị nứt ngang, nguy cơ ngôi nhà sẽ đổ xuống bất kì giờ nào. Vì sợ nhà sập, nên hầu như những ngôi nhà có vết nứt nhiều đều phải cất thêm một căn nhà lá để ở, họ hiếm khi bước vào ngôi nhà xi măng của họ. Đời sống vốn dĩ phiêu linh của họ càng thêm vẻ tạm bợ, lây lất.
Sáng hôm sau, chúng tôi trở lại khu tái định cư của người Kinh ở thôn 4 Trà Đốc, buổi sáng, tìm mỏi con mắt cũng không ra quán cà phê, thi thoảng thấy quán cóc với vài xị rượu đế, vài trái cóc bán cho thanh niên dân tộc K. Dong. Dường như người dân trong khu tái định cư đã bỏ quên thói quen uống cà phê buổi sáng vì họ sợ mất ngủ, chính những đêm động đất đã làm họ thức trắng, uống cà phê đối với họ chẳng khác nào thuốc độc giết mất khả năng ngủ còn sót lại trong họ. Chỉ có rượu mới giúp họ thoát khỏi mọi lo toan và muộn phiền trước thực tế đời sống quá ư phũ phàng và phiền lụy.
Không đi làm, không có thu nhập, họ lấy đâu ra tiền để uống rượu? Người dẫn đường cho biết thêm rằng họ uống rượu đứng, nghĩa là họ chỉ cần hai ngàn đồng, ra uống một ly rượu, nhấm nháp một miếng cóc miễn phí, đứng một chút hoặc về ngay để ngủ, tiền dành dụm mấy mươi năm nay cộng với số tiền đền bù đất ít ỏi sẽ là cứu tinh cho bữa cơm gia đình và ly rượu tìm giấc ngủ của họ bây giờ.
Nghe đến đây chúng tôi cảm thấy rùng mình, nổi gai ốc nghĩ đến chuyện một mét vuông đất rừng đã bao đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời của người dân chỉ đổi được đúng một ly rượu gạo để uống tìm giấc ngủ. Để rồi sống trong thấp thỏm lo âu, thấp thỏm chờ đợi người ta đền bù tiếp hai ngàn đồng trên mỗi mét vuông đất như đã hứa.
Mọi thứ chỉ là lời hứa, ngay cả số tiền mười sáu triệu còn lại, suốt hai năm nay chính quyền cũng ếm nhẹm của người dân, đến khi họ lên tiếng thì chỉ còn mười bốn triệu trên giấy tờ. Phải chăng những kẻ nắm bộ máy chính quyền địa phương đang chờ đợi khi động đất lớn xãy ra, người dân sẽ không còn nữa để đòi nợ?! Và họ nghiễm nhiên ôm tiền đến ngôi nhà mới họ đã mua sẵn ở thành phố để nhởn nhơ hưởng lạc? Nhìn đời sống của người dân, đau khổ và thiếu thốn, nhìn ra quán nhậu, nhà hàng thị trấn Trà My toàn những quan chức ngồi hú hí, lán trơn, vô tư ăn nhậu trên nỗi khổ của đồng loại. Chẳng biết nói làm sao về chế độ này!

No comments:

Post a Comment