Thứ Ba ngày 16.10.2012
Lời Dẫn: Kính thưa quí thính giả! Kể từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, trên dải đất quê hương có hình chữ S của chúng ta đã liên tiếp xãy ra những biến cố đau lòng mà hệ lụy của nó là làm cho hàng triệu gia đình phải ly tán, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ em mồ côi… Và, cho đến thời điểm bây giờ, mọi uẩn khúc, bi trắc của đời sống vẫn diễn ra hằng ngày. “Góc Khuất Cuộc Đời” là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài. Trong lúc nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục đưa ra những luận điệu mị dân nhằm bưng bít mọi thông tin có tính bất lợi cho nền độc tài của họ trước công luận quốc tế, thì có hàng triệu gia đình Việt Nam phải ra đường vì bị nhà nước, tư bản đỏ, trọc phú toa rập với chính quyền cướp trắng đất của nhân dân. Và, trên đất nước thân yêu vốn chịu nhiều nhân họa, thiên tai này, có những gia đình sống lây lất, không lối thoát, bữa ăn, cái mặc đối với họ luôn là một thứ gì đó gây bất an, đau khổ, mặc dù họ vẫn nỗ lực vượt qua bản thân hằng ngày. Điều này do đâu mà có? Những cuộc đời đau khổ, chịu thiệt thòi bởi bất công, tội ác kia rồi sẽ về đâu? Số phận những đứa trẻ được sinh ra dưới mái nhà Việt Nam khốn khổ này rồi sẽ ra sao? Thiết nghĩ, đó là một nan đề mà câu trả lời thuộc về quí thính giả, thuộc về lương tri dân tộc và tư duy tự do, ý hướng dân chủ cần phải có như một nhu cầu tối thiết đối với quốc gia Việt Nam. Chuyên mục “Góc Khuất Cuộc Đời” của bổn đài chính thức đi vào hoạt động với sứ mệnh đưa ra ánh sáng công luận những điều vô lý đã bị bưng bít, đưa ra trước lương tri nhân loại những số phận thiệt thòi, đau khổ do tội ác độc tài mang lại. “Góc Khuất Cuộc Đời” xin được mở đầu với phóng sự “Những Người Mù Lang Thang Kiếm Cơm Và Trại Tế Bần Đà Nẵng” do Hoàng Tín thực hiện qua sự trình bày của Hoàng Ân. Mời quý thính giả cùng theo dõi.
Họ không có nhà cửa, không có tài sản và không có gì ngoài một ngày mai mù lòa, rày đây mai đó, bán từng chiếc chổi, cái lược, cây kẹo... để kiếm sống qua ngày. Vào mùa Đông, đường trơn trợt, ngồi co ro với cái lạnh nhưng không có gì để bỏ vào bụng, họ nghĩ đến việc đi tụng kinh kiếm bữa cơm độ nhật. Nhưng, đời sống của họ cũng không được yên bởi công an và những cái lệnh kỳ cục của chính quyền. Đó là những gì có được của những người mù trong các hội người mù trên cả nước.
Trong giới hạn bài viết này, chúng tôi xin kể cùng quí thính giả câu chuyện của một người mù chịu nhiều oan ức ở hội người mù Điện Bàn, Quảng Nam.
Ba giờ chiều, lúc này ngoài trời hơi hửng nắng, chúng tôi rẽ vào thăm những người bạn mù mà chúng tôi đã gặp trên đường trong lúc họ lang thang đi bán chổi, tụng kinh và bán kẹo bánh. Bước vào bên trong căn phòng của hội người mù thì gặp một không gian tối om, muỗi bay vo ve, thi thoảng có tiếng đập muỗi lốp đốp.
Chúng tôi lên tiếng chào, nhận ra giọng nói quen, họ tiếp chuyện, cũng trong không gian tối om. Ông Hùng, một người đàn ông cao tuổi trong hội cho biết ông là người từng bị nhốt vào trại tế bần Đà Nẵng cùng với hai người khác cũng là hội viên hội người mù Điện Bàn gần một tháng. Và đó là một kinh nghiệm buồn và tủi nhục nhất trong đời mà ông đã nếm trải.
(trích lời video1)
Một lần, đi bán chổi ở thành phố Đà Nẵng, ông Hùng bị công an Đà Nẵng bắt ngay trước cổng chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng vì tội "ngồi không đúng nơi qui định". Thấy vô lý, ông Hùng hỏi lại phía công an vậy đâu là nơi qui định, vì ông cũng ngồi như những người bán hàng khác, họ trả lời ông rằng nơi đâu họ cảm thấy ông không được ngồi thì nơi đó không đúng nơi qui định. Vì đây là thành phố mỹ quan, không để người lang thang xin ăn xuất hiện trong thành phố. Ông Hùng nói mình không phải là người ăn xin, mình chỉ bán chổi kiếm cơm qua ngày. Công an không nói thêm câu nào, khóa tay, đưa ông lên xe bít bùng và chở về trại tế bần Đà Nẵng. Tại đó:
(Trích lời video 2)
Sau đó gần một tháng trời, phải xin xỏ, nhiều lần trốn khỏi trại, cuối cùng, ông Hùng mới được người bà con trong tộc bảo lãnh ra trại để tiếp tục đi bán chổi kiếm cơm. Qua một thời gian không ngắn nhưng nội thương do bị công an bấm huyệt vẫn âm ỉ đau khiến ông càng thêm yếu ớt và mệt mỏi trong những mỗi lần kiếm sống. Bày tỏ suy nghĩ của mình về những chính sách của nhà nước đối với người nghèo và quan điểm về một xã hội văn mình, ông Hùng nói:
(trích lời video 3)
Nói là nhà tình thương dành cho người không nơi nương tựa, nhưng sao lại kín cổng cao tường, lại nuôi chó săn giữ người? Và khi vào trại, những người không đủ khả năng lao động phải đi làm lao động theo qui định, chẳng khác nào những người tù khổ sai! Nhà tình thương dành cho người khốn khó nhưng sao lại làm cho những người khốn khó như ông Hùng thấy khiếp sợ?
Đáng khiếp sợ hơn nữa là số điện thoại đường dây nóng 05113. 550.550 đã khiến cho nhiều người ăn xin chuyển qua săn đồng nghiệp, bẫy đồng nghiệp vào thành phố rồi gọi công an đến bắt để lãnh thưởng hai trăm năm mươi ngàn đồng. Thậm chí nhiều sinh viên, học sinh cũng tham gia truy bắt ăn xin, người bán dạo trong thành phố. Ông Hùng là một trường hợp nạn nhân điển hình.
Nghe xong câu chuyện, chúng tôi tạm biệt ông Hùng, tạm biệt những người bạn mù, tạm biệt căn nhà ám tối, không có khái niệm thời gian của họ. Sau lưng chúng tôi, ai đó còn hát vọng theo: Nhìn mặt trời mà không chói lóa, là hội người mù Việt Nam.
Hoàng Tín
No comments:
Post a Comment