Sinh viên Nguyễn Phương Uyên bị cáo buộc chống nhà cầm quyền
Vào sáng thứ ba 23 tháng 10, bà Nguyễn Thị Nhung, mẹ của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã lặn lội đến tìm con tại đồn công an tỉnh Long An và được biết cô Uyên đang bị giam tại 159 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Tân An về tội tuyên truyền chống chế độ theo điều 88 bộ luật hình sự. Đây là tội danh mà nhà cầm quyền thường gán cho người chống đối với bản án từ 3 đến 12 năm tù.
Có nguồn tin cho rằng nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên được giao phó chụp hình vụ rải truyền đơn do tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước thực hiện tại cầu An Sương đoạn quốc lộ 1 A – Trường Chinh – Sài gòn vào ngày 10 tháng 10. Được biết nội dung in trên truyền đơn kêu gọi đồng bào Việt Nam đứng lên chống lại bạo quyền độc tài Cộng Sản và đấu tranh cho Tự Do, Nhân Quyền và Công Lý. Truyền đơn cũng kêu gọi tuổi trẻ cùng nhau xuống đường để cứu nước đang bị Trung Quốc xâm lăng và bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Nguồn tin trên cũng cho rằng công an đã gài người vào tổ chức Tuổi Trẻ Yêu Nước từ tháng 2 năm 2012 để theo dõi các sinh hoạt trên Paltalk.
Lính Hoa Kỳ sẽ luân phiên tập trận tại Á Châu- Thái Bình Dương
Trung tướng lục quân Hoa Kỳ Francis J. Wiercinski cho biết lính trở về từ chiến trường Iraq và Afghanistan sẽ được luân phiên đưa đến vùng Á Châu- Thái Bình Dương để tập trận với lính của các nước đồng minh trong vùng. Thời gian biệt phái có thể chỉ từ 30 đến 45 ngày, đủ để làm quen và trao đổi kinh nghiệm với lính của các nước khác. Ngoài ra, chiến cụ từ Iraq và Afghanistan thay vì đưa về Hoa Kỳ sẽ được đưa thẳng đến dùng lại tại các nơi trú đóng tạm thời trong vùng Á Châu- Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trung tướng Wiercinski khẳng định chiến lược trở lại Á Châu-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ không thay đổi binh pháp của lục quân. Ông còn cho biết quân đội các nước sẽ cùng nhau thực tập cứu hộ và cứu trợ để đối phó với thiên tai như động đất, sóng thần và bão lụt. Hiện nay lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ được luân phiên đưa đến Darwin, Úc Đại Lợi mỗi 6 tháng để tập trận với lính Úc. Chiến hạm Hoa Kỳ cũng sẽ bắt đầu luân phiên đến Singapore vào mùa xuân năm 2013.
3 chiến hạm Trung Quốc tới gần đảo Okinawa của Nhật Bản
Bộ quốc phòng Nhật Bản hôm thứ ba xác nhận 3 chiến hạm Trung Quốc đã xuất hiện trong vùng biển giữa đảo Miyako và Okinawa. Máy bay tuần tra P-3C Orion của Nhật Bản đã phát hiện 3 chiến hạm này vào khoảng 5 giờ chiều thứ hai trong lúc tàu chiến di chuyển về hướng bắc, cách đảo Okinawa khoảng 470 cây số. Ba chiến hạm Trung Quốc gồm 2 tàu khu trục trang bị tên lửa và một tàu hộ tống. Gần đây 7 tàu chiến Trung Quốc cũng xuất hiện trong vùng biển giáp hải phận Nhật Bản, gần đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa. Trong khi đó, lực lượng tuần duyên Nhật cũng cho biết 4 tàu hải giám Trung Quốc tiếp tục xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong 4 ngày liên tiếp. Những tàu này đã đi vào vùng biển gần đảo Uotsuri, là đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vòng 15 phút vào lúc 8 giờ 40 sáng thứ ba.
1/4 công ty Nhật sắp ngưng đầu tư vào Trung Quốc
Cuộc khảo sát của Reuters với 400 công ty Nhật Bản từ mùng 1 đến 17 tháng 10 cho thấy khoảng một phần tư các công ty sản xuất Nhật Bản đang xét lại kế hoạch đầu tư tại Trung Quốc và chuyển công ty qua một nước khác trong tình trạng căng thẳng giữa hai cường quốc Á Châu. Cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc có thể chấm dứt nguồn đầu tư khổng lồ từ Nhật Bản trong hai thập niên qua đối với thị trường đầu tiên tại Hồng Kông, đến Đài Loan và cuối cùng là Trung Quốc. Kể từ
năm 1990, các công ty Nhật Bản như Panasonic, Nissan, Toyota và các nhà cung cấp phụ tùng đã đổ gần 1 nghìn tỷ mỹ kim vào các nhà máy của Trung Quốc. Việc đầu tư vào hơn 20 ngàn công ty Trung Quốc đã tạo ra hơn 1,6 triệu việc làm cho Bắc Kinh từ xe hơi, linh kiện, quần áo đến mỹ phẩm. Hiện nay 37% công ty Nhật Bản cho biết họ rất thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc. Gần một nửa nhà sản xuất Nhật Bản cho biết họ chờ xem số hàng bán ra trong năm nay thấp đến cỡ nào và 24% cho biết sẽ giảm kế hoạch đầu tư tại Trung Quốc. Trong khi đó 18% công ty cho biết đang đưa công ty sang các nước khác. Chủ tịch công ty hàng may mặc Honeys cho biết sẽ giảm số lượng quần áo may tại Trung Quốc từ 90% hiện nay và đưa qua cho Miến Điện may. Honeys bắt đầu bán loại quần skinny jeans may tại Miến Điện từ mùa hè năm nay và được xem là một mặt hàng ăn khách. Công ty sản xuất lốp xe Toyo cho biết đang chuẩn bị đưa nhà máy sang Mã Lai. Các công ty xe hơn cho biết sẽ giảm mức sản xuất đối với các loại xe bán cho người Trung Quốc và hy vọng sẽ bán được hết số xe hiện có khi người Trung Quốc nguôi ngoai. Bộ tài chánh Nhật Bản cho biết trong năm 2011, mức đầu tư của Nhật Bản vào các nước trong khu vực Đông Nam Á vượt hơn Trung Quốc gần 50%.
No comments:
Post a Comment