Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã qua đời
Vào thứ ba ngày 2 tháng 10 năm 2012, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ nổi tiếng Hoa Địa Ngục đã đột ngột qua đời tại quận Cam, California vì bạo bệnh ung thư, hưởng thọ 73 tuổi. Từ năm 1965, lúc mới 25 tuổi, ông đã là một trong số vài trí thức Việt Nam dám tố cáo và lên án chế độ Cộng Sản chà đạp nhân quyền. Vì thế, ông đã bị nhà cầm quyền Hà Nội trấn áp, bỏ tù ông nhiều lần, tổng cộng hơn 27 năm. Lần sau cùng bị tù là khi ông chạy vào tòa đại sứ Anh tại Hà Nội để xin tị nạn chính trị, nhưng họ từ chối mà chỉ đồng ý chuyển tập thơ của ông ra ngoại quốc.
Nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế và một số chính khách trên thế giới, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho ông sang Mỹ định cư vào tháng Giêng năm 1995. Ông đã đem kinh nghiệm về chế độ cộng sản, kinh nghiệm tù đày trình bày với các cộng đồng người Việt khắp nơi từ Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu. Tập thơ Hoa Ðịa Ngục đã được dịch ra Anh, Pháp, Ðức và Hòa Lan. Sau khi đến Mỹ, năm 2001 ông cho xuất bản tập truyện Hỏa Lò và năm 2008, tập truyện Hai Chuyện Tù. Sự qua đời của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là một mất mát to lớn cho thân nhân, thành viên Mạng Lưới Nhân Quyền và mọi người Việt Nam yêu chuộng tự do và dân chủ.
Việt Nam kêu gọi tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho dù đàn áp người dân
Trong phần phát biểu trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào thứ ba mùng 2 tháng 10, thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh kêu gọi các quốc gia cần tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc căn bản của công ước quốc tế cho dù nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền căn bản của người dân. Được biết Việt Nam đã ký kết gia nhập Liên Hiệp Quốc được 35 năm, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội chưa hề chứng tỏ là một thành viên tôn trọng các điều khoảng ấn định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Trong phần đánh giá vai trò của ASEAN, thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng ASEAN đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực, kể cả an ninh hàng hải tại Biển Đông. Ông Vinh cho biết Việt Nam hoàn toàn ủng hộ 6 nguyên tắc của ASEAN gồm có: giải quyết các tranh chấp trong hòa bình, tôn trọng công ước Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ những Tuyên bố về Ứng xử cho Biển Đông DOC và sớm đạt được Quy tắc Ứng xử COC. Thứ trưởng ngoại giao Phạm Quang Vinh hy vọng Liên Hiệp Quốc tiếp tục thúc đẩy hòa bình và đối thoại để giải quyết các xung đột trên thế giới trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đối xử dân oan và người bất đồng chính kiến như kẻ thù.
Việt Nam vay 118 triệu mỹ kim từ Hoa Kỳ để mua vệ tinh nhân tạo
Ngân hàng xuất nhập cảng Hoa Kỳ cho biết cơ quan Bưu Chính Việt Nam vay 118 triệu mỹ kim để mua vệ tinh nhân tạo từ công ty Lockheed Martin của Hoa Kỳ. Công ty này sẽ chế vệ tinh tại Mỹ và tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 người tại Hoa Kỳ. Được biết Việt Nam muốn mua vệ tinh nhân tạo để gia tăng tầm hoạt động của hệ thống viễn thông và các đài truyền hình. Vệ tinh này có khả năng phủ sóng toàn cõi Việt Nam và các quốc gia lân cận như Cam Bốt, Lào và Thái Lan. Tổng thống Obama cần phải phê chuẩn khoảng tiền vay trên 100 triệu mỹ kim cho Việt Nam, một nước còn nằm trong danh sách các nước cộng sản theo chủ nghĩa Mác-Lênin.
Không nên theo mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam
Nhà báo Rob Cox của Reuters đưa ra một số nhận định về mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam và cảnh báo những nước đang phát triển như Miến Điện đừng bắt chước. Ông Cox cho rằng khoảng 2 năm trước Việt Nam được nhiều nước trông chờ trở thành mãnh hổ kinh tế tại Á Châu vì tiềm năng nhân lực trẻ, có học thức, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nông nghiệp phát triển và có bờ biển dài thuận tiện cho các thương thuyền từ Thái Bình Dương. Thế nhưng nay tình trạng kinh tế của Việt Nam đang tuột dốc từ các định chế cộng sản sai trái và tình trạng tham nhũng tràn lan. Việt Nam khó lòng hấp dẫn đầu tư nước ngoài như thời mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào đầu năm 2007. Khi đó mức đầu tư vào Việt Nam bằng tổng số tiền đổ vào Nam Dương, Phi, Thái Lan và các nước khác trong vùng Đông Nam Á. Gần đây, hãng đánh giá tín dụng Moody's đã giảm độ khả tín của 8 ngân hàng thương mại Việt Nam, và xếp hạng độ khả tín của Việt Nam ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Ông Ruchir Sharma thuộc Morgan Stanley tại New York nhận định rằng "Việt Nam là một trường hợp điển hình của một nước nhỏ nhưng cố trở nên vĩ đại. Giới cầm quyền không hề chuẩn bị và cũng không có khả năng quản lý nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài trong chục năm qua". Ông Rob Cox cho biết phần lớn nguồn đầu tư đổ vào các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả như Vinalines được đảng viên cao cấp quản
lý và chia chác với nhau. Ông ta cảnh báo 100 doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam đang nợ khoảng 50 tỉ mỹ kim, tức hơn một phần ba GDP của đất nước. Ông Cox kết luận Việt Nam sẽ cần giải cứu kinh tế nhưng nguồn tiền nào chảy vào Việt Nam cũng đi kèm theo các điều kiện.
No comments:
Post a Comment