Thursday, October 11, 2012

Nhờ đâu không mất nước?

Thứ Năm ngày 11.10.2012     
Lời dẫn:CSVN sẽ cáo chung. Dân tộc Việt Nam sẽ trường tồn. Lý do đơn giản là vì, trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, đại khối dân tộc Việt luôn sản sinh hằng ngàn hằng vạn con dân bất khuất như Nguyễn Chí Thiện. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Nhờ đâu không mất nước?" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Nguyễn Chí Thiện đã qua đời. Anh đúng là hình ảnh cây sồi già kiêu hãnh trong rừng thẳm. Nhưng nghĩ lại, không nên ví Nguyễn Chí Thiện với một cây sồi, một loại cây miền ôn đới. Một thi sĩ Việt Nam ví anh như cây hoa gạo mọc trên đồi: "Tháng Tư hoa gạo đỏ - Mở cánh ngập đồi xa - Máu hồng tung tóe vỡ - Chân mây thở sáng lòa". Nhưng chắc Nguyễn Chí Thiện không thích hình ảnh cây hoa rực đỏ của thi sĩ đó. Anh là một người giản dị, mộc mạc, không phô trương hào nhoáng như cây hoa gạo. Cây hoa gạo cũng không thuộc loại gỗ tốt. Chắc ví anh như một cây đa thì thích hợp hơn. Cây đa vững chãi, bền bỉ, chung thủy, bám lấy mặt đất. Ðó là Nguyễn Chí Thiện đã chết rồi!
Lần chót anh với tôi nói chuyện lâu là vì anh đọc bài của tôi in trên Ðặc San Bắc Ninh, cách đây ba tháng. Vì bài viết về quá trình Hán hóa miền Nam Trung Quốc. Chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc, cùng bày tỏ niềm vui khi nói đến những đàn anh như anh Tô Hải, những người cùng tuổi như Nguyễn Huệ Chi, hoặc các bạn trẻ hơn như Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần. Và chúng tôi cùng thấy những người quá lo lắng nghĩ rằng Việt Nam sẽ mất vào tay Trung cộng là sai; không có gì phải lo cả. Cứ nhìn lại lịch sử nước Việt Nam thì biết. Anh góp ý kiến với tôi về cuốn sách tôi đang viết: Vì sao sau một ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt Nam vẫn còn, nước Việt Nam không mất. Anh cũng đồng ý, đó là một phép lạ lịch sử. Nhưng anh đề nghị cứ gọi đó là phép lạ Việt Nam, không cần nói "lịch sử" nghe nó to, nó lớn quá.
Trong Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim viết: "Hết thời Bắc thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với người Tàu". Dân tộc ta vẫn còn vì "cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng". Nhưng nó là những cái gì? Anh Nguyễn Chí Thiện đồng ý là người miền Lưỡng Quảng, Phúc Kiến, thực ra giống người mình, khác với người Hoa Bắc. Tất cả những người "anh em họ xa" của chúng ta nay biến thành người Trung Hoa hết. Tại sao dân Việt Nam không mất gốc, không mất nước? Lê Thành Khôi, Lê Mạnh Hùng đều nhắc đến một yếu tố là người mình còn giữ được tiếng nói. Keith Taylor giải thích thêm là với yếu tố tôn giáo. Nhưng tiếng nói và tín ngưỡng ảnh hưởng đến sức đề kháng của dân tộc Việt Nam như thế nào?
Nước Việt Nam còn được đến bây giờ là vì tổ tiên chúng ta từ 2,000 năm trước đã có những người cứng đầu như anh. Có những người bướng bỉnh, nhất định làm người Việt, không chịu làm người Hán. Trong hàng ngàn, hàng vạn người mới có một người "ngoan cường, bất khuất" như thế. Nhưng hào kiệt đời nào cũng có. Cho nên, dân tộc Việt Nam vẫn còn đến bây giờ. Và sẽ không bao giờ mất.
Như hồi hai mươi tuổi Nguyễn Chí Thiện thấy học sinh được dạy rằng Nhật Bản đầu hàng sau khi bị Hồng quân Liên xô tấn công. Tất cả các thầy giáo, cô giáo cứ phải dạy trẻ em như vậy. Họ biết là sai nhưng cứ phải bịt mũi lại mà dạy như thế. Chỉ có Nguyễn Chí Thiện không chịu. Anh nói lại rằng Nhật đầu hàng vì bị Mỹ thả bom nguyên tử. Nga Xô vẫn còn giữ hiệp ước bất tương xâm với Nhật suốt thời chiến tranh, chỉ sau khi bom nguyên tử nổ rồi, Stalin mới tuyên chiến với Nhật.
Có ai bắt phải cải chính cho lịch sử hay không? Nhưng thầy giáo trẻ Nguyễn Chí Thiện đã làm như vậy. Cái ách ở giữa đàng, anh cứ đem quàng vào cổ mình. Anh bị bắt vào tù, nhưng sự thật vẫn là sự thật, anh giữ ý kiến, vì đó là sự thật. Hàng vạn người cứ dạy và nghe người ta dạy những chuyện sai lầm, gian dối cho trẻ em, ai cũng giả dại qua ải. Còn Nguyễn Chí Thiện thì không. Một chế độ chủ trương gian trá thì cũng sẵn sàng làm tất cả những tội ác. Nguyễn Chí Thiện cũng không nhịn được, phải gọi tên Cái Ác. Ở cả miền Bắc Việt Nam có hàng vạn người như anh. Anh là người chịu nhiều cực hình hơn cả.
Nước Việt Nam vẫn còn đến bây giờ vì người Việt Nam đã có sẵn trong dòng máu những tế bào như anh Nguyễn Chí Thiện. Tổ tiên chúng ta đời xưa chắc chắn phải có nhiều người như vậy. Bây giờ vẫn còn những Ðiếu Cầy, Tạ Phong Tần, Mẹ Nấm, Nguyễn Xuân Diện, v.v... Dân Việt Nam có "cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng" như Trần Trọng Kim nói. Nhưng Nguyễn Chí Thiện đã mang trong dòng máu của anh rất nhiều cái nghị lực đặc biệt đó. Có hàng vạn người cũng như anh, nhưng họ không phản ứng theo lối của anh. Tôi nghe kể có một sĩ quan bộ đội, đi đánh Ðiện Biên Phủ trở về thì ông bố bị tố khổ. Anh đã về làng, tỏ ý ủng hộ bọn chúng nó; anh ra tố cáo tội bố trước "tòa án nhân dân". Ngày kết án, anh tình nguyện sẽ bắn bố mình. Anh cầm súng, đến bên bố nói nhỏ mấy câu, bắn chết bố, rồi quay lại bắn chết luôn bọn côn đồ, trước khi tự bắn mình. Ðây là một hành động can đảm, đáng kính. Nhưng chỉ là phản ứng trong phạm vi cá nhân. Nước Việt Nam cần những người tố cáo cái ác, cái xấu làm hại cho cả dân tộc. Như Nguyễn Chí Thiện, bền bỉ suốt nửa thế kỷ. Tổ tiên chúng ta cũng còn rất nhiều người như anh, cho nên chúng ta không mất nước. Con cháu chúng ta chắc chắn cũng như anh Nguyễn Chí Thiện, nên chúng ta tin chắc nước Việt Nam không bao giờ thành một tỉnh hay một quận của nước Tàu!
Ngô Nhân Dụng

No comments:

Post a Comment