Tuesday, October 9, 2012

Chuyện những người màn trời chiếu đất ở Hà Nội.

Thứ Ba ngày 09.10.2012     
Kính thưa quí thính giả! Kể từ sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, trên dải đất quê hương có hình chữ S của chúng ta đã liên tiếp xảy ra những biến cố đau lòng mà hệ lụy của nó là làm cho hàng triệu gia đình phải ly tán, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, trẻ em mồ côi… Và, cho đến thời điểm bây giờ, mọi uẩn khúc của đời sống vẫn diễn ra hằng ngày. “Góc Khuất Cuộc Đời” là một chuyên mục đồng hành cùng những mảnh đời không may mắn, những số phận bị đẩy đến đường cùng, những gia đình chịu nhiều thiệt thòi bởi bất công, tham lam và tội ác của chính quyền độc tài.

Trong lúc nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục đưa ra những luận điệu mị dân nhằm bưng bít mọi thông tin có tính bất lợi cho nền độc tài của họ trước công luận quốc tế, thì có hàng triệu gia đình Việt Nam phải ra đường vì bị nhà nước, tư bản đỏ, trọc phú toa rập với chính quyền cướp trắng đất của nhân dân. Và, trên đất nước thân yêu vốn chịu nhiều nhân họa, thiên tai này, có những gia đình sống lây lất, không lối thoát, cái ăn, cái mặc đối với họ luôn là một thứ gì đó gây bất an, đau khổ, mặc dù họ vẫn nỗ lực vượt qua hằng ngày. Điều này do đâu mà có? Những cuộc đời đau khổ, chịu thiệt thòi bởi bất công, tội ác kia rồi sẽ về đâu? Số phận những đứa trẻ được sinh ra dưới mái nhà Việt Nam khốn khổ này rồi sẽ ra sao? Thiết nghĩ, đó là một nan đề mà câu trả lời thuộc về quí thính giả, thuộc về lương tri dân tộc và tư duy tự do, ý hướng dân chủ cần phải có như một nhu cầu tối cần thiết đối với quốc gia Việt Nam. Chuyên mục “Góc Khuất Cuộc Đời” của bổn đài chính thức đi vào hoạt động với sứ mệnh đưa ra ánh sáng công luận những điều vô lý đã bị bưng bít, đưa ra trước lương tri nhân loại những số phận thiệt thòi, đau khổ do tội ác độc tài mang lại. “Góc Khuất Cuộc Đời” xin được mở đầu với phóng sự Chuyện Những Người Màn Trời Chiếu Đất Ở Hà Nội do Việt Trung thực hiện qua sự trình bày của Tâm Anh. Mời quý thính giả cùng theo dõi.
Thời gian gần đây, tình hình chính trị và vấn đề an ninh, chỗ ở của người dân Việt Nam càng lúc càng trở nên rối ren, không lối thoát. Trong giới hạn bài này, tác giả muốn gửi đến quí thính giả lời tâm sự về nỗi thua thiệt của những người dân bị tập đoàn tư bản đỏ cướp đất, họ đang chịu màn trời chiếu đất tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng – Hà Nội.
Nếu nói rộng ra một chút, sự cố này dàn trải trên hầu hết các tỉnh từ Bắc chí Nam và nó có xuất phát điểm từ sự bất minh trong quản lý nhà đất, sự bất cập, thiếu khoa học trong luật nhà đất và sự bất lương của những con người đang nắm bộ máy chính quyền.
Trời Hà Nội vào Thu heo may se sắt, thi thoảng, một cơn gió lạnh thổi về, mọi thứ trở nên quạnh quẽ, cô liêu. Cái cảm giác cô liêu càng dâng lên chơi vơi khi đi dạo qua những hàng cây, bóng phố cổ độ, bóng người lạnh co ro ngồi...
Ai ngồi? Ngồi để làm gì? Tại sao họ lại rủ nhau năm bảy, có khi vài ba trăm người để ngồi trong giá lạnh? Xin mời quí vị nghe họ tâm sự:
(Nối link âm thanh phỏng vấn – người thứ nhất trả lời)d
Trong số những người ngồi ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nhìn ai cũng rách rưới, lạnh lẽo và nghèo khổ, hiếm lắm mới gặp vài người ăn mặc sạch sẽ, sáng sủa một chút.
Nhưng, có thể, những kẻ ăn mặc sạch sẽ, sáng sủa đến đây không phải để nộp đơn, để yêu cầu nhà cầm quyền trả lại quyền lợi tối thiểu về chỗ ở cho họ, đó là công an chìm, họ cùng ngồi dưới mưa lạnh với bà con, nhưng chịu lạnh có áo gió, có lương và tiền bồi dưỡng, thậm chí có súng để rút ra bắn thẳng vào đám đông nghèo khổ, thiệt thòi...
Mỗi ngày, trung bình chừng một trăm người, có khi lên vài trăm, im lặng ngồi từ sáng đến chiều để đấu tranh, hô khẩu hiệu kêu gọi chính phủ phải trả lời kết quả. Có người đã chờ suốt ba năm nay ở nhà sau khi gửi hàng trăm lá đơn khiếu nại lên chính phủ cộng sản Việt Nam nhưng rồi kết quả mà họ nhận được vẫn là im hơi, lặng tiếng.
[âm thanh]
Cuối cùng, đất mất vẫn hoàn mất, nhà cửa tan nát, dành dụm chút vốn liếng còn lại mà thuê phòng trọ qua ngày đoạn tháng và ra vườn hoa để ngồi thể hiện thái độ bất bình, để đấu tranh.
Nhưng, họ đấu tranh với ai, họ bất bình với ai? Một khi đất đã mất, sự bất công và tàn nhẫn phủ lên số phận, cuộc đời họ. Họ chờ đợi và tiếp tục chờ đời từ ngày này qua ngày nọ, mùa này sang mùa khác, và năm này qua năm khác, đói khổ và vô vọng, đó là những gì họ đang nếm trải trên đất nước Việt Nam thân yêu của họ.
Họ hy vọng gì với một bộ máy cộng sản độc tài, tàn nhẫn, vô cảm và phi nhân tính? Một người phụ nữ đến từ Tây Bắc đã ngồi tranh đấu suốt gần tháng trời, không có tiền để ăn trưa, mỗi ngày ăn một bữa cầm hơi, bà kể:
(Trích đoạn ghi âm sau...)
Và cứ thế, hàng ngày, khoảng hơn một trăm người, có khi đông lên đến mấy trăm người. Họ đến từ nhiều nơi, Quảng Bình, Nghệ Tỉnh, Điện Biên, Hưng Yên, Lai Châu, Thái Nguyên, Thanh Hóa... Có người không còn mảnh đất cắm dùi, họ chấp nhận vạ vật, sinh sống ngay tại vườn hoa, màn trời chiếu đất, một số người may mắn hơn, còn chút tiền dính túi thì thuê phòng trọ, ngày ra tranh đấu, tối về phòng trọ, sáng mai lại ở vườn hoa và cùng nhau đi gửi đơn. Theo tháng ngày, đói rách, vô vọng và khốn khổ.
Một nỗi khốn khổ bao trùm của hơn tám mươi lăm phần trăm dân số không có quyền lực phe nhóm, chân chất, hiền hậu và chịu nhiều bất công!

No comments:

Post a Comment