Lãnh đạo CSVN củng cố quyền lực
Kết quả từ hội nghị trung ương 6 của đảng cộng sản Việt Nam cho thấy thành phần lãnh đạo tiếp tục duy trì quyền lực và không ai bị kỷ luật về những vi phạm nghiêm trọng đối với tình hình đất nước. Người dân không khỏi thắc mắc về những thông tin từ hội nghị như bộ Chính trị xin kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng Trung ương không cho viện cớ vì tình đoàn kết, thương yêu nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm theo phương châm "trị bệnh cứu người".
Được biết bộ Chính trị và ban Bí thư đã tự phê bình và nhận lỗi trước ban chấp hành Trung ương về những yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ đảng viên theo như Nghị quyết Trung ương 4. Tin từ hội nghị còn nói rõ về đề nghị kỷ luật, ban chấp hành Trung ương đã thảo luận và quyết định không thi hành kỷ luật đối với bộ Chính trị và một đồng chí trong bộ Chính trị, nhưng yêu cầu bộ Chính trị sửa chữa khuyết điểm, không để các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá. Ban chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận lỗi trước toàn đảng và hứa cố gắng sửa sai.
Máy bay thực tập trên hàng không mẫu hạm Trung Quốc
Hình ảnh chụp bởi phóng viên AP cho thấy chiến đấu cơ J-15 và trực thăng Z-8 đã thực tập đáp và cất cánh từ sân bay của hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc. Tân Hoa Xã loan tin hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã rời bến vào tối thứ bẩy 13 tháng 10 để bắt đầu thử nghiệm khả năng hoạt động ngoài khơi cùng với các loại máy bay do Trung Quốc sản xuất dựa trên mô hình thiết kế của Nga và Pháp. Trung Quốc muốn dùng Liêu Ninh như là một bệ phóng thử nghiệm cho các hàng không mẫu hạm tự chế tạo trong tương lai. Hiện nay Trung Quốc dẫn đầu các nước Á Châu về khoảng chi tiêu quân sự. Bản báo cáo từ trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế tại Washington cho thấy vào năm 2011, Bắc Kinh chi 25,8 tỷ mỹ kim để hiện đại hoá vũ khí và nghiên cứu, phát triển khả năng quân sự so với 7,3 tỷ mỹ kim chi cho năm 2000. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Hàn và Đài Loan tổng cộng lên đến 224 tỷ mỹ kim vào năm 2011, so với ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ hơn 600 tỷ mỹ kim mỗi năm. Nhật Bản chi nhiều tiền huấn luyện binh sĩ nhiều nhất so với các nước tại Á Châu. Vào năm 2011, Nhật Bản đã bỏ ra 238 ngàn mỹ kim để huấn luyện 1 binh sĩ trong số 244 ngàn 300 lính.
Nhật Bản vận động thế giới ủng hộ trong vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba và 3 quan chức cao cấp sẽ đến các nước Anh, Pháp và Đức trong tuần này để vận động sự ủng hộ của các cường quốc đối với cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông Osamu Fujimura, chánh văn phòng nội các Nhật cho biết chính quyền Tokyo cần vận động cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với cộng đồng quốc tế bằng cách giải thích lập trường và quan điểm của Tokyo đến giới lãnh đạo và truyền thông ngoại quốc. Chính quyền Nhật Bản cũng chuẩn bị đưa ra những tài liệu chứng minh chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng 10 ngôn ngữ thông dụng để giúp các nhà ngoại giao hiểu rõ lập trường của Nhật Bản. Vào đầu tháng 10, bộ ngoại giao Nhật đã phổ biến một bài viết với nhan đề "Ba Sự Thật về Quần Đảo Senkaku" để tóm lược quan điểm và nhấn mạnh các đảo thuộc lãnh thổ của Nhật dự theo yếu tố lịch sử và luật quốc tế. Trung Quốc từng bỏ ra hàng trăm ngàn mỹ kim để đăng quảng cáo kiên định chủ quyền trên các tờ báo Hoa Kỳ và Pakistan. Giới quan sát cho rằng chính quyền Tokyo đang tiến hành hai biện pháp song phương, một mặt đồng ý trở lại đàm phán ngoại giao với Bắc Kinh để xoa dịu căng thẳng, mặt khác cố gắng giành được sự ủng hộ của quốc tế bằng cách vận động các cường quốc. Trong khi đó phát ngôn nhân Hồng Lỗi của Trung Quốc cho rằng những nỗ lực của Nhật Bản sẽ không mang lại kết quả. Ông Hồng nhấn mạnh "Quần đảo Điếu Ngư là một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xưa".
2 giáo sư Hoa Kỳ đoạt giải Nobel Kinh Tế
Giáo sư Lloyd Shapley của đại học UCLA, và Alvin Roth của đại học Harvard hiện đang giảng dậy tại Stanford đã đoạt giải Nobel Kinh Tế từ những cách ghép bác sĩ với bệnh viện, ghép học sinh với trường học, chọn thận cho người cần được ghép, giúp đàn ông và đàn bà chọn được người bạn đời tri kỷ. Giáo sư toán Lloyd Shapley, 89 tuổi, đã cùng cố giáo sư David Gale nghĩ ra công thức ghép 10 người đàn ông với 10 người đàn bà để có những gia đình lý tưởng vào năm 1962. Mô hình này cho thấy không ai có thể xứng đôi vừa lứa so với những người được ghép. Giáo sư Alvin Roth, 60 tuổi đã dựa vào mô hình này để phát hoạ ra những công thức áp dụng trong nhiều trường hợp của cuộc sống. Chương trình chọn bác sĩ thực tập cho nhà thương Hoa Kỳ đang áp dụng công thức ghép người đúng chỗ của giáo sư Roth. Hệ thống trường công lập tại New York cũng dùng công thức này để giúp học sinh chọn đúng trường theo sở thích và khả năng. Công thức ghép cũng cứu được nhiều bệnh nhân kiếm được thận hợp với cơ thể của mình. Giáo sư Shapley tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tin mình đoạt giải Nobel Kinh Tế trị giá 1,2 triệu mỹ kim cùng với giáo sư Roth. Giáo sư toán Shapley cho biết cả đời chưa học đến một lớp kinh tế, nhưng lại đoạt giải Nobel về Kinh Tế. Ông còn khôi hài cho rằng đã qua mặt cha ông là nhà thiên văn nổi tiếng Harlow Shapley, người đã ước tính được chính xác chu vi thiên hà Milky Way, nhưng không hề được giải Nobel.
No comments:
Post a Comment